Đội tuyển U-23 Việt Nam nằm ở bảng D cùng với Uzbekistan, Kuwait và Malaysia. Đây là bảng đấu được đánh giá dễ chịu đối với thầy trò Troussier, bởi ngoại trừ Uzbekistan được đánh giá có sức mạnh vượt trội thì hai đối thủ Kuwait và Malaysia đều nằm trong khả năng có thể cạnh tranh của các chiến binh Sao vàng.
Trong lịch sử của giải đấu kể từ khi chuyển đổi từ giải U-22 thành U-23 châu Á vào năm 2016 đến nay, Uzbekistan và Việt Nam đều liên tiếp góp mặt tại vòng chung kết. Theo VFF, đáng nhớ nhất là cuộc chơi năm 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc) đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi đội tuyển U-23 dưới thời HLV Park Hang-seo làm nên kỳ tích với ngôi á quân.
Ở trận chung kết được bao phủ bởi tuyết trắng, pha đá phạt của Quang Hải đã vẽ một cầu vồng đẹp mắt để gỡ hòa 1-1 cho U-23 Việt Nam ở phút 41. Đáng tiếc là cuối cùng phần thắng lại thuộc về U-23 Uzbekistan sau pha ghi bàn ấn định tỷ số 2-1 ở phút cuối hiệp phụ thứ hai. Ngôi á quân cũng là thành tích tốt nhất của đội tuyển U-23 Việt Nam tại đấu trường này.
Về phía Kuwait và Malaysia, trước khi giành vé đến Qatar, hai đội bóng này mới chỉ trải qua hai lần góp mặt tại vòng chung kết U-23 châu Á, trong đó thành tích tốt nhất của Malaysia là lần lọt vào tứ kết tại giải năm 2018, còn Kuwait thì chưa từng vượt qua vòng bảng.
Đội tuyển U-23 Việt Nam giành vé dự vòng chung kết U-23 châu Á 2024 với tư cách là đội đứng đầu bảng C với 7 điểm tại vòng loại. Thầy trò Troussier đã thắng Guam 6-0, Yemen 1-0 trước khi hòa Singapore 2-2 trong trận đấu chỉ mang tính thủ tục khi đã sớm cầm chắc ngôi đầu. Thời gian gần đây, ông thầy người Pháp cũng thường xuyên sử dụng nhiều cầu thủ dưới 23 tuổi để chuẩn bị tốt nhất cho sân chơi này.
Vòng chung kết U-23 châu Á 2024 sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 3-5-2024 tại Qatar. Ngoài việc cạnh tranh các thứ hạng, giải đấu lần này còn là giải đấu để xác định các đại diện châu Á tham dự Olympic Paris 2024. Cụ thể, 3 đội xếp cao nhất của vòng chung kết U-23 châu Á sẽ giành quyền dự Olympic Paris 2024. Đội đứng thứ 4 (thua trong trận tranh hạng ba) sẽ góp mặt ở trận play off với đối thủ là đại diện của LĐBĐ châu Phi để tranh một suất đến nước Pháp dự Thế vận hội.
Các ứng cử viên nặng ký đăng quang giải U-23 châu Á là nhà đương kim vô địch Saudi Arabia, bên cạnh các cựu vô địch Hàn Quốc (2020), Uzbekistan (2018), Nhật Bản (2016) và Iraq (2013) cũng mong muốn trở thành đội bóng đầu tiên nâng cao chiếc cúp đáng mơ ước lần thứ hai.
Bảng A gồm các đội Qatar, Úc, Jordan và Indonesia đều có mục tiêu giành quyền vào tứ kết. Nhật Bản là hạt giống hàng đầu ở bảng B tử thần, với sự góp mặt của Hàn Quốc, UAE và Trung Quốc. Các đội Saudi Arabia, Iraq, Thái Lan và Tajikistan nằm ở bảng C. Thầy trò Troussier ở bảng D cũng đặt mục tiêu giành suất đi tiếp với Uzbekistan, Kuwait, Malaysia.