Thêm một nghệ sĩ bậc thầy ra đi – vĩnh biệt Người tình trễ xe

Vào lúc 6 giờ sáng hôm nay, 8-5, đạo diễn Thành Trí – một nghệ sĩ bậc thầy của sân khấu kịch miền Nam sau 1975 đã qua đời bởi căn bệnh tim mạch. 

Đạo diễn Thành Trí sinh năm 1937, ông là đạo diễn của những vở kịch nổi tiếng sau năm 1975 như: Người tình trễ xe, Xa thành phố yêu dấu… cho đoàn kịch nói Kim Cương; Gió rừng tràm ở đoàn kịch Cửu Long Giang. Những vở kịch do ông đạo diễn đã củng cố cho tên tuổi nghệ sĩ Kim Cương sau 1975; và là lực đẩy tên tuổi cho những nghệ sĩ sau 1975 trở nên nổi tiếng như: Tú Lệ, Kim Cúc, Thành Hội, Khánh Hoàng, Nguyễn Thị Minh Ngọc…

Gương mặt luôn vui cười, với khả năng hài đặc biệt của nghệ sĩ Thành Trí .

Ông là thầy dạy của những nghệ sĩ tên tuổi hiện nay- những người được mệnh  danh là thế hệ vàng của kịch nói TP.HCM sau 1975 như: Thành Hội, Khánh Hoàng, Thanh Hoàng, Văn Thênh, Đoàn Khoa, Xuân Hương… . Ông cũng là thầy dạy của nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh sau này và luôn được học trò kính trọng.

Bản thân ông rất có duyên hài, và thiên về hài nên ông đã đem đến cho khán giả những trận cười nghiêng ngả, rất duyên dáng ở vở Người tình trễ xe, khai thác được nét diễn Nam Bộ tưng tửng, chân quê độc đáo của nghệ sĩ Kim Cương.

Với nền tảng xuất thân ở gia đình trí thức giỏi ngoại ngữ, bản thân là người thông tuệ nền văn học phương tây, từng đi học đạo diễn ở Liên Xô, nên bên cạnh duyên hài, nghệ sĩ Thành Trí đã thể hiện rất sắc nét, dữ dội những nhân vật trí thức, góc cạnh, những vấn đề xã hội nhức nhối như vở diễn Gió rừng tràm và vai người sửa đồng hồ trong vở Chuông đồng hồ điện Kremlin.

Đạo diễn Thành Trí (trái) với đạo diễn cải lương Phương Hoàng - người gọi ông là "thầy tôi".

Đạo diễn Thành Hội cho biết: “Thầy Thành Trí là một người rất giỏi về chuyên môn. Không có thầy là không có tôi ngày hôm nay. Tất cả những gì mọi người thấy tôi làm được ở ngày hôm nay là tất cả những gì trên nền tảng thầy đã dạy cho tôi. Giống như thầy đã trao cho tôi những hạt giống tốt để gieo trồng về sau và giữ gìn những hạt giống đó sinh sôi mãi. Về mặt tính cách, thầy là người rất xuề xòa, gần gũi với học trò nhưng lại rất nghiêm khắc trong giảng dạy. Tôi và bao thế hệ của học trò của thầy mãi kính trọng thầy”.

Đạo diễn – nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ: “Có thể mọi người có một chút nhầm lẫn khi nghĩ tôi là học trò của thầy Thành Trí. Thật ra tôi chỉ học ké lớp thầy và được thầy chọn vào diễn chung vở tốt nghiệp Gió rừng tràm thầy dựng cho lớp nghệ sĩ trẻ thời đó như Thành Hội, Khánh Hoàng, Văn Thênh, Anh Tuấn… Sau đó vở Gió rừng tràm được đưa ra diễn ở sân khấu chuyên nghiệp và gây một tiếng vang lớn. Tuy nhiên, bản dựng cho đám nghệ sĩ mới ra trường như chúng tôi khi đó lại được những anh chị trí thức trước 1975 đến xem và bày tỏ lời khen hơn. Bởi ở bản dựng này thầy Thành Trí cho diễn cả luôn trong những lúc dựng cảnh, chuyển cảnh. Không chỉ là một đạo diễn giỏi, thầy là một diễn viên cực giỏi. Tôi nhớ nghệ sĩ chúng tôi ngày đó rủ nhau đi xem vở Chuông đồng hồ điệm Kremlin mà thầy đóng vai người thợ sửa đồng hồ. Chỉ một vai phụ thôi mà thầy nổi bật, khiến mọi người chú ý, ấn tượng mãi với cách diễn của mình và giọng nói nhấn nhá, ánh mắt nhìn đầy kiêu hãnh. Khi ông thợ sửa đồng hồ của thầy là người tài năng của thời trước được mời đến để tham gia kiến tạo một công trình mới vĩ đại, ông bị nghe những lời châm chọc so sánh rằng chó là loại động vật đẻ nhiều, sư tử chỉ đẻ được một con. Thầy Thành Trí lúc đó tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem với câu thoại: Sư tử chỉ đẻ một con, nhưng đó là một con sư tử”.

 

Được biết, đạo diễn Thành Trí tên thật là Nguyễn Thành Trí, sinh năm 1937, trong một gia đình trí thức ở Sóc Trăng. Ông được gia đình cho lên Sài Gòn ăn học và tham gia phong trào học sinh sinh viên. Ông vượt tuyến ra Bắc tập kết năm 1955. Tại Bắc ông là học trò Trường Bưởi, có nguyện vọng thi  Đại học Tổng hợp Văn. Tuy nhiên, do đam mê điện ảnh, văn nghệ, năm 1957, Đoàn Kịch nói Nam Bộ ở miền Bắc tuyển diễn viên cho phim Biển động, ông dự thi và trúng tuyển làm văn công. Từ đó, ông tham gia diễn trong nhiều vở kịch cách mạng, kịch Liên Xô tiêu biểu như:Sống chung, Đứng gác dưới ánh đèn néon, Câu chuyện Iêc –kut, Platôn-krêset… Năm 1973 ông được cử sang Liên Xô học đạo diễn và trở thành một người thầy giỏi của nhiều nghệ sĩ tên tuổi miền Nam sau 1975.

Đạo diễn Thành Trí đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt - Hàn, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa tư tưởng. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993.

Tang lễ của đạo diễn Thành Trí được tổ chức ở Nhà tang lễ TP.HCM số 25 Lê Quý Đôn, quận 1, TP.HCM. Lễ viếng lúc 17 giờ ngày 8-5. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 11-5, đưa đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm