The Diplomat: "Trung Quốc đừng mơ trở thành Mỹ"

The Diplomat vừa phân tích một bài viết trên Tạp chí The National Interest (Mỹ) của ông David Shambaugh, một học giả nổi tiếng về Trung Quốc, với những lập luận để trả lời cho câu hỏi: Trung Quốc có phải là một cường quốc toàn cầu hay không?

Tác giả đưa ra kết luận rằng, Trung Quốc không phải là một cường quốc toàn cầu, ít nhất là bây giờ. Lập luận mà ông Shambaugh đưa ra là Trung Quốc vẫn còn chưa đạt 5 tiêu chí quan trọng của một “cường quốc toàn cầu”. Đó là ngoại giao quốc tế, khả năng quân sự, văn hóa, sức mạnh kinh tế và hệ thống chính trị.

The Diplomat: "Trung Quốc đừng mơ trở thành Mỹ" ảnh 1
Theo ông Shambaugh, quan niệm cho rằng Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu là sai.

Theo The Diplomat, lập luận của ông Shambaugh có nhiều điểm được cho là đúng. Ví dụ, ông chỉ ra rằng, từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn ít tích cực và tỏ ra bàng quan trước các vấn đề toàn cầu.

Đây là một nhận định chính xác về Trung Quốc trong 3 thập kỉ qua, kể từ khi Trung Quốc bắt tay vào công cuộc "cải cách và mở cửa" vào năm 1978. Học thuyết nổi tiếng “ẩn mình, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình về cơ bản đã trở thành chiến lược lớn của Trung Quốc trong hàng chục năm qua, khiến ngoại giao của Trung Quốc trở nên khó hiểu. Trung Quốc hiện vẫn đang thể hiện bản thân một cách phức tạp trên trường quốc tế.

Ông Shambaugh đặc biệt đúng khi nói rằng: “Trung Quốc chưa thể đứng đầu, Trung Quốc chưa thể định hình ngoại giao quốc tế, chưa thể định hướng chính sách của những nước khác, chưa thể kêu gọi sự đồng thuận toàn cầu, chưa thể tạo ra liên minh và giải quyết các vấn đề quốc tế”.

Tuy nhiên, theo The Diplomat, trong bài viết, ông Shambaugh đã không hợp lý khi sử dụng hình ảnh của Mỹ để định nghĩa một cường quốc toàn cầu. The Diplomat cho rằng, ảnh hưởng của Mỹ đối với các quốc gia khác là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Do đó, việc dùng Mỹ để đánh giá Trung Quốc là không công bằng.

Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc như Mỹ vì một loạt lý do về lịch sử, văn hóa và xã hội. Việc đánh giá Trung Quốc có phải là một “cường quốc toàn cầu” hay không, chỉ nên dựa trên các mối quan hệ của Trung Quốc với nhiều quốc gia khác nhau.

Năm 1999, học giả người Anh Gerald Segal đã có một bài viết nổi tiếng trên tạp chí chính sách đối ngoại Foreign Affairs của Mỹ với tiêu đề “Does China Matter?” (Tạm dịch: Trung Quốc có làm nên chuyện?). Nhưng giờ đây, dường như không còn ai đặt câu hỏi "Trung Quốc có làm nên chuyện?" hay không nữa vì không thể phủ nhận rằng nước này đã trở thành một cường quốc theo nhiều khía cạnh. Có thể trong vòng 15 đến 20 năm tới, các học giả và chuyên gia sẽ không còn đặt câu hỏi "Trung Quốc có phải là một cường quốc toàn cầu?” nữa mà thay vào đó là: "Trung Quốc nên làm thế nào để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng thế giới?".

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. The Diplomat bắt đầu ra mắt từ năm 2002 và cho đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà bình luận, nhà hoạch định chính sách và các học giả chuyên sâu về các vấn đề trong khu vực này.

Theo PHẠM KHÁNH /Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm