Khi VPF bị trên đe dưới búa...

Hồi đầu tháng 8, VPF sau khi tham khảo ý kiến của 27 CLB chuyên nghiệp (V-League và hạng Nhất) về việc có tiếp tục tổ chức các giải bóng đá 2021 thì nhận lại phản hồi có hơn 50% (quá bán) chấp thuận phương án của VPF. Theo đó, giải hạng Nhất sẽ tái khởi động từ ngày 20-11-2021 cho đến tháng 3-2022, còn V-League và Cúp Quốc gia hoãn đến tháng 2-2022.

Với số đông CLB tán thành hoặc không có ý kiến, VPF nhanh nhảu trình VFF ký quyết định tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia vào ngày 6-8. Tuy nhiên, VPF rất khôn khéo lảng tránh ý kiến của tám đội bóng V-League (trong tổng số 14 đội) phản đối kế hoạch của mình, nghĩa là chỉ có sáu CLB đồng tình hoặc không có ý kiến, đồng nghĩa với mặc định chấp nhận phương án của VPF.

Lập luận chống chế của VPF là nếu các giải đấu của mùa giải năm 2021 bị hủy sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng: Đối với Công ty VPF phải bồi thường các hợp đồng tài trợ đã ký; khả năng sẽ không kêu gọi được tài trợ cho các mùa giải sau; đối với nền bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chất lượng cầu thủ tham gia các giải đấu mang tầm quốc tế sẽ bị giảm sút đáng kể…

VPF cũng có đề cập đến thiệt hại đối với CLB rất nhỏ là bồi thường hợp đồng tài trợ nhưng rất thiếu sự hiểu biết sâu sát về những chi phí phát sinh về lương, tiền lót tay, duy trì sinh hoạt cho một bộ máy khổng lồ.

Mọi sự rắc rối của VPF xuất phát từ chính thói quen áp đặt khiến nhiều CLB rải rác lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Chủ tịch CLB Hải Phòng - Văn Trần Hoàn to tiếng chỉ trích VPF: “CLB nào đã được VPF hỏi han, động viên một lời khi quyết định dời giải đấu? Khi quyết định dời giải đấu, VPF đã làm khổ cho các đội bóng, đó là một quyết định “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”…

Hủy giải là mong muốn của các CLB, dù sẽ có đội tiếc nuối như HA Gia Lai đang có cơ hội vô địch hay một đội có khả năng xuống hạng như Sài Gòn FC mừng thầm. Ảnh: XUÂN HUY

Ông Hoàn rất nhanh chóng đặt cược một canh bạc lớn cho VPF bằng giấy trắng mực đen hẳn hoi: Nếu giải đến tháng 2-2022 chưa thi đấu lại, VPF phải hỗ trợ tài chính cho CLB Hải Phòng là 20 tỉ đồng (khoảng 30% kinh phí). Ngược lại, nếu đến tháng 2-2022 diễn ra giải, CLB Hải Phòng tiếp tục chơi và sẵn sàng trả kinh phí này.

Cũng trong ngày 20-8, CLB Nam Định gửi đơn đề xuất VPF có cách hỗ trợ khó khăn, với việc nghỉ thi đấu hơn nửa năm thì cần thêm 15 tỉ đồng. Giả sử V-League lăn bóng vào tháng 2-2022 đúng như dự báo của VPF thì phải được hỗ trợ 30% kinh phí hoạt động và nếu không đá thì VPF cần hỗ trợ 50% thiệt hại.

Mới chỉ có hai CLB nói rất rõ thực tế tình hình của mình, đủ làm VPF đau đầu, huống hồ 12 đội bóng còn lại cũng yêu cầu tương tự thì biết những thiệt thòi họ gánh chịu không đơn giản như cách nghĩ của các nhà tổ chức.

Một ngày sau khi có những lá đơn cầu cứu của các CLB, Ban chấp hành VFF vội vã nhóm họp ngày 21-8 rồi ra nghị quyết: Hủy giải.

HA Gia Lai không có cúp vẫn đá giải AFC Champions League

Ngay trong tuần này, VPF tổ chức cuộc họp trực tuyến với các CLB thông báo nghị quyết của VFF và cần sự đồng thuận những nội dung chính. Theo đó, với việc mùa giải 2021 dừng lại, VFF sẽ công nhận vị trí hiện tại trên bảng xếp hạng V-League để xác định các đội tham gia thi đấu AFC Champions League và AFC Cup. Theo đó, HA Gia Lai đang dẫn đầu sau 12 vòng đấu sẽ chơi AFC Champions League, đội hạng nhì Viettel thi đấu AFC Cup, cùng đội hạng ba Than Quảng Ninh (do không có nhà vô địch Cúp Quốc gia). Cuộc chơi tạm dừng mà không có cúp vô địch cho HA Gia Lai vì chưa đi hết chặng đường, không có đội hạng Nhất lên hạng và không có đội V-League xuống hạng. Bầu Đức cũng tiết lộ không lấy gì làm buồn phiền, không đá giải này thì chờ mùa giải sau, còn hiện tại ưu tiên lớn nhất là chung tay cùng cả nước lo chống dịch bệnh COVID-19. Ông bầu phố núi cho biết hoàn toàn ủng hộ phương án hủy giải. TT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm