Chống tiêu cực ở AFF Cup như thế nào?

Sportradar là công ty hàng đầu thế giới trong việc giám sát hơn 550 mạng cá cược trên toàn cầu. Với sự bao quát này, Sportradar có khả năng phát hiện và ngăn chặn các trận đấu có dấu hiệu dàn xếp tỉ số. Bên cạnh đó Sportradar cũng kiêm luôn công tác giám sát đối với lực lượng trọng tài, quan chức đội bóng cũng như các quan chức điều hành giải đấu ở các địa phương sở tại... Qua đó, kịp thời đưa ra những báo cáo đánh giá hậu quả tiềm tàng của hành vi cá cược.

Đánh giá về sự hợp tác với Sportradar, Tổng Thư ký AFF Dato Sri’Azzuddin Ahmad cho biết: “Mong muốn đưa đến khán giả khu vực những trận đấu đẹp trên tinh thần cạnh tranh sòng phẳng, trung thực. Những thông tin có thể ảnh hưởng đến giải đấu từ Sportradar sẽ giúp chúng tôi có sự ngăn chặn tốt nhất vấn đề tiêu cực tại AFF Cup 2016”.

Tuy nhiên, mới đây chính cựu HLV đội tuyển nữ Việt Nam Steve Darby, người có gần 20 năm làm việc với bóng đá Đông Nam Á qua nhiều quốc gia, đã lo lắng: “AFF Cup 2016 cần phải được bảo vệ và phòng ngừa đúng mức từ chính các đội bóng vì nạn dàn xếp tỉ số có thể không từ bỏ mục tiêu nào hoặc đội bóng nào, đặc biệt khi giải đấu này ngày càng được theo dõi nhiều và có tiếng vang...”.

Cảnh giác với tiêu cực, AFF đã làm việc với lực lượng cảnh sát tại hai quốc gia đồng chủ nhà là Myanmar và Philippines để bám sát theo các đội bóng, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Các báo Đông Nam Á cũng cảnh báo việc “bắt tiêu cực”, dù AFF lên phương án kỹ nhưng vẫn có kẽ hở, đó là nhiều kiểu đánh cá giờ tinh vi hơn, thậm chí là không qua mạng Internet, không chính thống mà là mạng lưới phủ sóng khắp nơi theo kiểu vào quán cà phê cũng có thể đánh như kiểu ghi số đề được.

Việc phòng và chống tiêu cực ở AFF Cup 2016 chắc chắn vẫn là một thách thức không nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm