Thầy giáo khiếm thị mang Ánh Dương cho người cùng cảnh ngộ

(PLO)- Anh chẳng bao giờ tưởng tượng được một ngày thế giới tươi đẹp của một thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hiếu bỗng chốc là một màn đêm không lối thoát. Anh phải gắng gượng để học quen với đêm tối đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Thầy Nguyễn Ngọc Hiếu sinh năm 1988 ở Tiền Giang. Anh bị teo dây thần kinh thị giác, khiến đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng lúc mới 23 tuổi. Mọi ước mơ, hoài bão dường như sụp đổ. Tuy nhiên chẳng có màn đêm nào là mãi mãi, anh vượt lên nghịch cảnh vừa là một thầy giáo, vừa là người anh cả lo cho nhiều số phận của anh, chị, em khiếm thị.

Khi màn đêm buông xuống

Ngày 27-7-2011, ngày mà Hiếu sẽ chẳng bao giờ quên được trong cuộc đời, ngày đã cướp đi đôi mắt và hoài bão của thầy giáo trẻ.

Lúc đó, anh còn là một giáo viên thể dục tại Vũng Tàu. Bên cạnh anh còn có một cô bạn gái xinh đẹp, cả hai đều đã tính chuyện trăm năm, nhưng anh bất ngờ gặp chuyện...

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu (1988) sinh ra ở Tiền Giang, bị teo dây thần kinh thị giác, khiến đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng.

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu (1988) sinh ra ở Tiền Giang, bị teo dây thần kinh thị giác, khiến đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng.

Anh bị sốt cao, mọi người đưa vào viện nhưng bệnh viện không chẩn đoán ra bệnh. Sau đó anh được chuyển lên tuyến trên khi sức khỏe đã rất yếu, không ăn, không uống được trong một thời gian dài. Sức khỏe, tinh thần kiệt quệ, anh không thể ăn nhai được bình thường mà bác sĩ phải nối ống để đưa thức ăn vào cơ thể.

Sau một thời gian dài chữa trị, sức khỏe dần hồi phục nhưng thị lực anh mãi mãi mất đi. Cảm giác như mình là đồ bỏ đi, là gánh nặng cho tất cả mọi người khiến anh tìm đến cái chết để kết thúc đi những tháng ngày vô nghĩa đó. Tuy nhiên may mắn anh được gia đình cứu sống.

Khoảng thời gian sau, anh phải học cách tồn tại bằng đủ mọi ngành nghề. Ban ngày anh đi bán vé số, ban đêm anh bán hoa quả ở vỉa hè Quận 6 để kiếm ăn qua ngày.

Anh chia sẻ: “Với một người khiếm thị, không chỉ học để nghe, để thấy ánh sáng trong đêm tối, mà còn phải học để chấp nhận nỗi đau từ những người sáng mắt. Họ đánh đập, cướp giật, lừa đảo từ tờ vé số cho đến miếng cơm manh áo với người khiếm thị”.

Trải qua những gian khổ, thấu hiểu những vất vả của người khiếm thị anh quyết tâm học nghề để bản thân đỡ vất vả.

Ánh Dương đến với anh và mọi người

Sau khoảng thời gian học nghề vất vả, anh mở một phòng massage nhỏ cho anh và các bạn khiếm thị cùng nhau hành nghề và nương tựa lẫn nhau.

Ngoài giờ làm, các bạn khiếm thị còn tranh thủ học, đọc sách

Ngoài giờ làm, các bạn khiếm thị còn tranh thủ học, đọc sách

Việc kinh doanh với người sáng mắt đã là một thách đố thì với người khiếm thị như Hiếu lại càng khó khăn bội phần. Nhưng lắng nghe những hoàn cảnh, những mảnh đời khiếm thị anh lại càng quyết tâm và nỗ lực hơn.

Anh vừa làm, vừa đào tạo các bạn học viên khiếm thị. “Nếu các bạn không ở lại đồng hành cùng tôi thì các bạn cũng có một cái nghề sẽ đỡ vất vả hơn tôi ngày trước”, anh tâm niệm.

Đồng hành với anh Hiếu từ những ngày còn là cậu học sinh cấp 3, anh Mai Đình Phúc (30 tuổi), quê ở Bình Phước nghẹn ngào chia sẻ: “Em có được như bây giờ là nhờ công ơn của anh Hiếu. Em làm ở Ánh Dương vừa có tiền trang trải cuộc sống, vừa có tiền để mua thuốc thang cho mẹ. Được nghe giọng nói, tiếng cười của mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất của em”.

Anh Mai Đình Phúc gắn bó và đồng hành Ánh Dương từ những ngày đầu

Anh Mai Đình Phúc gắn bó và đồng hành Ánh Dương từ những ngày đầu

Điều mà Phúc mong muốn và thích thú nhất là được đạp xe, đi dạo trên những con đường ở Vũng Tàu. Vì những hạnh phúc bé nhỏ đó, anh đã tổ chức cho các bạn khiếm thị đi chơi, du lịch vào các dịp lễ tết, cũng như tạo điều kiện cho các bạn ăn học, sắp xếp thời gian vừa học, vừa làm hợp lý.

Anh Hiếu kể, lắng nghe những câu chuyện của các bạn khiếm thị khiến anh càng có thêm đồng cảm, động lực để vươn lên. Hiện nay, anh Hiếu đang tạo công ăn việc làm cho hơn 30 bạn khiếm thị, và nhiều học viên học nghề massage miễn phí tại hai cơ sở massage của mình.

Số tiền có được từ mảng kinh doanh, ngoài việc duy trì điện nước, tiền lương cho các bạn, anh dành một phần hỗ trợ cho các em bé bị bại não, giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo khi có ai đó giới thiệu hoặc tìm đến anh.

Anh luôn dành thời gian đến và chia sẻ cùng các em bé bị bại não tại các cơ sở chăm nuôi các em.

Anh luôn dành thời gian đến và chia sẻ cùng các em bé bị bại não tại các cơ sở chăm nuôi các em.

Hiếu đã từng mất đi tất cả, tuổi trẻ và những hoài bão lớn lao, mất đi gia đình và một mái ấm nhưng giờ đây anh luôn hạnh phúc với những gì mình đang có. Ở ngôi nhà Ánh Dương không có ai làm chủ, cũng không có nhân viên, chỉ có người anh em và người thân. Ánh Dương với anh trước là nơi mưu sinh, chốn trú ngụ mưa gió của cuộc đời, sau là gia đình.

Ánh Dương đón nhận tất cả những mảnh đời

Ở đây đón nhận tất cả những mảnh đời, họ đã từng bị chối bỏ bởi chính người thân yêu, chính gia đình, từng rất tăm tối. Nhưng họ đã cùng nhau vươn lên, xây dựng hạnh phúc cho bản thân, làm những việc có ích với đời. Ở đây họ yêu thương, gắn bó với nhau bởi đơn giản, họ có cùng một điểm chung: họ đã từng lần mò trong đêm tối để đi tìm ánh dương cho cuộc đời.

Với những người khiếm thị, hạnh phúc đôi khi đơn giản là được đạp xe trên những con đường rộng rãi ở Vũng Tàu, hay như thế nào là một màu xanh, con chim có đôi cánh ra làm sao...!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm