VFF mất phương hướng!

Rất nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn của các thành viên trong ngôi nhà chung VFF nhưng điều quan trọng nhất là bộ máy quản lý và điều hành VFF sẽ đi theo hướng nào.

Bóng đá Việt Nam không có phong cách

Giám đốc kỹ thuật HAGL Nguyễn Văn Vinh hóm hỉnh nheo nheo đôi mắt rồi đưa hai bàn tay ra quờ quạng vào không trung như... người mù, rồi kết luận: “Bóng đá Việt Nam vừa nhắm mắt vừa đi mà không biết... đi đâu. Thế nên suốt bao năm qua, có khi đội tuyển chơi rất hay hoặc rất dở nhưng chả ai hiểu vì sao!”.

Ông Vinh hỏi rồi tự trả lời luôn: “Chúng ta đang mất phương hướng. Tại sao thất bại thảm hại của U-23 Việt Nam dẫn đến việc sa thải Riedl mà chẳng ai nhận trách nhiệm cụ thể? Bây giờ VFF lại loay hoay tìm người thay Riedl nhưng vấn đề là định hướng cho bóng đá Việt Nam thế nào chứ không phải thuê thầy lấp chỗ trống...”.

Một số đại biểu tán thưởng lối phân tích của ông Vinh và còn nhấn mạnh 12 năm qua với bảy đời thầy ngoại, bóng đá Việt Nam chẳng có dấu ấn hay phong cách nào cả! Cứ mỗi lần thay HLV thì các cầu thủ lại buộc phải thích nghi với một lối chơi khác nhau mà không có gì thuộc về bản sắc.

VFF cần thuê giám đốc kỹ thuật

Bản tổng kết bóng đá Việt Nam năm 2007 của ông tổng thư ký VFF ngợi ca tầm cao Asian Cup và chiến công lịch sử ở vòng loại Olympic Bắc Kinh như một cách lấp liếm đi nhiệm vụ trọng tâm là giải Đông Nam Á chứ không phải tầm châu lục. Bài diễn văn sau đó nhắc đến SEA Games 24 rất chung chung.

Cựu chủ tịch VFF Dương Nghiệp Chí đặt vấn đề: “Tại sao ở năm nhiệm kỳ, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có chiến lược phát triển theo từng giai đoạn cụ thể? Vì thế năm qua, bóng đá Việt Nam như một chiếc máy bay ở tầm cao Asian thì hay, hạ xuống thấp SEA Games thì... hết xăng, đâm đầu xuống đất. Ông Chí kêu gọi VFF phải thuê kiến trúc sư trưởng vẽ ra chiến lược cho bóng đá Việt Nam chứ mời HLV ngoại làm gì cho tốn tiền.

Ông Dương Nghiệp Chí cũng nói thẳng vào cái điểm yếu chí mạng của các nhà quản lý và điều hành bóng đá của khóa này: thua thì đùn đẩy cho khóa sau chịu trận. Ông Chí hy vọng khóa V phải dám làm dám chịu và cần nhất phải thực hiện xã hội hóa VFF.

Chủ tịch VFF sợ ra tòa

Ông Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận bộ máy điều hành còn yếu về cơ cấu tổ chức và chưa theo kịp tiến độ phát triển của xã hội. Chủ tịch VFF suýt xoa: “Chúng tôi có thể đưa nhân viên đi học thêm chứ không thể cho nghỉ việc vì biên chế... phức tạp lắm. Chẳng hạn khi có chuyện, các nhân viên đưa hợp đồng lao động đòi kiện ra tòa thì ai chịu?”. Lời hứa có giá trị nhất của Chủ tịch VFF là thành lập tổ công tác để xây dựng lộ trình xã hội hóa bóng đá. Ông Hỷ than khổ khi cứ phải xin tiền cấp trên và tình hình tài chính năm 2008 hứa hẹn còn eo hẹp khi tính mức lãi chỉ có 2,2 tỷ đồng, còn năm 2007 vừa qua lãi ròng 10,153 tỷ đồng.

HT

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm