Thế nào là 'ngoại tình', 'ly thân' làm căn cứ cho đơn phương ly hôn?

(PLO)- Theo luật sư, từ “ngoại tình” ai cũng có thể hiểu trong cuộc sống đời thường nhưng nếu để đưa nó vào làm căn cứ “giải tán” một cuộc hôn nhân về mặt pháp lý thì cần được hiểu cụ thể trong khuôn khổ pháp lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa không thành thì tòa giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Tuy nhiên, việc xác định căn cứ cho ly hôn vẫn gây nhiều băn khoăn trên thực tế, dù mới đây TAND Tối cao cũng đã có dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định trong giải quyết vụ việc.

Quy định chưa sát với điều luật

Theo dự thảo, vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình là vợ, chồng có hành vi theo khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng là vi phạm quy định của Luật HN&GĐ về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người kia. Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình dẫn đến khánh kiệt tài sản vì nợ nần.

ngoại tình

Cạnh đó, hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được là một trong ba trường hợp: (i) Vợ, chồng sống ly thân, người này xúc phạm làm cho người kia bị giày vò về mặt tình cảm, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe; (ii) Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình; (iii) Không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển, người nào chỉ biết bổn phận người đó.

Góp ý về những quy định trên, ThS Nguyễn Phương Ân (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng dự thảo giải thích về “vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng” chưa sát với điều luật.

Theo ThS Phương Ân, bản chất của quyền và nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng rất đặc biệt, quyền của người này là nghĩa vụ của người kia và ngược lại. Do đó, chỉ cần có sự vi phạm quy định của Luật HN&GĐ về nghĩa vụ của một bên là đã ít nhiều có ảnh hưởng đến lợi ích của bên còn lại.

“Vậy nếu hiểu theo câu chữ của dự thảo thì chỉ cần xuất hiện sự xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người này thì người kia đã có sự “vi phạm nghiêm trọng”?” - ThS Phương Ân đặt câu hỏi và cho rằng cách hiểu này không phù hợp, minh chứng là ví dụ tại khoản 2 “vợ, chồng phá tán tài sản gia đình” phải dẫn đến “khánh kiệt tài sản vì nợ nần”.

Cạnh đó, việc giải thích thế nào là “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là cần thiết. Tuy nhiên, việc ấn định biểu hiện của tình trạng trầm trọng trong ba trường hợp là chưa phù hợp với Điều 19 Luật HN&GĐ năm 2014.

Luật HN&GĐ không có khái niệm ly thân và Điều 19 thì sử dụng cụm từ “vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau”. Và nếu ly thân thì phải ly thân bao lâu mới được coi là trầm trọng?

Tham khảo pháp luật của một số nước cho thấy thời gian ly thân được tính làm căn cứ ly hôn không giống nhau. Vậy để có sự thống nhất với Luật HN&GĐ, thay vì quy định “vợ chồng sống ly thân”, có thể ghi nhận “vợ chồng không sống chung cùng nhau mà không có lý do chính đáng”.

Tương tự, dự thảo quy định “vợ chồng có quan hệ ngoại tình” nhưng Luật HN&GĐ nói riêng, pháp luật Việt Nam nói chung lại không có khái niệm “ngoại tình”. Điều 19 dùng thuật ngữ “chung thủy”.

Theo đó, vi phạm nghĩa vụ chung thủy thì không chỉ giới hạn ở mỗi việc vợ, chồng có quan hệ ngoại tình. Ngoại tình chỉ là một biểu hiện (nổi bật) của sự vi phạm nghĩa vụ chung thủy. Vì vậy, nên điều chỉnh thành “vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình” thì sẽ chính xác hơn.

Dự thảo quy định “vợ chồng có quan hệ ngoại tình” nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình nói riêng, pháp luật Việt Nam nói chung lại không có khái niệm “ngoại tình”.

"...bữa ngủ với nhau thấy cũng hợp tác lắm mà sao nói ly thân”

Luật sư (LS) Đinh Thị Quỳnh Như (Đoàn LS TP.HCM) thì cho rằng quy định về “ly thân” và “ngoại tình” khi đưa vào làm căn cứ cho việc ly hôn thì cần chi tiết và cụ thể. Bởi cho đến nay điều này chưa được quy định rõ trong một văn bản luật.

“Nếu tìm căn cứ cho việc ly thân, tôi thực sự không biết xác định ở việc không ở chung phòng, chung nhà hay không có ôm ấp, quan hệ tình dục” - LS Như nói.

LS Như kể một vụ việc thực tế là tại tòa. Trong phần xét hỏi, trong khi người vợ khẳng định đã ly thân và xem như điều đó thể hiện “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng” đến mức không sống chung thì người chồng cười hỏi lại “chứ cái bữa ngủ với nhau thấy cũng hợp tác lắm mà sao nói ly thân” …

Cũng theo LS Như, đối với quy định về “ngoại tình” cũng vậy. Nếu để nói với nhau trong cuộc sống đời thường thì từ ngoại tình ai cũng có thể hiểu. Nhưng nếu để đưa nó vào làm căn cứ “giải tán” một cuộc hôn nhân về mặt pháp lý thì nó cần được hiểu cụ thể trong khuôn khổ pháp lý. Cụ thể, như thế nào là ngoại tình, mức độ ra sao để tránh sự tùy nghi.

Cạnh đó, thực tế rất nhiều cuộc hôn nhân không hề có các căn cứ ly hôn theo luật định. Đó là những cuộc hôn nhân không ẩu đả, đánh nhau, chửi bới, vi phạm nghĩa vụ vợ chồng hay ngoại tình..., chỉ là một bên không còn tình cảm với bên còn lại và họ muốn khép lại cuộc hôn nhân này. Họ muốn một đoạn đời tiếp theo được xây dựng và bước đi theo một cách khác.

Nếu cho rằng vì không có các căn cứ ly hôn nên cuộc hôn nhân của họ chưa thể chấm dứt về mặt pháp lý thì quá khiên cưỡng bởi đây là lý do hoàn toàn chính đáng.•

Ly hôn vì người còn lại vướng lao lý

LS Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn LS TP.HCM) kể quá trình hành nghề, ông gặp một tình huống khá phổ biến. Đó là thân chủ của ông khi vướng vào lao lý đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù thì người còn lại gửi đơn ly hôn.

“Thật ra việc nộp đơn ly hôn trong trường hợp này nếu chiếu vào các quy định về căn cứ ly hôn theo Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 và dự thảo của nghị quyết là chưa đủ căn cứ. Mặc dù họ là người có dấu hiệu hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, có thể chưa bị kết án hay đã bị kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật nhưng xét về pháp luật HN&GĐ thì họ không vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, không bạo lực gia đình, không ngoại tình…”. - LS Ý cho biết

Tuy nhiên, có lẽ trong trường hợp này, tòa án cho rằng mục đích kết hôn là nhằm xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc nhưng khi người kia bị tạm giam hoặc đang chấp hành án thì đời sống chung vợ chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được nên từ đó thường giải quyết cho ly hôn. Vì vậy, theo LS Ý, cần cân nhắc cả trường hợp này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm