Hiện chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi dâm ô cũng như liệt kê các hành vi dâm ô. Đến nay, chỉ có các lý luận, bình luận khoa học trong các giáo trình dạy về luật của các trường đại học luật hay các chuyên đề khoa học trong các tạp chí nghiên cứu luật học. Về cơ bản, tất cả tài liệu nêu trên đều thống nhất hiểu theo nghĩa ban đầu thì dâm ô là có hành vi sờ bộ phận sinh dục.
Đứng trên quan điểm về mặt nghiên cứu khoa học thì theo tôi cần mở rộng hơn nữa hành vi gọi là dâm ô. Cụ thể thì dâm ô không chỉ là sờ bộ phận sinh dục mà cũng có thể sờ ở những chỗ khác nhưng mục đích của người đó là nhằm thỏa mãn dục vọng của họ. Theo góc nhìn này thì trường hợp của thầy M. ở Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang có hành vi sờ mông, sờ đùi... đối với 14 học sinh nữ và một học sinh nam cũng nên coi là dâm ô.
Quy định như vậy sẽ phù hợp với luật pháp của một số nước trên thế giới. Dâm ô chính là một dạng quấy rối tình dục đối với trẻ em. Quấy rối tình dục trẻ em được luật pháp nước ngoài hiểu theo nghĩa rộng hơn. Còn nói về định nghĩa dâm ô của Việt Nam, do cách hiểu hiện nay trong thực tiễn còn hẹp nên tôi đề nghị cần thiết phải mở rộng định nghĩa về dâm ô.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hình sự, hiện nay không có quy định về việc xử lý hành vi sờ soạng, sàm sỡ đối với người lớn. Còn thực hiện những hành vi vừa nêu đối với trẻ em thì chỉ được điều chỉnh duy nhất trong tội dâm ô theo Điều 146 BLHS.
Phải thừa nhận hiện nay sự lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức của người lớn đối với trẻ em, học sinh diễn ra khá phổ biến. Đã đến lúc cần có một văn bản liên ngành của cơ quan áp dụng pháp luật ở trung ương như TAND Tối cao, VKSND Tối cao định nghĩa thế nào là dâm ô. Mà tốt nhất nên sửa tội dâm ô thành tội quấy rối tình dục trẻ em hoặc quấy rối tình dục với người dưới 16 tuổi. Đồng thời nên liệt kê “một cách có thể” các hành vi bị xem là quấy rối tình dục để các cơ quan áp dụng trong thực tiễn không phải tranh chấp, không phải xung đột quan điểm như hiện nay.
Quang cảnh buổi họp báo thông tin vụ thầy giáo quấy rối học sinh ở huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Qua chuỗi sự việc xảy ra với nhiều học sinh, trong đó có nhiều học sinh nữ ở Trường Tiểu học Tiên Sơn vừa qua thì từ hành vi của thầy M., cho phép chúng ta được kết luận về thái độ tâm lý của thầy M. Rõ ràng là phải có ý đồ xấu (nói theo ngôn ngữ dân gian), có mục đích thỏa mãn dục vọng lệch lạc (nói theo “ngôn ngữ” của luật hình sự) thì thầy M. mới có những hành vi như đã nêu chứ không đơn thuần là “nựng yêu” hay là thói quen vô tình.
Về mặt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì thầy M. cần hiểu và phải hiểu cách thức xử sự sao cho hợp lý đối với học trò của mình. Về mặt ý thức chủ quan thì rõ ràng thầy M. phân biệt được hành xử của mình như thế nào là hợp lý và như thế nào là không.
Những điều thầy M. đã làm rõ ràng là bất hợp lý, lại thực hiện nhiều lần các hành vi véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, đùi các học trò của mình thì đã đủ cơ sở để kết luận người thầy này có mục đích thỏa mãn dục vọng thái quá của mình. Nếu hiểu hành vi khách quan rộng ra (tức hiểu dâm ô theo nghĩa rộng như tôi đã phân tích ở trên) thì trong hoàn cảnh thực tiễn vụ việc ở Trường Tiểu học Tiên Sơn đã đủ kết luận sự thỏa mãn về mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm của tội dâm ô.
Từ những phân tích dưới góc độ quy định của pháp luật, cộng với hành vi thực tế mà Cơ quan CSĐT Công an huyện Việt Yên đã kết luận thì đã đủ cơ sở để xử lý thầy M. theo pháp luật hình sự.