Ngày 28-9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam
Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng nhằm chống lại việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (tương đương khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của bốn năm liền kề nhất.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Việt Nam ủng hộ áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các DN nộp bổ sung thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, thuế thu nhập DN bổ sung để chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là khoản thuế mới, chưa quy định trong Luật Thuế thu nhập DN nên cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết.
Theo tờ trình, DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất DN dưới 15% sẽ phải nộp bổ sung thuế để đủ mức 15%. Rà soát của cơ quan thuế cho thấy có 122 công ty nước ngoài sẽ phải nộp bổ sung thuế. Hai khoản DN sẽ phải kê khai, nộp bổ sung là thuế nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IRR).
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc ban hành nghị quyết này để thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD đã có chủ trương.
122 tập đoàn nước ngoài chịu ảnh hưởng
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay cơ quan thuế đã thực hiện rà soát các DN thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo đó, có 122 tập đoàn nước ngoài chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch hơn 14.600 tỉ đồng trong năm 2024.
“Đây là quyền lợi của đất nước” - ông Phớc nói và phân tích nếu không đánh thuế, chúng ta từ bỏ quyền định thuế của mình, DN sẽ nộp phần nộp bổ sung về chính quốc, nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ.
“Việt Nam sẽ thất thu thuế, mất dòng đầu tư. Các DN khó có thể đầu tư tiếp khi bị cơ quan thuế ở nước đặt công ty mẹ truy thu” - ông Phớc nói thêm và cho biết Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định quy định cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng các nội dung. Dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, phấn đấu ban hành trong tháng 12 để thuế này có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
Phải bảo đảm giữ ổn định môi trường đầu tư
Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết thường trực ủy ban này nhất trí với việc ban hành nghị quyết. “Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập DN bổ sung (cho đủ mức 15%) với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%” - ông Mạnh nói.
Về phạm vi thu thuế, so sánh với quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cơ quan thẩm tra đánh giá dự thảo nghị quyết chưa quy định về việc thu thuế với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR). Đây là khoản giữ quyền có thể thu thuế với trường hợp công ty con thuộc tập đoàn ở Việt Nam được phân chia quyền thu thuế với những khoản thu nhập chưa bị đánh thuế tối thiểu toàn cầu tại quốc gia của công ty mẹ và các quốc gia có công ty con khác.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung vào dự thảo nghị quyết nội dung quy định để có cơ sở áp dụng ngay khi OECD cho phép thực hiện, hoặc có phương án bổ sung nội dung quy định về UTPR khi sửa Luật Thuế thu nhập DN để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng trong bối cảnh hiện nay buộc Việt Nam phải tham gia “cuộc chơi”. Tuy nhiên, công thức, phương pháp tính thuế phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, dễ thực thi. Đồng thời, việc đánh thuế này cũng phải bảo đảm giữ ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, không ảnh hưởng tới DN đầu tư.
“DN đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang được hưởng các chính sách thuế thấp hơn 15%, nếu đánh thuế lên 15% thì họ phải nộp thuế nhiều hơn. Do đó, phải có chính sách bù trừ vào khoản thuế để không ảnh hưởng đến DN” - ông Thanh lưu ý.
Tránh phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về thẩm quyền ban hành, sự cần thiết, mục tiêu, tên gọi dự án nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát để bảo đảm các nội dung, giải thích từ ngữ bám sát các quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá tác động, quy định rõ hơn về các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện nghị quyết, tránh phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế; đồng thời có phương án xử lý việc các tập đoàn đa quốc gia, công ty mẹ sử dụng hệ thống kế toán khác biệt với công ty thành viên tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN