Ngày 27-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam. Theo ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024. Như vậy, so với dự báo hồi tháng 4, hai chỉ số này đều có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, chia sẻ: “Môi trường bên ngoài yếu kém, gồm cả sự phục hồi chậm chạp tại Trung Quốc, đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.”
Tuy nhiên, báo cáo của ADB nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Đáng chú ý, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất chế biến chế tạo tăng hơn 50% vào tháng 8 sau 5 tháng suy giảm liên tiếp, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất dựa trên tiêu dùng.
Công nghiệp được dự báo tăng trưởng 7,0% trong năm 2023. Xây dựng cũng sẽ tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo đúng kế hoạch.
Các lĩnh vực khác được dự báo sẽ có phục hồi tốt. Dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của tám tháng đầu năm 2023 tăng 10,0% so với cùng kỳ. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và dự báo lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2023.
Về phía cầu, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân khoảng 30 tỉ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, ADB lưu ý, Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.
Mặt khác, rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng.
Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng đô-la Mỹ mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng.