Đó là ý kiến chung của hầu hết bạn đọc gửi về cho Pháp luật TP.HCM, thảo luận xung quanh đề xuất nên hay không cho phép xe mô tô chạy vào đường cao tốc.
Đường xá không đảm bảo
Phần lớn bạn đọc đều nhìn nhận thực tế này. Cơ sở hạ tầng của giao thông tại Việt Nam còn hạn chế. Dù đã có khoảng 400 km đường cao tốc, tuy nhiên chất lượng của những cung đường này chưa so sánh được với đường cao tốc ở các nước tiên tiến.
Độc giả Chung Trầnchia sẻ: “Trên đường cao tốc chỉ cần 1 viên đá nhỏ hay một chai nước, thỉnh thoảng còn có thú hoang, chó, mèo… bị vứt đi cũng đủ lấy tính mạng của người trên mô tô rồi, chưa kể có thể gây tai nạn liên hoàn cho các phương tiện khác. Nhu cầu là có thật nhưng xét ở điều kiện cơ sở hạ tầng và an toàn giao thông ở Việt Nam thì hoàn toàn chưa phù hợp”.
Đường cao tốc chỉ dành cho các loại xe ô tô
Hơn nữa, một điều thấy rõ ngay từ bây giờ là đường cao tốc hiện tại chỉ có hai làn xe, còn khá chật hẹp. Nếu “nhét” thêm mô tô, loại xe có tốc độ ngang ngửa ô tô nhưng lại linh động vượt trội trong việc….lạng lách thì hậu quả thật khôn lường.
Bạn đọc Minh Vunói việc này không khác gì đùa với tính mạng: “Mình đồng tình cấm mô tô đi vào cao tốc. Sự thật mô tô rất khó xử lý tình huống khi đã chạy trên 100km/h trong khi đường cao tốc ở Việt Nam cũng có chỗ không phẳng, như quốc lộ 1A vậy thôi, như vậy là đùa với tính mạng”.
Ngoài Minh Vũ, nhiều bạn đọc khác như Hoành Tráng, Hung Nguyen, Lưu Quang Hiệp cũng đều tỏ ra lo ngại những tay đua “kiệt xuất” khi được “thả” vào môi trường phù hợp nhưng chưa đủ chất sẽ “gây họa”.
Xe mô tô ở Việt Nam chưa được phân loại và bằng lái chỉ có một cấp là A2 cho tất cả các loại xe từ vài trăm đến cả ngàn phân khối khiến người ta lo ngại
Bạn Thanh Mainói rõ: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài chứ? Việt Nam còn nghèo, đường nhỏ nên phải chạy chậm là đương nhiên để đảm bảo an toàn cho số đông. Biết điều kiện đường sá như thế mà vẫn nhập xe tốc độ cao về thì phải tự điều chỉnh”.
Nguy cơ tai nạn liên hoàn
“Không thể cho mô tô chạy vào đường cao tốc trong tình hình liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng như hiện nay. Chỉ có hai làn xe, ô tô chạy với nhau thôi mà đã ko thấy an toàn chút nào rồi, tai nạn nghiêm trọng vẫn cứ xảy ra do đứt thắng, mất kiểm soát, ko làm chủ tốc độ v.v... Giờ thêm "anh" mô tô loi nhoi lượn tới lượn lui trên đường cao tốc chật hẹp như thế nữa thì đúng là ác mộng, tai nạn không biết sẽ đến đâu nữa”, ý kiến của bạn đọc Hoành Trángđược rất nhiều người đồng tình.
Một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên đường dẫn vào cao tốc TP HCM - Trung Lươnghồi tháng 12-2014
Vì sao vấn đề “tai nạn liên hoàn” lại được nhấn mạnh như vậy? Lý do là bởi cao tốc là con đường dành cho các loại xe có tốc độ cao lưu thông. Những đoạn giao cắt rất hiếm hoi mà chủ yếu là đường trường kéo dài, vì vậy tốc độ xe chạy trong cao tốc có thể nói là chóng mặt. Nếu có bất kỳ sự cố nào phía trước, các xe phía sau rất khó có thể tránh né và đều “chịu trận” là đương nhiên. Đó cũng là lý do những vụ tai nạn nếu xảy ra trên cao tốc thì mức độ thảm khốc rất cao.
Trong cao tốc hiện tại chỉ có một chủng loại xe chạy đó là ô tô, nhìn chung sẽ có tốc độ, cách chạy tương tự nhau, đảm bảo sự đồng bộ nhất định, đảm bảo phần nào an toàn cho người tham gia giao thông. Nhưng nếu lọt một chiếc xe khác hẳn, là mô tô, với cách di chuyển linh hoạt, kinh nghiệm người lái còn là dấu hỏi thì sẽ gây khó cho cả đôi bên.
Mô tô tông xe máy đã...tan nát như thế này đây
Đó là cơ sở để độc giả levinh đưa kiến nghị: “Có 2 vấn đề cần lầm rõ: Phân loại và giới hạn rõ mô tô nào được vào cao tốc. Hai là, có làn riêng cho mô tô không? Cho mô tô chạy chung với xe hơi chỉ một sự cố nhỏ, mất lái, tự té là gây tai nạn hàng loạt và nghiêm trọng”.
*
* *
Có rất ít bạn đọc ủng hộ phương án cho phép xe mô tô. Trong đó có ý kiến của bạn ThaoNguyen: “Nên cho vì môtô có phân khối lớn mà để chạy trên những con đường nhỏ hẹp hiện tại thì quá phí. Ai sở hữu môtô đều phải có bằng lái và kỹ năng riêng mà không phải như 2 bánh nào cũng có”.
Một bạn đọc khác có tên Cúc Cu dè dặt đề xuất nên cho xe mô-tô chạy trên đường cao tốc, nhưng mà phải có làn riêng dành cho các loại xe đó. Một ý kiến khác đáng chú ý là để đáp ứng phần nào mong mỏi của người sử dụng xe mô tô, trước mắt có thể cho các xecó phân khối lớn từ 250cc hoặc 450cc... vào cao tốc để đảm bảo tốc độ dòng xe.
Có thể thấy những ý kiến đồng tình rất hiếm hoi và có căn cứ lỏng lẻo, chưa đủ thuyết phục bởi bằng cấp là một chuyện, va chạm thực tế là chuyện khác. Vả lại, duy nhất một loại bằng A2 "bao sô" cho tất cả các loại xe mô tô từ lớn đến nhỏ cũng là vấn đề cần bàn thêm.
Như vậy, nhận định chung của số đông độc giả nổi lên rất rõ là nếu cho phép mô tô vào cao tốc thì tình trạng tai nạn giao thông sẽ càng nhiều và nghiêm trọng hơn.
An toàn cho người lái chính là nỗi lo lớn nhất
Dựa trên những phân tích khá chặt lẽ và hợp lý đã nêu, có thể thấy rõ đề xuất này chưa thể áp dụng ở thời điểm hiện tại vì những hạn chế hiện hữu hiển nhiên cả về cơ sở hạ tầng lẫn ý thức, trình độ của người tham gia giao thông ở Việt Nam.
Trước khi có những quy định chặt chẽ hơn, phân chia các loại xe mô tô theo từng nhóm phân khối, lứa tuổi phù hợp và xếp loại bằng lái, người lái xe mô tô có lẽ đành phải đợi.