Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Lê Mạnh Hà cho biết trong 15 năm qua, số lượng DNNN đã giảm mạnh, từ 6.000 DN năm 2001 giảm xuống còn 718 DN tính đến tháng 10-2016. Tuy nhiên, số vốn ra thị trường chỉ có 8%, tức vẫn còn đến 92% vốn của Nhà nước tại DN.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Trần Quang Nghị nhận định việc cổ phần hóa chậm là do người đứng đầu DNNN muốn làm “ông chủ giả” xài vốn nhà nước khỏe hơn ông chủ thật bỏ tiền ra để kinh doanh, bởi chỉ cần bảo toàn vốn là được. Điều đó tạo ra tâm lý không cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa để trở thành người làm thuê thực sự, phải thực hiện được chỉ tiêu do cổ đông giao hết sức khó khăn.
“Đó là chưa kể tình trạng trước khi bán cái nhà, chúng ta phải làm mới lại, chống thấm, chống dột, chỉnh trang nhà cho đẹp để bán được giá tốt nhất. Nhưng thực tế chúng tôi thấy một số “ông chủ giả” tại các DN cố tình làm cho “cái nhà” xấu đi, giấu bớt lợi thế của DN để bán giá thấp cho những nhóm lợi ích” - ông Nghị ví von.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu thì cho biết cách đây vài năm, khi triển khai cổ phần hóa, Chính phủ, các bộ, ngành đều nói “anh nào không làm được thì thay”. Tuy nhiên, thực tế việc thay lãnh đạo không thực hiện cổ phần hóa vẫn chưa thực hiện được. “Thay người thì khó nên tôi đề nghị thực hiện theo cách nếu cấp trưởng nào thực hiện chậm thì bàn giao để cho cấp phó làm cổ phần hóa. Chứ nói thật, thay lãnh đạo thì ở mình cũng khó lắm, không dễ” - ông Hiếu nói.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tỉ lệ cổ phần hóa đạt rất thấp, cơ bản chúng ta chưa làm được bao nhiêu, rất nhỏ, rất lẻ và rất ít. Trong đó lợi ích cục bộ là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn, chưa tạo được động lực để đẩy mạnh cổ phần hóa”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới ba nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên phải xác định được lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước phải rút ra. Thứ hai, làm lành mạnh hóa hoạt động DN, giải quyết tốt những vướng mắc đang là rào cản của quá trình cổ phần hóa. Thứ ba là giao trách nhiệm cho cá nhân, từng bộ, ngành, địa phương thực hiện theo lộ trình đã được duyệt.
“Chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn nào không làm, làm chậm hoặc làm thất thoát tài sản nhà nước thì phải đổi các đồng chí thôi” - Thủ tướng nhấn mạnh.