Thay đổi diện mạo sông Sài Gòn theo hướng nào?

Sau khi dự thảo Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 TP.HCM và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025 được Sở QH-KT trình UBND TP, các chuyên gia cho rằng việc quy hoạch dọc sông Sài Gòn phải làm từng bước.

Cụ thể, từ hiện trạng sẽ tính ra quy hoạch và từ quy hoạch mới tính ra quỹ đất, rồi từ quỹ đất mới đề xuất dịch vụ.

Sông Sài Gòn nhìn từ trên cao, đoạn qua quận Bình Thạnh. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

TS PHẠM VĂN HÙNG, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam:

Khai thác phải gắn với quy hoạch chung

TS Phạm Văn Hùng

Từ xưa đến nay, TP.HCM chưa quy hoạch một cách bài bản về sông Sài Gòn mà chủ yếu là manh mún. Kiểu như khúc sông này thì làm du lịch, khúc sông kia thì làm vận chuyển hành khách công cộng, khúc sông khác thì tạo môi trường cảnh quan, nét đặc thù văn hóa.

Có thể thấy chúng ta quy hoạch ven sông như hiện nay là theo kiểu tự phát chứ chưa có một chương trình cụ thể, quy mô nào. Thực chất đó là sự phát triển, để lại của lịch sử, như khu du lịch bến Bạch Đằng ăn theo quận 1 - trung tâm TP. Đến nay chúng ta mới tính tới việc chỉnh trang, thiết kế cảnh quan lại khu vực này.

Rồi việc phát triển văn hóa có đặc thù sông nước thì chúng ta cũng chưa làm được gì nhiều. Phát triển TP về hướng nào, ven sông đất yếu ra sao, phát triển theo kiểu bồi đắp ra sao… chúng ta cũng chưa có tổng thể định hướng.

Theo tôi, hiện nay chúng ta cần rà soát lại quy hoạch ven sông, rồi làm đề án khai thác kinh tế, dịch vụ là tín hiệu tốt. Bỏ qua tồn tại cũ và nhìn về cái mới, tầm nhìn tương lai để TP phát triển hơn. Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý việc quy hoạch sông Sài Gòn phải gắn liền với nhiệm vụ quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 chúng ta đang làm, rồi còn quy hoạch đường thủy, du lịch…

Quy hoạch sông Sài Gòn thì phải có tính đặc thù của sông Sài Gòn và phù hợp văn hóa TP, phù hợp với phát triển văn hóa TP; cần cải tạo, chỉnh trang đô thị dọc sông, kết hợp với vận tải thủy, khai thác triệt để khu du lịch để phát triển kinh tế. Nếu chúng ta phát triển kinh tế ven sông mạnh mẽ sẽ thu hút khách du lịch và tạo ra các khu đặc thù, như khu phố Bùi Viện chẳng hạn.

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:

Làm phải có lớp lang, trình tự và gấp rút

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Tôi có theo dõi thì được biết TP.HCM có giao Sở QH-KT rà soát và làm quy hoạch ven sông Sài Gòn từ 1-2 năm trước. Theo tôi, nếu TP.HCM tính làm quy hoạch ven sông Sài Gòn thì nên tham khảo thêm cách làm quy hoạch ven sông Hương của Huế. Tức là quy hoạch sẽ tính từ bờ sông 100-120 m trở lên và làm quy hoạch tính luôn cả vùng đất giao thông kết nối như thế nào, bến thuyền ra sao. Đó là định hướng các nước tiên tiến đều làm.

Quy hoạch sông Hồng tại Hà Nội thì khác sông Sài Gòn, vì không gian sông Hồng rất lớn (lại có lũ), nó không phải là không gian sông nước đô thị mà là không gian ngăn cách khu nội thành Hà Nội với ngoại thành.

Còn không gian đô thị của sông Sài Gòn có các khu đô thị hiện hữu, khoảng cách hai bờ sông không xa, bắc cầu qua là được. Vậy nên nếu chúng ta quy hoạch tốt với mạng lưới cầu đường, nó có thể giúp sông Sài Gòn như sông Seine (Pháp, chảy xuyên qua Paris, hai bờ sông Seine ở khu vực Paris có rất nhiều công trình nổi tiếng).

Việc TP.HCM làm quy hoạch ven sông tốt cũng là cơ hội để tạo khu vực không gian công cộng sông nước phục vụ người dân. Việc tổ chức khai thác kinh tế dịch vụ là một phần của quy hoạch, trọng tâm là đánh giá được quỹ đất ven sông Sài Gòn hiện nay và từ đó đưa ra được định hướng giao thông kết nối.

Trong quá trình làm quy hoạch thì có khu vực dân cư, khu vực thương mại… tạo ra khu vực đa dạng cho người dân. Quy hoạch ven sông Sài Gòn phải nhìn rộng hơn. Cạnh đó, những khu vực hơi lộn xộn, lấn chiếm thì phải xử lý như thế nào, từ đó sẽ ra quỹ đất để chúng ta kinh doanh dịch vụ và kinh doanh để chúng ta có tiền đầu tư cho hạ tầng ven sông.

Từ hiện trạng mới tính ra quy hoạch, từ quy hoạch mới tính ra quỹ đất, từ quỹ đất mới đề xuất dịch vụ, phải có bài bản, lớp lang như vậy. Mỗi quy hoạch ven sông cần nghiên cứu kỹ hiện trạng để đưa ra giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển của TP.

Theo tôi, bây giờ chúng ta mới làm quy hoạch sông Sài Gòn là quá chậm, ì ạch, phải gấp rút làm nhanh để không lạc hậu hơn. TP.HCM phải đưa vào danh mục những việc cần làm gấp, vì không gian ven sông không xử lý sớm thì lấn chiếm càng nhiều. Mặt khác, TP.HCM đang rất thiếu không gian xanh, không gian công cộng, nếu tăng được không gian công cộng, không gian ven sông là càng tốt.

KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM:

Quan tâm đến thiết kế đô thị dọc bờ sông

KTS Khương Văn Mười

Bên đây bờ sông Sài Gòn, khu trung tâm, các quận 1, 3, 4… khu đô thị hiện hữu, khu Thủ Thiêm bên kia cơ bản đã có các quy hoạch và phát triển theo khu đô thị, theo dự án.

Chúng ta nên bổ sung thiết kế đô thị hai bên bờ sông. Chúng ta cũng đã xác định đường ven sông, khu vực cho cây xanh. Khu trung tâm ven sông Sài Gòn cần thêm các bến tàu thuyền để kết nối giao thông thủy và bộ, đây cũng sẽ là các công trình khai thác du lịch.

Ngoài khu trung tâm, theo tôi, với các khu vực khác mà sông Sài Gòn chảy qua, chúng ta cũng nên có các công trình đem đến điểm nhấn, công trình công cộng, văn hóa và công trình khai thác lịch sử (nếu có) để làm điểm đến du lịch.

Về quy hoạch, hiện nay chúng ta đang thiếu thiết kế đô thị hai bên bờ sông. Chúng ta phải bổ sung thiết kế đô thị, cùng với khoảng lùi từ mép bờ cao theo quy định, đường ven sông thì dễ dàng hơn trong việc quản lý.

Ví dụ, một công trình hay một dự án nào muốn mọc lên ở ven sông thì phải đáp ứng: Thiết kế đô thị phù hợp, khoảng lùi phù hợp, kết hợp với đường ven sông làm thành hình thái giao thông kết nối thuận lợi, nhất là về đường thủy.

Quy hoạch ven sông Hồng cũng làm nhiều lần, đến nay mới có quy hoạch cuối cùng. Hiện nay ven sông Sài Gòn đã có các khu đô thị, có quy hoạch các dự án thì cũng thuận lợi hơn trong công tác làm thiết kế đô thị ven sông.

