TỪ TRẬN U-23 VIỆT NAM - KASHIMA ANTLERS

Bóng đá Nhật “phủ sóng” thị trường Việt

Tối qua, CLB Kashima Antlers thi đấu giao hữu với đội U-23 Việt Nam trên sân Mỹ Đình. Trước đó, ngày 1-6, tại Bình Dương, CLB Kawasaki Frontale cũng của Nhật đã thi đấu với chủ nhà B. Bình Dương. Hai sự kiện trên ngoài việc chào mừng kỷ niệm quan hệ ngoại giao của hai nước, còn là việc bóng đá Nhật chọn Việt Nam làm thị trường để quảng bá và để làm kinh tế từ bóng đá. Nó cũng liên quan đến thời gian gần đây, các tổ chức bóng đá của Việt Nam thường xuyên sang Nhật để học hỏi và được tạo điều kiện để chuyên gia Nhật sang Việt Nam hướng dẫn phát triển bóng đá chuyên nghiệp hoặc những thương vụ bản quyền truyền hình đội tuyển thuộc về các công ty lớn của Nhật…

Các sự kiện trên đều có đoàn tiếp thị J-League (giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật) đi theo tìm hiểu và thăm dò thị trường bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Người Nhật cũng không giấu mục tiêu phủ sóng trực tiếp J-League vào khu vực Đông Nam Á - nơi có thị trường 700 triệu dân. Ngoài ra LĐBĐ Nhật còn ra một chính sách mới nhằm phục vụ giá trị lẫn sức hút của việc phủ sóng J-League ở Đông Nam Á, đó là các CLB Nhật được phép sử dụng cầu thủ Đông Nam Á mà không bị tính là suất cầu thủ ngoại. Việc xem cầu thủ Đông Nam Á như nội binh sẽ hút các CLB Nhật săn nguồn cầu thủ này, đồng thời “buộc” các quốc gia có cầu thủ đá thuê ở Nhật phải tiếp sóng J-League.

Bóng đá Nhật “phủ sóng” thị trường Việt ảnh 1

Trận giao hữu đêm qua càng nối gần hơn chiến lược phủ sóng J-League tại Việt Nam. Ảnh: VFF

Nên nhớ thị trường các mặt hàng tại Nhật rải rất nhiều ở khu vực Đông Nam Á nên việc sóng J-League được trải rộng sẽ là một lợi thế rất lớn để lôi kéo các nhà đầu tư, những nhà sản xuất tiếp thị sản phẩm của mình trên các kênh của J-League.

Hiện các tuyển trạch viên của bóng đá Nhật đang đổ xô về Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… để tìm cầu thủ giỏi đưa về đá J-League mà gần đây chính Nhật đã công khai việc sẽ thử việc và mời một số cầu thủ Việt Nam về khoác áo các CLB Nhật.

Cứ thử hình dung nếu J-League mà có cầu thủ Việt Nam thi đấu thì việc phủ sóng J-League vào Việt Nam sẽ thu hút người xem thế nào?

Việc bóng đá Nhật chọn Việt Nam làm đối tác theo chiến lược của riêng người Nhật khiến nhiều người nhớ đến cách đây hơn 50 năm, các nhà làm bóng đá Nhật từng dò dẫm và học người Việt Nam chơi bóng đá. Nay thì chính người Nhật lại chọn Việt Nam làm nơi để phát triển kinh tế từ bóng đá qua việc phủ sóng một cách có bài bản và chiến lược theo kiểu thuyền lớn bắt cả cá lớn lẫn không sót cá nhỏ.

Chúng tôi từng mang câu chuyện này chia sẻ với ông Tam Lang thì được nghe với chất giọng chậm rãi, buồn bã: “Hồi đó chúng tôi đá với Nhật muốn thắng bao nhiêu thì thắng và họ rất nể chúng ta. Bằng chứng là Nhật hồi đó luôn muốn được học, được đá giao hữu với chúng ta. Họ từng tặng chúng ta chiếc giày nhỏ và ví bóng đá Nhật rất nhỏ bé so với bóng đá Việt Nam. Thế mà bây giờ thì người Nhật đã không còn là giày nhỏ nữa rồi… Giờ cũng là một cách để chúng ta học lại họ và tôi nghĩ cũng chẳng có gì mà phải mắc cỡ khi học cái hay của người đi sau nhưng về trước…”.

Thi đấu giao hữu U-23 Việt Nam - Kashima Antlers 2-2

Sự tẻ nhạt của hiệp 1 được cầu thủ hai đội bù đắp ở hiệp 2 khi có đến bốn bàn thắng được ghi. Công bằng mà nói, các học trò HLV Hoàng Văn Phúc đã có màn chào sân ấn tượng trước đối thủ vượt trội mình về đẳng cấp lẫn thể hình.

Chiều qua, 40.000 chỗ ngồi sân Mỹ Đình không được phủ kín. Điều đó cho thấy sức nóng mà U-23 Việt Nam cùng đội bóng bảy lần vô địch J-League Kashima Antlers hơi thiếu nhiệt. Trước một đối thủ có thể hình cao to, ông Phúc bố trí đội hình các cầu thủ chủ nhà chơi thấp với ý đồ phòng thủ ngay từ phần sân nhà.

Sau 45 phút đầu trận khá tẻ nhạt, hai đội chỉ thực sự bùng nổ khi tiền vệ Vũ Minh Tuấn bất ngờ tung cú sút sấm sét từ một pha đá phạt phút 50. Khoảng cách hơn 25 m nhưng bóng bay căng hiểm hạ thủ thành Sato. Chưa đầy 1 phút sau, các cầu thủ Kashima Antlers đã có sự đáp trả. Đón đường chuyền của đồng đội, Osako ngoặt bóng loại Mạnh Hùng dứt điểm ngoài tầm với của thủ môn Bửu Ngọc quân bình tỉ số 1-1.

Nếu hai bàn thắng đầu đậm chất chuyên môn thì ở hai pha làm bàn sau, cầu thủ hai đội đều bộc lộ sự thiếu tập trung. Đầu tiên là pha thủng lưới của thủ môn Bửu Ngọc. Phút 60 trong một pha phạm lỗi trước vòng 16,5 m, trong khi hàng thủ U-23 Việt Nam mải lo tranh cãi, Kashima Antlers tổ chức đá phạt nhanh và Nakamura băng lên từ tuyến hai dứt điểm chuẩn xác nâng tỉ số lên 2-1.

Sau bàn thua thứ hai, HLV Hoàng Văn Phúc có hàng loạt sự thay đổi trong đội hình chính. Danh Ngọc vào thay đội trưởng Văn Quyết. Và tiền đạo người Thái Bình đã chớp thời cơ từ pha phối hợp thiếu cẩn trọng giữa thủ môn và hậu vệ đội khách, quân bình tỉ số 2-2.

Kết quả hòa tuy chưa bộc lộ hết điểm yếu của U-23 Việt Nam nhưng với những gì đã thể hiện, các học trò Hoàng Văn Phúc xứng đáng với 1 điểm cộng.

M.QUANG

TẤN PHƯỚC - NG.HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm