Ông Chính cho rằng hiện vẫn chưa quản lý được số lượng đơn vị và lao động tham gia BHXH bắt buộc. Thống kê cho thấy có 16 triệu lao động lẽ ra phải tham gia BHXH nhưng thực tế chỉ thu được BHXH của 11 triệu người, còn hơn 5 triệu lao động không thu được.
Liên quan đến lợi ích sát sườn về lâu dài của người lao động và an sinh xã hội, đó là thu nhập bình quân của người lao động 3,8 triệu đồng/tháng nhưng mức đóng BHXH lại phổ biến ở mức bình quân 2,8 triệu đồng. “Với mức đóng BHXH thấp như vậy, 20-30 năm sau thu nhập của người về hưu thấp hơn chuẩn nghèo và họ lại chính là diện nghèo của xã hội” - ông Chính nói.
Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm là tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến người lao động mất trắng quyền lợi (do chủ doanh nghiệp đã chiếm dụng tiền BHXH). Biện pháp xử lý các chủ doanh nghiệp bỏ trốn vẫn chưa rạch ròi. Hiện số nợ BHXH đạt kỷ lục 11.000 tỉ đồng, cơ quan BHXH đã khởi kiện 4.000 vụ nhưng chỉ thu hồi được 20% số vụ kiện. Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp chây ỳ đóng BHXH là do chế tài không đủ sức răn đe, cụ thể mức xử phạt cao nhất là 75 triệu đồng so với khoản nợ BHXH lên hàng chục tỉ đồng. Theo đó, các đại biểu đề xuất cần bổ sung các hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động vào tội hình sự mới đủ sức răn đe. Đồng thời nên giao cho cơ quan BHXH chức năng thanh tra vì cho rằng BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu lao động...
Ông Đinh Văn Cương, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực BHXH còn nhiều vấn đề tồn tại. Đó là diện bao phủ còn thấp; quản lý nhà nước về đóng BHXH chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH vẫn còn nhiều; quỹ BHXH, nhất là quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần...
PHONG ĐIỀN