Mới đây, vào ngày 8-9, Iceland đã phát tin trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) về hàm lượng cao thuốc trừ sâu gốc carbaryl trên trái bòn bon (langsat) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Cảnh báo cho biết số hàng này thuộc về một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, TP.HCM.
Cùng với cảnh báo, nhà chức trách Iceland cho biết biện pháp áp dụng với lô hàng này là tiêu hủy.
Trao đổi với PLO, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ NN&PTNT, cho biết đã tìm hiểu sự việc. Kết quả cho thấy lô hàng này được xuất sang EU, với tổng trọng lượng 386 kg, trị giá hơn 1.000 USD.
Lô hàng gồm 46 sản phẩm, từ rau muống, rau răm, tía tô, rau nhút, rau cải, rau kinh giới, quả đu đủ, quả bầu, đến bòn bon… Trong đó, trọng lượng bòn bon chỉ 10kg, trị giá 32 USD, theo hóa đơn của đơn vị xuất khẩu sang Iceland.
Sau khi biết thông tin trên, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam không giấu được sự thất vọng: “Thật đáng tiếc. Với số lượng hàng cực kỳ ít nhưng đã gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nông sản Việt Nam”.
Theo ông Ngô Xuân Nam, với những trường hợp vi phạm như trên thì tùy mức độ vi phạm mà có nhiều hình thức cảnh báo và biện pháp xử lý khác nhau. Ở mức độ nhẹ là thông báo cho nhà sản xuất, cao hơn là bị tiêu hủy tại nước nhập khẩu hoặc bị trả lại hàng.
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho biết, nhiều người xuất cảnh đi nước ngoài thăm thân nhân hoặc học sinh, sinh viên ra nước ngoài thường mang theo các sản phẩm nông sản Việt Nam.
Với những trường hợp này, khuyến cáo là nên tìm hiểu rõ quy định của nước sở tại về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Như thế sẽ đảm bảo chắc chắn hơn về khả năng chuyển hàng, tránh những trường hợp đáng tiếc vừa mất công, mất của riêng mình, vừa ảnh hưởng đến uy tín cũng như vị thế của nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Việt Nam đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các cam kết về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật SPS. Đây là biện pháp bắt buộc áp dụng, không phân biệt đối xử, không phân biệt thành phần, cá nhân hay tổ chức, trong nước hay ngoài nước… Khi đã bị vi phạm thì đều bị xử lý theo cam kết mà Việt Nam đã tham gia” - ông Nam nhấn mạnh.
Nông sản Việt đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, được nhiều nước đánh giá cao về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh. Về cơ bản, các nhà xuất khẩu nông sản chuyên nghiệp của Việt Nam đã hiểu rõ các quy định của thị trường. Trường hợp như 10kg bòn bon của doanh nghiệp ở TP.HCM chỉ là cá biệt, nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt.