Chẳng bao lâu sau khi Việt Nam rầm rộ triển khai những con đường cao tốc, người tham gia giao thông ngày càng thấy rõ hơn lợi ích của các con đường tốc độ cao. Đây cũng là cơ hội để những người sở hữu một loại phương tiện đặc biệt, đó chính là mô tô, mong muốn được “giải thoát” khỏi các con đường thường chật hẹp, đông đúc, tốc độ không được quá…40km/h.
Thế nhưng hiện tại Luật giao thông đang quy định cao tốc chỉ dành riêng cho xe ô tô mà thôi.
Lợi nhiều hơn hại?
Dân trong làng mô tô cho biết hầu hết đi môtô phân khối lớn đều phải bất đắc dĩ phạm luật do quy định tốc độ. Bởi nếu chạy đúng luật trên đường thường 30-40km/giờ thì sẽ rất hại cho xe. Mô tô vốn không được thiết kế để chạy dưới 80km/h.
Xe mô tô trên đường phố
Thượng tá Trần Hữu Toán, phó trưởng phòng tuần tra kiểm soát Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, cũng đồng tình rằng với cách chạy mô tô như hiện nay thì còn gây ra hệ lụy là ô nhiễm môi trường, hư hại xe. Trong khi một chiếc mô tô giá trị không hề nhỏ, đây là “nỗi đau” của dân chơi xe.
Hơn nữa, Việt Nam đã mở cửa nhập xe mô tô rộng rãi, thoải mái thi bằng A2 nên Nhà nước cũng cần tính toán sao cho môtô phân khối lớn có đường chạy... mà không phạm luật.
Theo quan điểm của nhóm ủng hộ đề xuất cho phép mô tô chạy vào đường cao tốc thì khi áp dụng quy định mới sẽ đem lại nhiều cái lợi ích hơn là thiệt hại. Khi mô tô không còn chạy chung với xe hai bánh thông thường thì sẽ đảm bảo an toàn cho cả đôi bên bởi rõ ràng có sự chênh lệch rất lớn giữa hai dòng xe đang “sống chung” này.
Liệu đã đủ tầm?
Tuy nhiên, không hẳn người sành xe mô tô nào cũng háo hức trước “cơ hội” được thoải mái thả ga như vậy. Anh Ngô Nguyễn Anh Tuấn (người chuyên biểu diễn những kỹ năng khó trên mô tô, loại xe anh thường biểu diễn 600-1.000 cc) bày tỏ lo ngại đối với những người đang sở hữu xe mô tô ở Việt Nam.
Chỉ có một loại bằng lái cho tất cả các loại xe mô tô phân khối lớn
“Hầu hết người chơi mô tô đều đam mê tốc độ, nhiều bạn trẻ có máu hiếu thắng nhưng đa phần họ thiếu kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống nên nếu cho chạy vào cao tốc sẽ rất dễ gây tai nạn”, anh Tuấn phân tích.
Trong khi ở nước ngoài họ quản lý chặt chẽ, mô tô được phân thành nhiều hạng, tương ứng với đó là độ tuổi, thời gian chạy. Còn Việt Nam cứ trên 175 cc đều gọi chung là mô tô phân khối lớn và cứ 18 tuổi là công dân có quyền thi lấy bằng A2 để chạy xe đến cả ngàn phân khối.
Thêm một lý do để người ta lo ngại khi thời điểm này cho phép mô tô vào cao tốc. Chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh phân tích hầu hết cao tốc ở Việt Nam chỉ có hai làn xe chứ không phải như nước ngoài, đường cao tốc được chia đến 4, 6, 8 làn xe, rộng rãi thênh thang. Do đó để xe mô tô “bon chen” cùng xe ô tô trong điều kiện đường xá như vậy chẳng khác nào “đẩy” người đi mô tô vào nguy hiểm.
Xe mô tô hầu hết đều là những chiếc xe "khủng"
Tham gia giao thông thì mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn cho con người. Đề xuất cho xe mô tô đi vào đường cao tốc và làn xe ô tô vẫn còn khá nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
PLO kính mời quý bạn đọc hiến kế để đưa ra một nhận định phù hợp, hành động đúng đắn, đem lại lợi ích cho số đông cộng đồng người tham gia giao thông trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay.