Hiện nay rất nhiều công nhân, nông dân, người có thu nhập thấp có nhu cầu vay tiền từ ngân hàng nhưng thủ tục phức tạp, điều kiện vay khó khăn. Đó là chưa kể những đối tượng này không dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng do ngân hàng không mấy mặn mà với những khoản vay nhỏ.
Trong bối cảnh đó, thẻ tín dụng nội địa, loại thẻ thanh toán với phạm vi sử dụng trong nước, “chi tiêu trước trả tiền sau” là một trong giải pháp hữu hiệu.
Dễ dàng sử dụng
Nhiều khách hàng chia sẻ họ có thể dễ dàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa khi mua hàng hóa, dịch vụ qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại quán ăn, cửa hàng tạp hóa, siêu thị hoặc rút tiền mặt tại máy ATM.
Anh Minh Tuấn, chủ một cơ cở kinh doanh tạp hóa ở quận Tân Bình, TP.HCM, phân tích: Thẻ tín dụng nội địa có một số ưu điểm như yêu cầu về việc cấp hạn mức thấp, cấp phép phát hành thẻ đơn giản hơn so với thẻ quốc tế.
Đặc biệt với loại thẻ này, những người có nhu cầu cấp bách có thể chi tiêu ngay, không phải tìm mọi cách để vay, kể cả vay nóng với lãi suất “cắt cổ”. Thêm nữa, khách hàng có thể được đơn vị phát hành thẻ miễn lãi vay đến vài ba tháng.
Khách hàng có thể đến ATM của ngân hàng phát hành thẻ nội địa đểrúttiền mặt. Ảnh: TL |
“Thẻ tín dụng quốc tế thường phải gánh rất nhiều loại phí và chủ yếu dành cho người có thu nhập khá trở lên. Còn thẻ tín dụng nội địa chủ yếu dành cho đối tượng thu nhập thấp như công nhân, nông dân, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ… vốn dễ bị tín dụng đen lợi dụng cho vay “cắt cổ”” - anh Tuấn thông tin thêm.
Chị Lành, công nhân một công ty dệt may ở TP Thủ Đức, cũng chia sẻ nếu thẻ tín dụng quốc tế có thể được cấp hạn mức từ vài chục triệu đến vài tỉ đồng thì đối với thẻ tín dụng nội địa, hạn mức tín dụng thường chỉ dao động 10-30 triệu đồng. Nhưng bù lại mức phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng nội địa rất thấp, chỉ dao động 0,5%-2% trên số tiền giao dịch, trong khi thẻ tín dụng quốc tế thu loại phí này lên đến 4%.
Tương tự, lãi suất rút tiền mặt của thẻ tín dụng quốc tế có thể lên đến 16%-25%/năm tùy từng ngân hàng. Trong khi đó, với thẻ tín dụng nội địa, mức lãi suất mà khách hàng phải trả khi rút tiền mặt chỉ khoảng 10%-15%/năm.
“Với những người có thu nhập chừng 7-8 triệu đồng/tháng như chúng tôi thường không có tiền để dành. Trong khi nhu cầu chi tiêu cho những khoản phát sinh cấp bách như ốm đau, bệnh tật… thì việc phải đi vay là tất yếu. Vì vậy, thẻ tín dụng nội địa là phù hợp vì nó có thể giúp những người lao động thu nhập thấp không phải dính vào tín dụng đen với lãi suất cao “cắt cổ”, có thể lên đến 70%-90%/tháng” - chị Lành chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhận định việc dùng thẻ thanh toán nội địa để mua hàng hóa, dịch vụ đang ngày càng trở nên phổ biến hơn với nhiều người, không chỉ sử dụng rút tiền tại ATM để chi tiêu như trước.
“Chúng tôi đã và đang phối hợp với các tổ chức tài chính triển khai các sản phẩm thẻ nội địa hiện đại, nhiều tiện ích, dựa trên nền tảng thẻ chip. Đây là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt” - lãnh đạo NAPAS nói.
Đa dạng thẻ để người dùng lựa chọn
Nhiều chuyên gia dự báo rằng thẻ tín dụng nội địa sẽ là xu hướng thanh toán mới của người dùng Việt, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vì phù hợp với nhiều nhóm khách hàng.
Đơn cử tại Ngân hàng Sacombank, người dân có thu nhập 3-5 triệu đồng đã đủ điều kiện mở thẻ tín dụng nội địa. Khi sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại ATM, máy POS của ngân hàng này trên cả nước, phí rút tiền mặt chỉ 0,5%/giao dịch (tối thiểu 10.000 đồng); được rút 100% hạn mức tín dụng, linh hoạt trả nợ vay với thanh toán tối thiểu/tháng 2% dư nợ, tối thiểu 100.000 đồng. Đồng thời khách hàng còn được hưởng ưu đãi giảm đến 50% tại hàng trăm điểm mua sắm, làm đẹp, ẩm thực, du lịch…
Tương tự, loại thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt đang được Agribank đẩy mạnh phát triển để phục vụ cho công nhân, hộ gia đình ở nông thôn, khách hàng có hợp đồng sử dụng điện và khách hàng trả lương qua tài khoản. Lãi suất rút tiền mặt của loại thẻ tín dụng nội địa này là 13%/năm và tỉ lệ thanh toán của thẻ tín dụng chỉ 2%/tháng. Hạn mức của loại thẻ này tối đa là 30 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết: Mặc dù thẻ tín dụng nội địa đáp ứng tốt đối với nhu cầu chi tiêu nhỏ lẻ cho người dân nhưng vẫn cần được phát hành trên cơ sở khách hàng phải đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng tín chấp, tức là phải xác định được nguồn thu nhập để trả nợ thanh toán thẻ theo đúng thời hạn.
“Bởi nếu không có khả năng thanh toán mà vẫn dùng thẻ tín dụng thì đến kỳ thanh toán, họ không có khả năng trả được nợ khiến khoản vay sẽ bị nhảy nhóm nợ và phải thực hiện theo cơ chế đòi nợ của ngân hàng” - bà Phượng giải thích.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại khác nhìn nhận thẻ tín dụng nội địa phục vụ đa số người dân, giúp người dân tiếp cận tài chính toàn diện dễ dàng hơn, hướng đến tài chính toàn diện mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề ra. Mặc dù thẻ tín dụng nội địa có nhiều ưu điểm nhưng để loại hình này phát triển mạnh mẽ cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách hàng sử dụng.
Giúp người dân tiếp cận tín dụng chính thức
Ngân hàng Nhà nước cho biết mục tiêu của phát thành thẻ tín dụng nội địa nhằm giúp một bộ phận đông đảo người dân tiếp cận được với tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen. Đến nay đã có 12 tổ chức tài chính phát hành thẻ tín dụng nội địa với gần 600.000 thẻ phát hành. Do đó, thẻ tín dụng nội địa vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Theo các đơn vị phát hành thẻ, chi tiêu bằng thẻ tín dụng tương tự vay một khoản vay tiêu dùng nhưng lãi suất thấp hơn rất nhiều so với đi vay. Thủ tục mở thẻ đơn giản hơn so với việc làm khoản vay tín dụng.
Tuy nhiên, thẻ tín dụng nội địa cũng có một số nhược điểm như khách hàng chỉ có thể thực hiện thao tác thanh toán với các dịch vụ ở trong nước; hạn mức của thẻ tín dụng nội địa không quá cao, thường thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế; nếu để quá hạn thanh toán trên sao kê, khách hàng sẽ phải trả mức phí với lãi suất tương đối cao.