Giải cứu V-League!

V-League cứ như một quả bóng bị bơm căng luôn chực chờ nổ với bất kỳ mũi kim nào chạm nhẹ vào. Mới đây, sân Pleiku, quả bóng V-League chực chờ nổ và một lần nữa các trọng tài lại bị đưa vào tầm ngắm bởi nhiều mũi kim hăm he chích vào.

Từ những mồi lửa đến điểm sáng sân Pleiku

Chiều 8-4, sân Pleiku đứng trước nguy cơ vỡ trận. Suýt nữa thì sự cố Long An trên sân Thống Nhất ngày 19-2 xảy ra và lần này là đội chủ nhà HA Gia Lai. Người xem đã thấy rất rõ hình ảnh ông trưởng đoàn CLB HA Gia Lai chạy vào sân tranh luận với trọng tài, rồi sau đó là ông giám đốc điều hành ra mép sân gọi cầu thủ ngừng thi đấu để làm ra lẽ một quyết định mà họ cho là mình bị xử oan. Từ lời kêu gọi đó, một cầu thủ trẻ của HA Gia Lai chọn cách đá bóng lên khán đài để hưởng ứng trong sự bấn loạn và bất bình của khán giả đối với trọng tài. May mà trên sân vẫn còn những cái đầu tỉnh táo, đặc biệt là tiền đạo Văn Toàn đã “bẻ lệnh” kêu gọi đồng đội không tẩy chay và quay lại sân thi đấu.

Nếu không thì sự cố Long An trước đây đã xảy ra với đội bóng của ông phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF.

Xét cho cùng thì những sự cố xảy ra đều nhắm vào tiếng còi của trọng tài mà các lãnh đạo đội bóng cho rằng đội của mình bị xử oan. Tuy nhiên, điều lớn hơn và đáng lo hơn lại chính là việc xé rào của lãnh đạo các đội bóng luôn mang nặng suy nghĩ trọng tài sai về tư tưởng nhiều hơn sai về chuyên môn.

Trọng tài sai, cầu thủ bất phục, HLV bất phục, rồi đến lãnh đạo đội bóng bất phục… Nhưng không có nghĩa là tất cả bất phục đấy cho phép họ được vượt ra giới hạn là bỏ thi đấu hay kêu gọi cầu thủ mình bỏ đá nhằm chờ sửa một quyết định bị cho là sai của trọng tài.

Chiều 8-4, rất nhiều mồi lửa trên sân và nó càng nguy hiểm hơn khi phần nóng nhất lại nằm ở chỗ khu kỹ thuật đội HA Gia Lai. Cái nóng đấy lây lan sang khán giả sân Pleiku khiến có người manh động ném cả vật lạ vào trọng tài.

May là trong vô số điểm tối đấy vẫn còn một điểm sáng cứu vãn cho cả V-League. Đó là sự tỉnh táo trong cơn nóng toàn đội của tiền đạo Văn Toàn. Anh hô hào các đồng đội không bỏ cuộc và thậm chí là can ngăn cả những cái đầu nóng ở khu kỹ thuật ra tận mép sân lẫn vào trong sân để kêu gọi toàn đội bỏ cuộc.

Từ trưởng đoàn đến giám đốc điều hành và HLV trưởng đều nhào ra sân phản ứng trọng tài sau bàn thua 2-3 trong khi giám sát thì can ngăn khán giả ném vật lạ vào trọng tài.

Trong cơn nóng của lãnh đạo đội bóng thì cầu thủ Văn Toàn lại là người tỉnh táo nhất can ngăn và đẩy lãnh đạo của mình về khu kỹ thuật cho trận đấu tiếp diễn. Điểm sáng duy nhất trong trận cầu ồn ào. Ảnh chụp lại từ VTV6

Lãnh đạo các đội làm khó hay căn bệnh mất niềm tin?

Chịu một bàn thua oan, một thành viên trong Ban chấp hành VFF là Trưởng ban Bóng đá phong trào Lê Nguyên Hồng (không đăng ký chức danh ở đội Quảng Nam nhưng ăn lương của đội bóng này) mặc sức lên tiếng tố cáo, chửi các trọng tài là được đào tạo ở trường mù. Sau đó ông này còn bóng gió việc ông phó chủ tịch VFF trước đây từng bồi dưỡng trọng tài bằng tiền đô.

Bị một quả phạt đền không rõ ràng, trưởng đoàn bóng đá Long An Võ Thành Nhiệm (là em ruột của ông Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng) lao xuống sân đòi dừng giải, mời cơ quan điều tra điều tra động cơ của trọng tài và chỉ đạo toàn đội phản kháng không thi đấu.

Trước đó, còn nhiều lãnh đạo phản ứng và nhiều than phiền về công tác trọng tài đến độ VFF và VPF phải chữa cháy bằng cách lập thêm một ban giám sát cả việc phân công trọng tài để xoa dịu dư luận và các đội dù đó là phương pháp sai luật.

Nhưng những thay đổi kiểu chữa cháy đấy không làm công tác trọng tài tốt hơn mà ngược lại còn đẩy nhiều trọng tài vào khó khăn, ức chế.

Lý giải cái sai của trọng tài là một phần của bóng đá và World Cup hay Premier League còn sai nhiều hơn V-League nhưng chưa ai lý giải được vì sao nhiều đội bóng không tin cái sai của trọng tài Việt Nam chỉ đơn thuần là chuyên môn.

Nguy hiểm của V-League không phải là ở chỗ trọng tài yếu kém mà là căn bệnh niềm tin vào những bộ phận điều hành trong đó có cả những sếp cao ở V-League điều hành công tác trọng tài.

Cá nhân tôi từng nghe các đội bóng than phiền về các mối quan hệ bất thường của những lãnh đạo VFF với một số ông bầu đội bóng có tầm ảnh hưởng lớn và quan hệ rộng. Và đó cũng chính là mồi lửa nguy hiểm cho căn bệnh niềm tin.

Tôi cũng tin rằng những người như ông chủ tịch VFF hay nhiều thành viên trong thường trực lẫn Ban chấp hành VFF cũng nghe và biết những điều này nhưng không ai đủ can đảm đặt hết lên bàn cân và làm đến nơi đến chốn trong quyền hạn của mình.

Nếu bầu Đức từng một mình chống ông Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi, đòi sa thải ông này để trọng tài Việt Nam tốt lên thì việc đưa ông Dương Văn Hiền tham gia phân công trọng tài thay ông Mùi cũng có lúc lại bị nhiều đội cho rằng có lợi cho đội khác. Rõ nhất là những chỉ trích của ông Lê Nguyên Hồng vào trọng tài chỉ xuất phát từ khi ông Mùi không được phân công và ông Hiền lên thay.

Và những mâu thuẫn, chồng chéo và mất niềm tin nơi các đội vì hiểu quá rõ cuộc chơi này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ trọng tài vốn đã yếu nay lại bị thêm áp lực tâm lý. Từ chỗ yếu đấy, trọng tài có lúc như là con tốt trên bàn cờ của lãnh đạo các đội, của các ông bầu và của cả những quan chức điều hành giải.

Ai sẽ cứu V-League trong sự hoang mang và mất niềm tin như thế?

Sẽ thật khó khi những người, những quan chức trực tiếp phụ trách bóng đá chuyên nghiệp lẫn công tác trọng tài vẫn núp kỹ trong sự loạn lạc của V-League và công tác trọng tài. Trong khi đó thì rất nhiều người trong Thường trực VFF biết cội nguồn nhưng không đủ dũng cảm để đứng ra lập lại trật tự.

Giờ lại thèm các quan đừng vì cái ghế, đừng vì đấu đá và có chút sự tỉnh táo lẫn fair play như Văn Toàn đã làm để cứu HA Gia Lai và cứu cả V-League.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm