Ngay trong ngày 22-3, ngày đầu tiên áp thuế tự vệ tạm thời do Bộ Công Thương ban hành, giá thép bán lẻ trên thị trường tiếp tục tăng thêm 200.000-300.000 đồng/tấn so với ngày trước đó. Nếu so với hơn hai tuần trước thì đến nay giá mỗi tấn thép đã tăng khoảng 20%, tương ứng với mức tăng từ 800.000 đến 2 triệu đồng.
Do giá thép tăng đột biến nên người mua nhà, làm nhà cũng như các công ty thuộc lĩnh vực xây dựng, bất động sản (BĐS) đang như ngồi trên đống lửa.
Giá thép liên tục nhảy múa
Chúng tôi hỏi giá thép tại một đại lý trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM. Ông Tuấn, chủ đại lý, cho biết giá thép tăng theo từng ngày vì hàng về rất hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Giá thép cuộn Pomina ngày 22-3 đã nhảy lên mức 12,8 triệu đồng/tấn, còn thép cuộn Việt Nhật đã vượt qua con số 13 triệu đồng/tấn.
“Giá thép có thể còn tăng nữa vì Bộ Công Thương áp thuế để bảo vệ các nhà máy thép trong nước khiến thép nhập khẩu giảm mạnh. Đại lý nào cũng tăng nên tôi tăng theo” - chủ đại lý này nói.
Khảo sát nhiều đại lý sắt, thép khác tại TP.HCM, chúng tôi thấy giá bán còn cao hơn đại lý trên nhiều. Anh Quỳnh, chủ đại lý thép trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, cho hay thép hút hàng mạnh trong mấy ngày qua, lấy hàng về bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Hồi đầu tháng 3, giá thép cuộn chào bán tại đại lý này gần 11 triệu đồng/tấn, thép cây 10,5 triệu đồng/tấn nhưng nay tăng lên 13,5 triệu đồng/tấn.
Lý giải về mức giá cao ngất này, anh Quỳnh nói: “Người mua thì nhiều trong khi lượng thép nhập về ít nên đại lý nào cũng tăng giá. Chưa biết sắp tới có đủ thép để bán hay không”. Như vậy có thể nhận thấy xu hướng giá thép tăng chưa dừng lại.
Giá thép tăng từng ngày sau quyết định áp dụng thuế tự vệ. Ảnh: HTD
Người mua nhà lo lắng
Anh Minh Trung, nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), thông tin anh mua một căn hộ tại một dự án đang xây phần móng ở quận 9, TP.HCM. Anh đã trả trước được 30% giá trị căn hộ, thanh toán tiếp nhiều đợt theo tiến độ dự án.
“Lo lắng giá nhà tăng theo giá thép nên tôi gọi điện thoại hỏi thì chủ đầu tư trả lời hiện tại chưa tính đến chuyện có tăng giá căn hộ hay không. Chủ đầu tư nói vậy nhưng tôi rất lo lắng vì một vài người bạn của tôi đang xây nhà, chi phí bỏ ra đã tăng lên nhiều so với dự kiến ban đầu do giá thép tăng” - anh Trung chia sẻ.
Là chủ đầu tư của nhiều dự án BĐS, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát, cho hay: “Các nhà thầu thường không ký hợp đồng với chủ đầu tư một mức giá thép cố định mà theo giá thị trường. Giả sử giá thép tăng hơn 12%, công ty có thể sẽ phải điều chỉnh giá bán căn hộ tăng 1%-2% trong thời gian tới. Tuy vậy, chúng tôi sẽ cố san sẻ khó khăn với khách hàng bằng giải pháp giảm lợi nhuận”.
Đại diện một công ty xây dựng lớn tại TP.HCM tính toán thép và xi măng thường chiếm khoảng 30%-40% cấu thành giá sản phẩm. Do đó giá thép tăng đột biến chắc chắn sẽ đẩy giá nhà tăng, đồng thời làm vỡ kế hoạch kinh doanh, thậm chí gây lỗ nặng cho nhà đầu tư.
“Không chỉ vậy, hiện nay mua thép rất khó khăn, dẫn đến trễ tiến độ thi công, phát sinh chi phí, kéo dài tiến độ và bị chủ đầu tư phạt do trễ tiến độ. Giá thép tăng đột ngột còn dẫn đến tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường thép, tạo sự khan hiếm” - đại diện công ty này bức xúc.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhận định giá thép tăng tác động đến giá thành, từ đó đẩy giá bán nhà tăng và khi đó người mua nhà lãnh đủ. Với mức tăng của giá thép như những ngày qua, theo tính toán của ông Châu, giá BĐS sẽ tăng khoảng 5% và có thể cao hơn nếu giá thép tiếp tục đi lên. Ví dụ, theo dự toán ban đầu, giá một căn hộ 2 tỉ đồng, tới đây có thể tăng thêm 100 triệu đồng do giá thép tăng.
Té nước theo mưa, thổi giá
“Chính sách áp thuế tự vệ tạm thời chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu nhằm bảo vệ các công ty sản xuất thép trong nước. Đáng lẽ các công ty thép trong nước nhân cơ hội này để tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh. Thế nhưng các đơn vị kinh doanh thép lại thi nhau “té nước theo mưa” thổi giá thép lên từng ngày; lợi dụng số lượng thép nhập khẩu giảm để gây sức ép tăng giá nhằm trục lợi trên chính sách, gây khó khăn cho nhiều đối tượng” - ông Châu nhấn mạnh.
Ông Châu cũng cho hay hiệp hội sẽ đề nghị cơ quan quản lý ổn định giá thép, ổn định thị trường xây dựng, tránh hiện tượng găm hàng đầu cơ trục lợi như thời gian gần đây.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết đã khuyến cáo các thành viên trong hiệp hội cần giữ giá bán bình ổn thị trường, đồng thời tăng cường sản xuất đảm bảo nhu cầu tiêu thụ. Các đơn vị sản xuất thép đều cam kết giá thép từ nhà máy xuất ra khoảng 10,4-10,6 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, thực tế trên thị trường, các đại lý và cửa hàng bán lẻ đẩy giá thép lên cao, thiệt hại cho người tiêu dùng; có một số kẻ đầu cơ găm hàng đẩy giá thép lên cao để hưởng lợi. Nhưng hiện tượng này sẽ không kéo dài do nguồn cung trong nước đủ đáp ứng thị trường.
“Do đó người tiêu dùng cần phải tỉnh táo lựa chọn, không bị mắc bẫy nhà đầu cơ, mua phải hàng giá cao” - ông Sưa khuyến cáo.
Phải có biện pháp ổn định thị trường Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng thép nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 22-3. Theo đó, mức thuế tạm thời đối với phôi thép là 23,3%, thép dài (thép cuộn và thanh) 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Trước đó, thuế nhập khẩu đối với phôi thép 10%, thép dài 0%-5%. Ngay sau khi có quyết định trên, giá thép tăng đột biến và thị trường có hiện tượng găm hàng, đầu cơ. Lý giải về điều này, Bộ Công Thương cho rằng đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường. Bộ cũng có công văn gửi Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị hiệp hội phối hợp với các thành viên theo dõi giá phôi thép, thép dài và có biện pháp ổn định tình hình thị trường, kịp thời thông báo cho Bộ. Theo ông Lê Hoàng Châu, nếu các công ty BĐS đang triển khai dự án chủ động được nguồn vật liệu xây dựng thì có thể không tăng giá nhà. Nhưng chắc chắn họ sẽ phải tăng giá bán các dự án BĐS tiếp theo vì đây là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất của việc giá thép “nhảy múa”. |