Quan trọng nữa là chúng ta phải tính tới hiệu quả đầu tư, chứ làm cho đẹp mà không thu hút được các dự án đầu tư thì cũng khó làm kinh tế dịch vụ ven sông.•

Kinh nghiệm quy hoạch sông ở một số nước

Hàn Quốc

Sông Hàn dài 514 km và rộng khoảng 1 km, chảy qua trung tâm Seoul. Trong thế kỷ 20, do dân số Seoul tăng nhanh nên đô thị hóa tác động vào hai bên bờ sông Hàn. Từ thập niên 1990, chính quyền Seoul thực hiện hàng loạt dự án cải tạo sông Hàn và quy hoạch lại khu vực ven sông theo hướng gần gũi với môi trường tự nhiên. Nhà chức trách xây nhiều công viên dọc bờ sông Hàn, kết hợp với các sân bóng, đường chạy bộ, bể bơi và các cơ sở giải trí khác.

Singapore

Marina Bay Sands là nơi sông Singapore tiếp nối với biển. Từ thập niên 1960-1970, chính phủ Singapore đã xác định biến khu vực này thành một trung tâm kinh doanh - giải trí - định cư mang tầm thế giới.

Nhà chức trách thực hiện kế hoạch phát triển với mục tiêu tạo một trung tâm đa chức năng, bao gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, trung tâm mua sắm, các trung tâm giải trí và không gian công cộng. Dù đây là dự án của chính phủ nhưng các công ty tư nhân cũng được tạo điều kiện triển khai các dự án quan trọng, góp phần tạo ra khu Marina Bay Sands hiện đại.

Nhật Bản

Trung tâm kinh doanh Minato Mirai 21 thuộc TP Yokohama, Nhật Bản. Hơn hai thập niên trước, hàng loạt bến tàu và cơ sở cảng lớn chiếm cứ trung tâm TP Yokohama.

Năm 1981, chính quyền Yokohama lập kế hoạch di dời các cơ sở này, biến nơi đây thành một trung tâm đô thị hiện đại, phát triển. TP lập ra Tập đoàn Yokohama Minato Mirai 21 theo mô hình hợp tác công tư để phát triển khu Minato Mirai 21. Tập đoàn Yokohama Minato Mirai 21 di dời toàn bộ cơ sở công nghiệp tại đây, xây dựng hàng loạt công viên ven sông, kết hợp với phát triển các tòa nhà cao tầng hiện đại, đồng thời tích hợp với các khu phố cổ của Yokohama. 

 

Đề xuất làm đại lộ ven sông Sài Gòn

Vào tháng 3-2021, trong văn bản góp ý về nhiệm vụ quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu có đề nghị bổ sung dự án đại lộ ven sông Sài Gòn vào quy hoạch giao thông, đô thị.

Theo đó, HoREA đề nghị bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi), kết nối vào quốc lộ 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, quốc lộ 13, tỉnh lộ 8 để tạo điều kiện phát triển đô thị khu vực tây bắc, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), huyện Bến Cát (Bình Dương), huyện Đức Hòa (Long An). Nhất là trong bối cảnh khu đô thị Tây Bắc nhiều năm nằm “án binh bất động” cần được thức tỉnh.

Khu đô thị Tây Bắc (quy hoạch 6.000 ha) nằm trong quy hoạch từ năm 2010 về định hướng phát triển TP.HCM. Đến nay, khu đô thị này đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 3.347 ha của giai đoạn 1. Hiện dự án cũng đã được phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh phân khu tỉ lệ 1/5.000 nhằm tính toán lại quy mô và hiệu quả kêu gọi đầu tư.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đề xuất này, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở QH-KT TP.HCM, cho biết theo quy định thì nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung TP.HCM chỉ đặt ra những yêu cầu, câu hỏi lớn, chưa xác định giải pháp. “Vì vậy, đề xuất đường ven sông Sài Gòn được ghi nhận như một ý kiến “hiến kế”, sẽ được chuyển cho đơn vị tư vấn lập đồ án nghiên cứu sau” - ông Thảo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm