Thế lực mới có thể xoay chiều cục diện khủng hoảng Myanmar

Ngày 8-3, Myanmar bước sang tuần thứ ba liên tiếp người dân nước này xuống đường biểu tình lên án chính quyền quân sự. Nhiều cửa hàng, nhà máy ở một số TP lớn đóng cửa để ủng hộ phong trào phản đối. Đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát được ghi nhận ở hai TP Yangon và Myitkyina. Ít nhất hai người biểu tình bị trúng đạn thiệt mạng và ba người khác bị thương ở Myitkyina.

Thành viên lực lượng vũ trang của tổ chức Liên đoàn Quốc gia Karen
bảo vệ người biểu tình ở TP Dawei ngày 8-3. Ảnh: KNLA

Nền chính trị đa dân tộc của Myanmar

Hiện trên thế giới có rất nhiều bên đang nỗ lực tìm lối thoát cho khủng hoảng Myanmar nhưng đến nay tình hình vẫn bế tắc. Trong bài viết mới đây cho tờ The Nikkei, cựu cố vấn Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc từng làm việc tại Myanmar - ông Philipp Annawitt đề xuất thay vì trông chờ vào can thiệp từ bên ngoài thì có thể tìm kiếm giải pháp từ bên trong Myanmar. Cụ thể theo ông là từ một bên thứ ba ít được truyền thông nhắc tới nhưng vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn là các cộng đồng dân tộc thiểu số sống rải rác trên khắp nước này.

Theo ông Annawitt, Myanmar về cơ bản là một quốc gia đa dân tộc với 135 dân tộc được công nhận chính thức. Trong số này, người Bamar (Miến Điện) chiếm dân số đông đảo nhất và sống tập trung ở vùng trung tâm dọc theo sông Irrawaddy; binh sĩ quân đội Myanmar và thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) của lãnh đạo chính quyền dân sự - bà Aung San Suu Kyi chủ yếu là người dân tộc này.

Các dân tộc thiểu số còn lại hầu như sống tại những bang nằm sát biên giới, tự tổ chức đảng chính trị và lực lượng vũ trang riêng. Ngay từ khi phe quân đội vẫn còn lãnh đạo Myanmar giai đoạn 1962-2011 thì cộng đồng dân tộc thiểu số đã liên tục đụng độ với chính quyền trung ương đòi tăng quyền tự chủ. Qua nhiều lần đụng độ thì các dân tộc thiểu số còn thành công kiểm soát được các lãnh thổ ở xa khu vực trung tâm, cắt đứt ảnh hưởng của chính quyền trung ương ở đây.

 

Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency ngày 7-3 đưa tin quân đội Myanmar trong cuộc đột kích đêm 6-3 ở TP Yangon để truy quét các lãnh đạo phong trào biểu tình ở đây đã bắt được hai thành viên của đảng NLD là ông Khin Maung Latt và bà Shein Win.

Theo lời kể của gia đình hai người thì sau khi bị bắt, ông Latt và bà Win được đưa đi thẩm vấn. Đến sáng 7-3 thì chính quyền báo tin cả hai đều đã tử vong, thi thể chuyển tới một bệnh viện quân sự Yangon. Một người thân của ông Latt khi đi nhận thi thể cho biết người ông này có nhiều máu, chứng tỏ có khả năng ông Latt bị tra tấn trong quá trình thẩm vấn dẫn đến mất mạng. Không có thông tin về tình trạng thi thể của bà Shein Win.

Chính quyền quân sự hiện cũng chưa đưa ra phản hồi chính thức về cái chết của hai thành viên NLD nói trên.

Liên quan đến phong trào biểu tình từ tháng 2 đến nay, cộng đồng dân tộc phần đông đứng ngoài cuộc với một số ít chịu tham gia trực tiếp, dù hồi tháng 2 tổ chức Đấu tranh vì độc lập của người Kachin từng cảnh báo sẽ có động thái đáp trả nếu phe quân đội xả súng vào người biểu tình. Đến ngày 26-2, khi thông tin về người biểu tình bị bắn chết bắt đầu xuất hiện, tổ chức này đã mở nhiều đợt tấn công nhằm vào các tiền đồn của quân đội Myanmar ở khu vực phía bắc nước này. Mới nhất, ngày 8-3, tổ chức Liên đoàn Quốc gia Karen của người Karen đã điều lực lượng vũ trang đảm bảo an toàn cho người biểu tình ở TP Dawei.

Cơ hội phản công cho NLD

Theo chuyên gia Philipp Annawitt, làn sóng biểu tình sẽ không thể duy trì mãi. Myanmar hơn nữa còn là một nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Cả phe quân đội lẫn NLD cần phải hết sức lưu ý vấn đề này trước khi tình trạng bất ổn hiện nay gây ra hậu quả về kinh tế - xã hội lâu dài. Để có cơ hội xoay chuyển tình thế, hai phe cần tập hợp được sự ủng hộ của các dân tộc thiểu số Myanmar.

“Chính quyền quân sự và đảng NLD đều cần sự ủng hộ của các nhân tố chính trị dân tộc thiểu số. Chính quyền quân sự hiện chiếm được cảm tình của các nhóm dân tộc ở bang Rakhine, phía tây Myanmar. Trong khi đó, đảng NLD được cộng đồng người thiểu số như người Karen, Mon, Karenni và Shan ủng hộ, sống tập trung chủ yếu ở các bang phía đông” - ông Annawitt nhận định.

Xét về quan hệ với các nhóm dân tộc thiểu số thì đảng NLD hiện đang có ưu thế hơn, bởi đảng đã thành lập được cơ quan hành chính địa phương tại một số khu vực sinh sống của các nhóm này. Trong khi phe quân đội sau khi nắm quyền từ tháng 2 đến nay vẫn chưa tiếp quản được các cơ quan này.

“Kêu gọi cộng đồng người thiểu số tham gia phong trào biểu tình, thành lập chính phủ thống nhất là chìa khóa để phe NLD có thể giành thắng lợi” - ông Maw Tun Aung, lãnh đạo Liên đoàn Dân tộc vì dân chủ người Shan, đảng dân tộc thiểu số lớn nhất ở Myanmar, từng nhận định hồi tháng 2.

Trên thực tế, đảng NLD nhiều khả năng cũng đã nhận ra chìa khóa này và đang tìm cách kết nối với lực lượng vũ trang của nhóm dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thành viên giấu tên thuộc Liên đoàn Dân tộc vì dân chủ người Shan cho hay họ “phản đối đảo chính và sẵn sàng hợp tác nhưng không chỉ để đưa NLD trở lại nắm quyền”. Vì lý do này, ông Annawitt cho rằng để đổi lấy sự hợp tác đó, NLD sẽ phải nhượng bộ đáng kể các đồng minh dân tộc thiểu số tiềm năng và cho họ một chân trong chính quyền sau này.

 

Tờ The Guardian ngày 8-3 dẫn lời Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho hay Úc đã dừng chương trình hợp tác quốc phòng với Myanmar, đồng thời chỉ trích chính quyền quân sự đối phó bạo lực với người biểu tình. Bà Payne cũng cho hay đã tham vấn với các nước ASEAN, Nhật và Ấn Độ về chính sách liên quan tới Myanmar.

Ông Annawitt cũng nói thêm rằng nếu kịch bản NLD tập hợp mặt trận dân tộc thiểu số thành công thì phe quân đội chắc chắn sẽ ngay lập tức có hành động để ngăn chặn. “Một khi phe NLD dời căn cứ hoạt động ra các vùng biên giới thì phe quân đội sẽ không có cách nào để can thiệp, trừ khi đưa quân lên đó và đụng độ trực tiếp với lực lượng vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số. Lúc đó, Myanmar có thể sẽ rơi vào nội chiến cực kỳ khốc liệt” - chuyên gia này cảnh báo. •

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm