Thế cờ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trang tin Rappler (Philippines) ngày 30-7 đã đăng bài phân tích khẳng định diện tích bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông đã tương đương 1/3 thủ đô Manila của Philippines.

Bồi đắp 12,82 km2 trên biển Đông

Theo dữ liệu hình ảnh vệ tinh hợp tác với Công ty DigitalGlobe (Mỹ), tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ) đã theo dõi sát sao hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông.

Tính đến ngày 30-7, Trung Quốc đã bồi đắp tổng cộng 12.822.100 m2 đất (12,82 km2), bằng 1/3 thủ đô Manila (38,55 km2), gồm:

- Đá Châu Viên: 231.100 m2

- Đá Chữ Thập: 2.740.000 m2

- Đá Ga Ven: 136.000 m2

- Đá Tư Nghĩa: 76.000 m2

- Đá Gạc Ma: 109.000 m2

- Đá Vành Khăn: 5.580.000 m2

- Đá Xu Bi: 3.950.000 m2 và 3 km đường băng

Liên quan đến hoạt động bồi đắp này, tạp chí The Diplomat (Nhật) đưa tin hôm 30-7, Bộ Quốc phòng Nhật đã công bố một bản phân tích với nhận định: Trung Quốc muốn xây dựng bến cảng, cung cấp dịch vụ tiếp liệu và bảo trì trên các đảo nhân tạo để duy trì sức mạnh hải quân và hàng hải trên biển Đông.

Bản phân tích giải thích: Đá Chữ Thập đã có đường băng và cơ sở bảo trì, vậy từ đó Trung Quốc có thể triển khai nhiều loại máy bay như máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay không người lái.

Các mục tiêu có thể là:

- Cải thiện sức mạnh không quân trên toàn bộ biển Đông.

- Cải thiện tính chất ưu việt của không quân ở biển Đông.

- Cải thiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).

- Có khả năng lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.

Ấn Độ lo ngại chính sách xâm lấn của Trung Quốc. Biếm họa đăng trên báo Japan times (Nhật)

Giữ đường lối Đặng Tiểu Bình

Hoạt động của Bắc Kinh đã vượt quá những gì đối thủ yêu sách có thể làm. Đó là nhận định trong bài viết do nhà nghiên cứu Michael S. Chase ở tổ chức RAND và cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ Ben Purser chấp bút đăng trên trang web của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á hôm 29-7.

Hai chuyên gia nhận định công trình xây dựng đường băng trên đá Chữ Thập chính là âm mưu phô diễn sức mạnh trong khu vực của Trung Quốc. Bài viết có đoạn: “Mỹ và các nước trong khu vực đã đánh giá hoạt động tôn tạo đảo và xây dựng của Bắc Kinh, ví như sân bay trên đá Chữ Thập là nỗ lực hoàn thiện khả năng dọa nạt các nước láng giềng của Trung Quốc”.

Ông Hồ Bình, chủ tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh ở New York, nhận xét chính sách của Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc phải luôn gia tăng quân sự cho đến khi trở thành cường quốc. Ông ghi nhận chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc đã giữ vững đường lối Đặng Tiểu Bình với cách thức gây hấn hơn.

Chuyên gia Ran Bogong, nguyên giáo sư ĐH Toledo (Mỹ), nhận định: “Lý do Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo vì thiếu tàu sân bay dùng làm căn cứ cho máy bay… Chương trình xây dựng này sẽ giúp Trung Quốc sử dụng các đảo như tàu sân bay không thể đánh chìm để biểu dương sức mạnh quân sự trên biển Đông”.

Các nhà phân tích nhận định công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc dường như là câu trả lời trực tiếp cho chính sách tái cân bằng sang châu Á của Mỹ.

Cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trong bối cảnh đó, trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 28-7, GS Harsh V. Pant ở Viện nghiên cứu Ấn Độ (ĐH King tại London) ghi nhận gần đây đã xảy ra nhiều sự kiện mới về địa-chính trị châu Á.

Đầu tháng 6 là sáng kiến đối thoại ba bên đầu tiên Ấn Độ-Nhật-Úc. Bí thư Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankarđã hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki và Vụ trưởng Vụ Đối ngoại và Thương mại Úc Peter Varghese tại New Delhi (Ấn Độ).

Đến tháng 10, dự kiến Nhật sẽ tham gia cuộc tập trận ba bên Malabar Ấn Độ-Mỹ-Nhật.

GS Harsh V. Pant ghi nhận mức độ hội tụ gia tăng trong khu vực đã phác thảo một khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc phải thừa nhận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã nổi lên như một không gian khu vực chủ chốt của Ấn Độ và Trung Quốc cần phải phối hợp các chính sách thông qua khu vực này.

Theo nhận định của GS Harsh V. Pant, cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thay đổi như thế xuất phát từ chính sách đối ngoại gây hấn của Trung Quốc và mức độ nghiêm trọng mới trong chính sách của Trung Quốc đối với Ấn Độ.

Năm 2013, Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Tháng 1-2014, Trung Quốc ban hành quy định mới về đánh bắt cá ở tỉnh Hải Nam, buộc mọi tàu nước ngoài phải có giấy phép của tỉnh Hải Nam mới được đánh bắt. Mới đây là kế hoạch bồi đắp các đảo nhân tạo nhằm thay đổi nguyên trạng trên biển Đông.

Tất cả điều ấy đã tạo ra một nỗi lo sợ về một khoảng trống trong khu vực trước sự thống trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Quan hệ ba bên mới Ấn-Nhật-Úc

Mỹ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nội bộ và phải đối phó với các cuộc khủng hoảng triền miên ở Trung Đông. Do vậy, ba cường quốc khu vực Ấn Độ, Nhật và Úc đã bắt tay nhau.

Tháng 12-2013, lực lượng phòng vệ Nhật đã tập trận hải quân chung lần đầu tiên với hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Năm 2014, Ấn Độ mời Nhật tham gia cuộc tập trận Malabar với hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ấn Độ và Nhật đã lập quan hệ đối thoại chiến lược ba bên với Mỹ từ năm 2011. Yếu tố then chốt của đối thoại ba bên này là duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và an ninh hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đối thoại ba bên tương tự cũng đã được thiết lập giữa Mỹ, Nhật và Úc. Và bây giờ là một quan hệ ba bên mới giữa Ấn Độ, Nhật và Úc.

Từ sáng kiến này đã mở ra quan hệ bốn bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nền tảng của quan hệ bốn bên đã được thiết lập từ cuối năm 2004 khi hải quân Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc đã hợp tác trong chiến dịch cứu nạn sau thảm họa sóng thần trên Ấn Độ Dương.

Tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và cam kết không vững chắc của Mỹ về quân bình lực lượng ở châu Á đã thúc đẩy diễn biến địa-chính trị để Ấn Độ, Nhật và Úc hợp tác hoạch định chiến lược cân bằng với Trung Quốc.

Nguồn gốc của cuộc tập trận đa phương Malabar

Cuộc tập trận Malabar vào tháng 10 tới là cuộc tập trận hải quân đa phương (Ấn Độ-Mỹ-Nhật) đầu tiên diễn ra trong vùng biển gần Ấn Độ kể từ năm 2007. Hai chuyên gia Pushan Das và Sylvia Mishra thuộc Quỹ Nghiên cứu của nhà quan sát (Ấn Độ) phân tích quá trình phát triển hải quân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là một thực tại địa-chính trị mà Ấn Độ phải quản lý. Muốn vậy, Ấn Độ phải phối hợp với các đối tác hải quân qua tập trận ba bên, bốn bên. Tuy nhiên, Ấn Độ e ngại tập trận đa phương sẽ đụng chạm đến Trung Quốc.

Tháng 5-2007, ông Shinzo Abe đưa ra sáng kiến. Quan hệ bốn bên không chính thức giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc hình thành. Bên lề hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN ở Manila vào tháng 5-2007, các bên đã thảo luận về khả năng tập trận hải quân. Cuối cùng, các bên nhất trí mở rộng quan hệ hợp tác hải quân Ấn Độ-Mỹ (bắt đầu từ năm 1992) với các thành phần mới Úc, Nhật, Singapore.

Cuộc tập trận Malabar 2007 quan trọng vì hai lý do. Một, đây là biểu tượng của sự chuyển biến chính sách an ninh truyền thống Mỹ-Ấn từ thời chiến tranh lạnh. Hai, cuộc tập trận bao hàm nhiều hạng mục chưa từng có như phòng không, chống tàu ngầm, trao đổi tác chiến giữa tàu chiến và máy bay.

Ấn Độ đã tham gia nhiều cuộc tập trận song phương và đa phương như IBSAMBAR (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi), Varuna (Ấn Độ-Pháp), Milan (16 nước Ấn Độ Dương), Simbex (Ấn độ, Singapore), Konkan (Ấn Độ, Anh). Tuy nhiên, cuộc tập trận Malabar 2007 thì khác vì có Nhật, Úc là hai đồng minh của Mỹ và Trung Quốc tức giận cho rằng đây là thỏa thuận hải quân nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Bởi thế năm 2007, Trung Quốc đã phản ứng hết sức dữ dội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm