Thấy quy định bất hợp lý với doanh nghiệp, phải sửa ngay!

(PLO)- Nghị định 91/2022 của Chính phủ vừa ban hành đã loại bỏ quy định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế quyết toán năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với quy định mới này, các nhà kinh doanh không còn nơm nớp lo bị phạt chậm nộp thuế như quy định cũ.

Đặc biệt, việc sửa đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thuế, tháo gỡ những khó khăn trong việc tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Từ đó, giúp DN yên tâm phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn.

Nó cũng cho thấy cơ quan chức năng đã cầu thị, lắng nghe tiếng nói từ DN, dù chậm. Như Tổng cục Thuế từng thừa nhận, quy định cũ gây khó khăn cho dòng tiền của DN, đồng thời việc phạt tiền chậm nộp là chưa hợp lý.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn không ít quy định thuế kiểu “đánh đố” DN. Hàng loạt vướng mắc liên quan đến chính sách thuế như áp dụng hóa đơn điện tử, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... vẫn chưa được tháo gỡ.

Đơn cử từ ngày 1-7 vừa qua, hóa đơn điện tử được phủ sóng trên 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, DN gặp rất nhiều vướng mắc về hóa đơn, chứng từ khi triển khai. Chẳng hạn, một ngày loại hình DN logistics phải vận chuyển rất nhiều chuyến hàng nhưng mỗi chuyến hàng lại yêu cầu một hóa đơn dịch vụ. Điều này thực sự quá vất vả cho DN.

Hay quy định về chống chuyển giá đối với các công ty có giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020 cũng có nhiều điểm chưa phù hợp. Ví dụ, quy định khống chế lãi vay mang tính đánh đồng khiến hàng ngàn công ty nội bị ảnh hưởng. Chống chuyển giá là cần thiết nhưng phải nhắm đến đúng đối tượng là các DN đa quốc gia lạm dụng các lỗ hổng về thuế, trong đó có chi phí lãi vay chứ không phải là các công ty trong nước.

Không chỉ trong lĩnh vực thuế mà trong nhiều lĩnh vực khác cũng còn nhiều thủ tục, quy định bất hợp lý cần tháo gỡ ngay. Đơn cử, Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 và các thông tư hướng dẫn về kinh doanh xăng dầu còn nhiều điểm bất cập dẫn đến chưa tính đúng, tính đủ các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu. Hệ quả là tình trạng thiếu xăng, cây xăng hết hàng, bất ổn thị trường xăng dầu kéo dài.

Người dân, DN đang nóng ruột chờ cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt rà soát các cơ chế, chính sách để sửa đổi ngay những quy định chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt phải tôn trọng quy luật khách quan, quy luật thị trường là cung cầu và cạnh tranh. Khi đó mới thực sự tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện tối đa cho người dân làm ăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm