Xây đảo nhân tạo, Trung Quốc muốn gì?

Hôm nay (25-7), Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế“Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực”. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật quốc tế và TS Trần Thăng Long, Phó Trưởng bộ môn Anh văn pháp lý, giảng viên Luật quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM, xoay quanh một số nội dung về chủ đề này.

Những đòi hỏi hoàn toàn trái luật pháp quốc tế

. Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng khi cải tạo bồi đắp một cụm đá và xây dựng các đảo có liên quan, Trung Quốc có thể thay đổi thực trạng pháp lý đối với các điểm đảo này. Điều này liệu có diễn ra không theo luật pháp quốc tế, đặt trong điều kiện các đá, đảo này là Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam?

Xây đảo nhân tạo, Trung Quốc muốn gì? ảnh 1

+ TS Trần Thăng Long: Luật quốc tế đã khẳng định rõ ràng rằng không một yêu sách nào về chủ quyền lãnh thổ được tạo ra từ hành vi sử dụng vũ lực để chiếm đoạt từ một quốc gia khác là hợp pháp. Đây là nội dung của nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nêu ra cũng như nguyên tắc về chiếm cứ và xác lập chủ quyền lãnh thổ trong luật quốc tế. Như vậy, bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc tại đây và với bất kỳ mục đích nào đều là không có cơ sở pháp lý.

Mặt khác, theo Điều 121(1) Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982, một đảo phải là “một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. Các đảo nhân tạo của Trung Quốc là kết quả của việc xây dựng trái phép trên các rạn san hô tại đây. Do tác động của con người mà chúng mới trở nên “luôn ở trên mặt nước biển”. Cần phải nhấn mạnh rằng các đảo nhân tạo loại này không thể được xem như một thực thể tự nhiên, bởi trước khi có sự tác động từ phía con người, chúng là những thực thể nằm dưới mực nước biển và chỉ có thể nổi lên khi thủy triều xuống thấp. Cùng đó, Công ước Luật Biển 1982 (Điều 121 (2)) quy định chỉ có các đảo tự nhiên mới có quyền thiết lập xung quanh nó một vùng lãnh hải có chiều rộng tối đa là 12 hải lý, một vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý cũng như một thềm lục địa theo quy định của Điều 76. Như vậy, muốn có một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì thực thể đó phải thỏa mãn tiêu chí của “đảo tự nhiên” chứ không phải là đảo nhân tạo.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông. Ảnh: EPA

Công ước Luật Biển 1982 (Điều 60 (5)) cũng quy định rất cụ thể rằng một đảo nhân tạo chỉ có thể có được một khu vực an toàn xung quanh với chiều rộng tối đa là 500 m xung quanh chúng. Thêm vào đó, các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo và sự có mặt của chúng không có tác động gì đến việc phân định lãnh hải, đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa (Điều 60 (8) Công ước Luật Biển 1982).

Như vậy, cho dù việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật “đảo hóa” (islandization) bằng việc cải tạo, bồi đắp ồ ạt trên quy mô lớn thì ý đồ đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa đối với các thực thể ngầm trên biển Đông hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế.

. Việc biến dạng cấu trúc các bãi đá với quy mô lớn, Trung Quốc đang gây ra những tác động gì đối với an ninh, tự do hàng hải trên biển Đông?

+ Có thể thấy một cách rất rõ ràng rằng các hành động của Trung Quốc tại biển Đông không chỉ gây tác động đến một quốc gia riêng rẽ nào mà đến lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Luật quốc tế quy định quyền tự do hàng không đối với tất cả quốc gia dù có biển hay không có biển (Điều 87 (1) Công ước Luật Biển 1982). Điều này cũng phần nào lý giải vì sao Mỹ và một số nước khác có phản ứng quyết liệt đối với Trung Quốc chính là vì lợi ích của họ bị xâm phạm một khi Trung Quốc độc chiếm biển Đông và biến những bãi cạn mà họ chiếm đóng trái phép thành những “trạm kiểm soát” trên biển.

Mặt khác thông qua những công trình phục vụ quân sự như sân bay, căn cứ, neo đậu và hậu cần… trên các thực thể được cải tạo trái phép, Trung Quốc có khả năng khống chế toàn bộ biển Đông. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động qua lại của tàu thuyền tại đây, bao gồm vận chuyển hàng hóa thương mại và đánh bắt hải sản. Cũng cần nhắc lại rằng một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như cái mà nước này đã áp dụng trên biển Hoa Đông vào năm 2013 là hoàn toàn có thể xảy ra, cho phép nước này kiểm soát hoạt động hàng không trong khu vực.

Điều này cũng tạo ra sự đối đầu, nguy cơ tiềm tàng xảy ra xung đột vũ trang ở nhiều cấp độ và chắc chắn rằng sẽ tác động rất lớn đến hòa bình, an ninh khu vực cũng như hoạt động hàng hải, hàng không tại khu vực này, tạo ra một áp lực quân sự trong khu vực đối với các quốc gia, kích động cuộc chạy đua vũ trang không cân xứng tại đây.

Trung Quốc cần phải tự thay đổi

. Dư luận quốc tế và khu vực ASEAN đang có nhiều phản ứng gay gắt trước hành động trên của Trung Quốc, theo ông các khả năng phản ứng tiếp theo (về mặt dư luận lẫn pháp lý) có thể xảy ra là gì và sức tác động của nó đến mưu đồ của TQ trong độc chiếm biển Đông sẽ tới đâu?

Xây đảo nhân tạo, Trung Quốc muốn gì? ảnh 3

+ TS Trần Việt Dũng: Những yêu sách chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc và những hành động của nước này tại đây không chỉ vi phạm trực tiếp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các quần đảo và vùng biển của nước ta cũng như các quốc gia ven biển khác mà còn tạo ra những tác động rất lớn đến lợi ích của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới (như TS Long đã chỉ ra trên đây).

Khi các nước ASEAN (bao gồm cả các quốc gia không có biển hoặc không nằm trong vùng biển tranh chấp) nhận thức rõ được những nguy cơ này, họ sẽ củng cố sự thống nhất quan điểm đối với yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông vì đó là việc tôn trọng và đảm bảo lợi ích chung của sự phát triển bền vững của khối cũng như sự an toàn, hòa bình của toàn bộ khu vực. Áp lực kinh tế, chính trị của ASEAN (với tư cách là một khối liên kết thống nhất của 10 nền kinh tế) và cộng đồng quốc tế sẽ buộc Trung Quốc phải dè chừng trong các hành vi của mình và tôn trọng các quyền lợi của các quốc gia trên biển Đông.

Mặt khác, nếu Trung Quốc hoàn toàn phớt lờ những quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác trong khu vực thì Trung Quốc sẽ dần tự cô lập mình và sẽ mất vị trí, ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc sẽ phải tự thay đổi nếu không muốn các nước trong khu vực liên kết và hợp tác kinh tế với các cường quốc khác, thay vì chọn bắt tay với Trung Quốc.

. Mới đây, ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố tại một cuộc hội thảo diễn ra ở Washington rằng: “Mỹ chỉ duy trì thái độ trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Nhưng chúng tôi không trung lập khi bảo vệ luật pháp quốc tế...”. Ông bình luận gì về ý kiến của ông trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel?

+ Chúng tôi cho rằng việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông trên cơ sở thượng tôn pháp luật là rất cần thiết. Sự tồn tại của luật quốc tế chính là để bảo đảm sự an toàn, cân bằng trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Cần phải thấy rằng trong vấn đề biển Đông của hiện nay có hai khía cạnh: Thứ nhất, đó là những tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, đây là những tranh chấp mà phải được giải quyết giữa các quốc gia liên quan trên cơ sở pháp luật quốc tế mà không cần đến sự can dự của các quốc gia khác. Thứ hai, khi biển Đông là một vùng biển quan trọng về hàng hải, hàng không thì bất kỳ hành vi đơn phương nào nhằm chiếm đoạt, khống chế các quyền tự do trên lại là vấn đề của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Ở đây, không chỉ Mỹ mà cả EU, Ấn Độ, Nhật Bản và đặc biệt là các nước ASEAN như đã phân tích đều có quyền tự do hàng hải và hợp tác kinh tế biển được công nhận bởi pháp luật quốc tế. Vì vậy, lập trường và hành động của Mỹ là có cơ sở và phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Chính sách của Mỹ là nhằm đảm bảo sự tôn trọng luật pháp quốc tế của các bên và kiềm chế những hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

. Xin cám ơn hai ông.

Liên quan đến hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”, tại cuộc họp báo chiều 24-7, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay hội thảo gồm hai phiên thảo luận với các chủ đề: Khía cạnh pháp lý liên quan đến đảo nhân tạo và thiết bị, công trình nhân tạo theo quy định của UNCLOS 1982; tác động của hoạt động xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo trên biển Đông đối với hòa bình, an ninh, thương mại của khu vực.

Dự kiến sẽ có 20 nhà khoa học ở trong nước và nước ngoài là những chuyên gia có sự nghiên cứu sâu, trong đó có những học giả nước ngoài đến từ Nga, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Philippines. Đáng chú ý, hội thảo khoa học quốc tế có sự tham dự của GS-TS Eric Franckx, Trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan), Trưởng khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu thuộc ĐH Vrije Universityeit Brussels (Bỉ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm