Ngày 28-6, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Những điểm tiến bộ về quyền bào chữa trong BLTTHS 2015” với khách mời là Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), luật sư (LS) Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) và LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Văn phòng LS Tri Ân, Đồng Nai).
Người bào chữa và quyền thu thập chứng cứ
Theo ba chuyên gia, BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) có những điểm mới tiến bộ về quyền bào chữa của LS, tạo điều kiện thuận lợi cho LS hành nghề nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị buộc tội.
Đáng chú ý, BLTTHS 2015 cho phép người bào chữa, trong đó có LS thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu thập chứng cứ (Điều 73 và Điều 88). Theo LS Phạm Công Hùng, nếu việc thu thập chứng cứ của người bào chữa được thực hiện đúng theo quy định của BLTTHS 2015 thì chứng cứ này được coi là hợp pháp và có giá trị chứng minh.
Từ đó người bào chữa được quyền hỏi và tranh luận để làm rõ các chứng cứ, kể cả chứng cứ do người bào chữa thu thập. Khi xét xử, HĐXX phải ghi nhận đầy đủ ý kiến tranh luận để đánh giá khách quan, toàn diện vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của người bào chữa hoặc những người tham gia phiên tòa thì HĐXX phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án. Nếu không được HĐXX chấp nhận thì người bào chữa có thể kháng cáo (nếu chứng cứ đó được nêu ra tại phiên tòa sơ thẩm) hoặc có thể kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm (nếu các chứng cứ đó được nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm).
Bạn đọc đặt vấn đề: Có nên quy định chế tài đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối, không hợp tác khi người bào chữa thu thập chứng cứ mà không có lý do chính đáng hay không? Thẩm phán Vũ Phi Long cho rằng chế tài là cần thiết nhưng cần phải cân nhắc vì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Theo Thẩm phán Long, khi người bào chữa không thu thập được chứng cứ nhưng có nguồn chứng cứ để chứng minh việc buộc tội, gỡ tội thì có thể nêu lên tại phiên tòa và yêu cầu làm rõ sự thật qua các tài liệu, chứng cứ mà LS đã chỉ ra. Trong trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan không hợp tác thì HĐXX sẽ phải đánh giá nguồn chứng cứ mà người bào chữa đã nêu.
Thẩm phán Vũ Phi Long (trái), luật sư Phạm Công Hùng (giữa) và luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Xuân Huy
Bào chữa xuyên suốt quá trình tố tụng
Một bạn đọc khác hỏi: BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có quyền được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của bộ luật này. Vậy trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không báo trước cho người bào chữa thì có xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng hay không? Thẩm phán Vũ Phi Long khẳng định đó là vi phạm tố tụng nghiêm trọng nếu nó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Bên cạnh đó, một điểm mới được các chuyên gia đánh giá rất cao là BLTTHS 2015 đã bãi bỏ rào cản mang tính thủ tục hành chính là bỏ việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, thay bằng thủ tục đăng ký bào chữa.
Cụ thể, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đầy đủ giấy tờ hợp lệ (bản sao thẻ LS có chứng thực, giấy yêu cầu LS của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội…), cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa theo luật thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Các công việc này là trách nhiệm phải làm của cơ quan tố tụng.
Đặc biệt, văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ một số trường hợp luật định.
LS Trần Cao Đại Kỳ Quân đánh giá quy định mới này đã tạo thuận lợi cho công việc của người bào chữa và cả những người tiến hành tố tụng, đồng thời giúp người bị buộc tội hay gia đình của họ dễ dàng nhờ được người bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị buộc tội.
Người bị bắt ‘nói như phim Mỹ’ được không? Một bạn đọc hỏi: “Khi bị bắt về bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào, người bị bắt trong phim Mỹ đều nói: “Tôi muốn nói chuyện với LS của tôi trước”. Ở Việt Nam, sau ngày 1-7 tới thì người bị bắt có thể nói như vậy được hay không?”. Theo LS Phạm Công Hùng, BLTTHS 2015 quy định người bị bắt có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc mình phải nhận tội; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa... Trong trường hợp người bị bắt có yêu cầu người bào chữa thì chỉ trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu, cơ quan quản lý người bị bắt phải chuyển ngay đơn cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ... Các quy định này là rất chặt chẽ và nhân văn. Một bạn đọc khác phản ánh có những vụ án tòa triệu tập người bào chữa tham gia phiên xử quá gấp khiến người bào chữa khó chuẩn bị kịp. Theo Thẩm phán Vũ Phi Long, nếu thời gian không đủ để chuẩn bị việc bào chữa thì người bào chữa có quyền yêu cầu dời phiên tòa theo đúng thời hạn luật định. Tuy nhiên, cần lưu ý các cơ quan tố tụng phải bảo đảm về thời hạn tố tụng bởi nếu vi phạm, có khả năng sẽ bị hủy án nếu người tham gia tố tụng khiếu nại về vi phạm này. Về chuyện này, LS Phạm Công Hùng cũng chia sẻ: “Khó tránh khỏi những nhận thức và hành động khác nhau của một số người tiến hành tố tụng trong quá trình thực thi công vụ. Do đó cần có sự tranh luận, đấu tranh để mọi người hiểu và thực thi đúng quy định của BLTTHS”. Luật sư cho người bị bắt Có bạn đọc thắc mắc: Theo BLTTHS 2015 thì người bị bắt trong trường hợp khẩn cũng được bảo đảm quyền bào chữa. Tuy nhiên, trên thực tế tư cách người bị bắt chỉ tồn tại trong 24 giờ sau khi bắt, sau đó họ sẽ chuyển sang là người bị tạm giữ hoặc được tại ngoại. Người bị bắt có thể là người chưa thành niên nhưng nhiều trường hợp, cơ quan tố tụng chưa thể xác định được ngay nên nếu không có người bào chữa cho người bị bắt trong giai đoạn này thì có xem là vi phạm tố tụng hay không? LS Trần Cao Đại Kỳ Quân cho rằng nếu người bào chữa chưa kịp thời có mặt trong vòng 24 tiếng thì cũng không vi phạm tố tụng vì thời gian này không đủ làm thủ tục đăng ký bào chữa; cơ quan tố tụng chưa thể xác định được ngay độ tuổi chính xác của người bị bắt. Người bào chữa có thể tham gia trong các giai đoạn tiếp theo của vụ án. |