Mô tô vào cao tốc: Vướng luật, dễ 'chết'

Trong buổi tọa đàm do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp tổ chức mới đây, một thành viên Câu lạc bộ Harley HOG tại Sài Gòn (Saigon HOG) đặt vấn đề: Nên chăng “mở cửa” để mô tô phân khối lớn (tạm gọi tắt là mô tô) được chạy chung làn với ô tô và đi vào đường cao tốc.

Nghe có lý…

Nhiều người chơi mô tô cho rằng để mô tô chạy trong làn đường xe máy (tốc độ khống chế 40 km/giờ) là không đúng thiết kế, dẫn tới hao nhiên liệu và dễ hư máy móc. “Mô tô không thể chạy 30-40 km/giờ liên tục như xe máy bình thường do máy rất nóng, hệ thống sẽ tự động tắt. Việc chạy tốc độ chậm còn khiến xe không sạc đủ điện, dễ dẫn tới hư hỏng...” - ông G., một người chơi mô tô, cho biết.

Còn ông Phạm Mạnh Luân, thành viên Câu lạc bộ Saigon HOG, cho rằng việc mô tô chạy cùng làn đường với xe hai bánh thông thường dễ gây nguy hiểm cho người khác vì loại xe này có tốc độ lớn. Vì thế cho mô tô được chạy chung làn với ô tô và chạy vào đường cao tốc là phù hợp.

Thượng tá Trần Hữu Toán - Phó Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát Cục CSGT (Bộ Công an) chia sẻ điều này khi cho biết một số nước có cho phép mô tô chạy vào làn đường ô tô. Còn nước ta, mô tô phân khối lớn vẫn phải chạy chung với làn xe hai bánh, làn xe hỗn hợp gây ra nhiều hệ lụy.

Xe mô tô phân khối lớn diễu hành trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trước khi hơn 50 km tuyến cao tốc này thông xe. Ảnh: MP

… nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Anh Ngô Nguyễn Anh Tuấn (người chuyên biểu diễn những kỹ năng khó trên mô tô, loại xe anh thường biểu diễn 600-1.000 cc) bày tỏ lo ngại đối với việc sở hữu mô tô hiện nay quá dễ dàng. Nhiều người trẻ tuổi hễ có tiền là sắm được mô tô. “Hầu hết người chơi mô tô đều đam mê tốc độ, nhiều bạn trẻ có máu hiếu thắng nên khi bị khống chế tốc độ thì lại nẹt pô inh ỏi gây bức xúc cho người đi đường. Vậy nhưng đa phần họ thiếu kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống nên nếu cho chạy vào cao tốc sẽ rất dễ gây tai nạn” - anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, nếu mới bắt đầu chơi mô tô thì việc ngồi lên chiếc xe 250 cc đã thấy rất nguy hiểm. “Chuyển từ xe SH, Dylan qua chiếc CBR 250 cc hoàn toàn không dễ dàng. Cho nên mới làm quen mà chạy ngay xe cả ngàn phân khối thì chẳng khác nào điều khiển một con… khủng long. Đòi hỏi quan trọng là người lái phải có kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn trước các tình huống bất ngờ. Chạy mô tô cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ga - côn - thắng - trả số chứ không chỉ tăng giảm ga - đạp thắng như xe máy thông thường. Chỉ một động tác sai sẽ dẫn đến trượt bánh, gây tai nạn ngay” - anh Tuấn cảnh báo.

Tương tự, TS Phạm Sanh cho rằng hầu hết cao tốc ở Việt Nam chỉ có hai làn xe. Đối với một số tuyến cao tốc như cao tốc Trung Lương có bốn làn xe nhưng việc ô tô tránh nhau khi đang chạy tốc độ 100 km/giờ đã rất khó chịu. Do vậy, nếu cho phép mô tô vào cao tốc chẳng khác nào “đẩy” người đi mô tô vào nguy hiểm.

Nâng kỹ năng kiểm soát mô tô

Hiện nay Luật Giao thông đường bộ cấm mô tô, xe máy và xe thô sơ lưu thông vào cao tốc. Người vi phạm bị phạt 200.000-400.000 đồng (Điều 6 Nghị định 171/2013) và nếu gây tai nạn còn bị tước bằng lái hai tháng. Ngoài ra, tiêu chuẩn Việt Nam cũng xác định cao tốc là loại đường chuyên dùng cho ô tô. Do vậy, “muốn cho mô tô vào cao tốc thì phải sửa đổi nhiều quy định, kể cả hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn…” - TS Phạm Sanh nói.

Tuy nhiên, TS Sanh cho rằng lúc này chưa nên bàn đến việc sửa quy định, thay đổi tiêu chuẩn mà cần có biện pháp quản lý, cấp bằng lái phù hợp hơn. “Ở nước ngoài mô tô được phân thành nhiều hạng và tương ứng với đó là độ tuổi, thời gian chạy chứ không phải như Việt Nam cứ trên 175 cc là gọi chung thành mô tô phân khối lớn. Điều này dẫn tới việc người cứ đủ 18 tuổi là có quyền thi lấy bằng A2 và chạy xe đến cả ngàn phân khối” - TS Sanh phân tích.

Tương tự, anh Tuấn cũng cho rằng một số nước khống chế phân khối xe mô tô đối với người bắt đầu chạy. Sau một thời gian người lái không gây tai nạn, không vi phạm một số lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn mới được nâng hạng. “Hiện nay Việt Nam không làm vậy và khi sát hạch cấp bằng lái cũng không kiểm tra các kỹ năng quan trọng đảm bảo an toàn, nhất là kỹ năng dừng xe an toàn (tương ứng với mỗi tốc độ có khoảng thời gian, quãng đường tối đa thắng, dừng xe mà không gây tai nạn). Nếu làm tốt điều này thì sẽ góp phần tăng cao khả năng lái, kỹ năng kiểm soát chiếc xe mô tô trên đường” - anh Tuấn nói.

Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia:

Không khéo cao tốc thành đường làng

Luật Giao thông đường bộ cấm mô tô (kể cả phân khối lớn), xe máy đi vào đường cao tốc. Theo quy định, mô tô là loại từ 50 cc trở lên nên nếu chấp nhận xe mô tô đi vào đường cao tốc thì đường cao tốc sẽ trở thành đường làng.

Thế nhưng trên thực tế, việc mô tô phân khối lớn chạy chung với làn xe hỗn hợp có nhiều bất cập, lại gây khó chịu cho người dân nên cần có quy định phù hợp với loại xe này. Do vậy, theo tôi cần có nghiên cứu cụ thể để đánh giá đề xuất cho mô tô vào đường cao tốc có hợp lý hay không. Chúng tôi sẽ ghi nhận toàn bộ các ý kiến đóng góp để chuyển đến các cơ quan liên quan nghiên cứu.

VIẾT LONG

________________________________

Ô tô là ô tô, mô tô là mô tô nên không thể lẫn lộn được. Nếu cho mô tô phân khối lớn vào làn xe ô tô, chạy vào cao tốc thì khối người đi xe máy thông thường sẽ hùa theo, lúc đó giao thông càng rối.

PHẠM VĂN LONG, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Cho mô tô chạy chung với ô tô chỉ làm khổ những người đi ô tô thôi. Xe ô tô vô cao tốc để né mô tô, giờ lại đòi đi chung là sao? Muốn vô cao tốc thì mua xe bốn bánh đi, khỏi phải xin xỏ.

ĐOÀN ÁI NỮ, quận 1, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm