Chính biến Myanmar: Liên Hợp Quốc phải quyết đoán hơn

Tới thời điểm hiện tại, phản ứng từ cộng đồng quốc tế đối với những gì đang xảy ra ở Myanmar về cơ bản vẫn chưa tạo ra được bất kỳ thay đổi đáng kể nào. chính quyền quân sự và người biểu tình thời gian qua vẫn tiếp tục đụng độ đẫm máu với lượng người thương vong đáng lo ngại. Không bàn tới những động thái đơn lẻ từ các cường quốc, những tổ chức quốc tế như liên hợp quốc (LHQ) dù nhận được kỳ vọng nhưng cũng chưa đưa ra được lối thoát hay hành động cụ thể nào cho khủng hoảng Myanmar. 
Liên Hợp Quốc đã làm được những gì?
Theo hãng tin Reuters, hiện đã có ít nhất bốn cuộc họp diễn ra tại các cơ quan thuộc LHQ với hai cuộc họp của Hội đồng Bảo an và hai cuộc họp của Đại hội đồng. Kết quả chung của những cuộc họp này đều là bày tỏ lo ngại trước diễn biến bạo lực ở Myanmar, kêu gọi các bên liên quan giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình và cân nhắc khả năng sử dụng các biện pháp răn đe có sức nặng hơn.

Tiêu điểm
1.700

người biểu tình Myanmar đã bị bắt tình từ đầu tháng 2 đến nay, đài CNN dẫn thống kê của tổ chức Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar cho biết. Số người bị cảnh sát bắn chết đến nay vào khoảng 50. 
Đến ngày 26-2, khi những thông tin về người biểu tình bị bắn chết bắt đầu xuất hiện, Đặc phái viên LHQ tại Myanmar - bà Christine Schraner Burgener bất ngờ lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế “không công nhận hoặc hợp pháp hóa” việc quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực và cực lực phản đối hành vi bạo lực của chính quyền này. 
Quan điểm nói trên cũng tiếp tục được phản ánh thông qua loạt phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong tháng 2 khi ông khẳng định sẽ huy động toàn diện sức ép quốc tế để “đảm bảo rằng cuộc chính biến mà phe quân đội gây ra sẽ thất bại”. 
Bên cạnh đó, LHQ cũng đang bị đặt vào tình thế khó xử trong cuộc chiến giành ghế đại sứ đại diện giữa phe dân sự và phe quân đội Myanmar sau khi chính quyền quân sự tuyên bố cách chức Trưởng phái đoàn đại diện Myanmar - Đại sứ Kyaw Moe Tun vì đã có bài phát biểu quyết liệt kêu gọi LHQ can thiệp hồi tuần trước. Người được chỉ định thay thế là Phó trưởng phái đoàn U Tin Maung Naing sau khi nhậm chức được vài ngày đã lập tức từ chức không rõ lý do, nhiều khả năng là không chịu nổi áp lực xung quanh. Do không còn ai khác nên tư cách đại diện của ông Kyaw Moe Tun trước mắt vẫn được lhq công nhận . 
Liên Hợp Quốc cần chủ động hơn
Có thể thấy phản ứng của LHQ trong gần một tháng chính biến Myanmar vừa qua chỉ gói gọn trong các thông điệp ngoại giao lên án chính quyền quân sự chứ chưa thực sự có các bước đi thực tế thể hiện vai trò của mình trong giải quyết khủng hoảng ở đây. 
Điều này, theo kênh Channel News Asia, về lâu dài sẽ không có lợi cho Myanmar bởi chính quyền quân sự không có động lực để cải cách hay ngừng đụng độ bạo lực với phe biểu tình. Mặt khác, thiếu vắng hành động thực tế cũng sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của LHQ, làm dấy lên những nghi ngại không đáng có về khả năng hoạt động hiệu quả của tổ chức này.

Người biểu tình dùng khiên tự chế để chặn đạn cao su và hơi cay của cảnh sát ở TP Yangon ngày 3-3. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC hồi ngày 2-3, Thủ tướng singaporeLý Hiển Long cho rằng lâu nay Myanmar, trước và sau khi phe quân đội lên nắm quyền, đều theo đuổi chính sách đối ngoại với mức tự chủ cao. Do đó, rất khó để nước này tự nguyện chấp thuận và làm theo yêu cầu của bên ngoài, dù cho bên đó có là LHQ, ASEAN hay Mỹ đi nữa. Nếu nhận xét của ông Lý là chính xác thì cuộc khủng hoảng ở Myanmar đòi hỏi phải có cách tiếp cận trực diện hơn và mạnh tay hơn để thúc đẩy mạnh mẽ chính quyền quân sự. 
Tờ The Diplomat đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này lập tức đề ra lộ trình xử lý vấn đề Myanmar với các mức độ trừng phạt tăng dần tùy theo phản ứng và thiện chí của chính quyền quân sự. 
Mới đây, hơn 100 tổ chức phi chính phủ từ 31 quốc gia đã cùng ký vào thư chung kêu gọi cơ quan này cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar để ngăn chặn thương vong ở đây càng sớm càng tốt. 
The Diplomat cho rằng có thể đặt cấm vận vũ khí vào mức thấp nhất trong lộ trình xử lý, mục tiêu là bắn tín hiệu cảnh báo và tước đi công cụ bảo vệ quyền lực của chính quyền quân sự. Nếu bên này sau khi bị cấm vận vũ khí vẫn tiếp tục không thay đổi thì sẽ đi tới những bước cao hơn như cấm vận kinh tế hay cắt quan hệ ngoại giao chính thức. 
“Điều quan trọng là phải đi từng bước rõ ràng và dứt khoát để chính quyền quân sự Myanmar vừa nhìn thấy được hậu quả phía trước và cả đường lùi phía sau. Không nên lập tức áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt vì như thế sẽ dễ làm vấn đề xấu đi. Phe quân đội ngay từ đầu đã biết họ không nhận được ủng hộ quốc tế khi lên nắm quyền. Nếu không cho họ đường lùi thì không thể biết được họ sẽ phản ứng như thế nào” - The Diplomat nhận định.•

 Myanmar tiếp tục biểu tình dữ dội

Ngày 7-3, hàng chục ngàn người dân tiếp tục tràn xuống đường ở nhiều thành phố Myanmar để biểu tình phản đối chính quyền quân sự, theo hãng tin AFP. Cuộc biểu tình lớn nhất trong ngày diễn ra ở TP Mandalay. Đến nay chưa có thông tin về đụng độ giữa người biểu tình và phe cảnh sát và số người thương vong. 

Một ngày trước đó, chính quyền quân sự đã cho thực hiện loạt động thái quyết liệt nhằm ổn định tình hình. Bộ Truyền thông Myanmar đã yêu cầu các nhà mạng chặn những mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram từ 0 giờ ngày 6-3 cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, lực lượng an ninh Myanmar tổ chức nhiều cuộc đột kích tại TP Yangon để truy quét các lãnh đạo phong trào biểu tình ở đây. Ít nhất ba người đã bị bắt giữ không rõ lý do, Reuters dẫn nguồn truyền thông địa phương cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm