Nóng trong tuần

Thi lý thuyết ô tô “bao đậu”: Hãy nghĩ đến hậu quả về sau

(PLO)- Nhiều bạn đọc cho rằng “dịch vụ bao đậu” phần lý thuyết trong sát hạch lái xe là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cần phải xử lý thật nghiêm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, loạt bài điều traChiêu trò gian lận thi lý thuyết ô tô” do PV báo Pháp Luật TP.HCMthực hiện đã xâm nhập thực tế, tiếp cận được nhiều người ở TP.HCM, Đồng Nai nhận lo “dịch vụ bao đậu” phần lý thuyết trong sát hạch lái xe nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Sau khi loạt bài điều tra được đăng tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành về việc quản lý chặt chẽ công tác đào tạo và cấp, đổi giấy phép lái xe.

Nhiều bạn đọc cho rằng “dịch vụ bao đậu” phần lý thuyết trong sát hạch lái xe và hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị công nghệ để gian lận là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, phải xử lý thật nghiêm. Đồng thời, bạn đọc nêu ý kiến đã không học được lý thuyết thì không nên lấy bằng, bởi nếu không có kiến thức thì không thể xử lý tình huống khi lái xe, dễ gây tai nạn.

Phải xử nghiêm cán bộ làm sai

“Khi tham gia giao thông, ngoài việc biết lái xe thì tài xế còn phải biết những quy định pháp luật liên quan. Vì thế, người lái xe phải có ý thức học hành nghiêm túc để có kiến thức xử lý tình huống sau này. Người dạy lái xe cũng như một người thầy, phải có trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho học viên. Vậy mà không quản lý, không kiểm soát mà tiếp tay cho sự gian lận là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không thể chấp nhận được. Rất mong các cơ quan điều tra và xử lý thật nghiêm để sớm dẹp kiểu làm ăn gian lận này” - bạn đọc Minh Công.

Loạt bài điều tra được đăng tải trênbáoPháp Luật TP.HCM.

Loạt bài điều tra được đăng tải trênbáoPháp Luật TP.HCM.

“Thông tin bài báo có chi tiết việc cò rao giá “bao đậu” bằng việc giám thị nhắc bài thì giá 12 triệu đồng, còn sử dụng thiết bị công nghệ thì có giá 14 triệu đồng. Qua một kỳ thi sát hạch, những người này có thể thu về số tiền không phải nhỏ. Để việc thi gian lận kiểu này trót lọt, phải có sự tiếp sức của người bên trong chứ không thể người bên ngoài mà làm được. Muốn rõ ràng, minh bạch trong việc xử lý tình trạng này, cơ quan công an nên vào cuộc điều tra nhằm mang lại sự trong sạch cho những trung tâm khác” - bạn đọc Văn Cường.

“Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra chỉ vì tài xế không xử lý tình huống tốt. Chất lượng đào tạo cũng là một lý do. Vì thế, nếu chất lượng sát hạch không được đảm bảo thì dễ gây hậu quả về sau” - bạn đọc Hạnh Nhân.

Muốn lái xe an toàn, đừng thi “bao đậu”

“Điều khiển xe mà không nắm luật thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Hãy cứ tưởng tượng tài xế “bao đậu” không cần học lý thuyết thì làm sao nắm được hết những biển báo trên đường. Nếu chạy sai quy định thì sẽ ảnh hưởng đến những xe lưu thông khác” - bạn đọc Mạnh Hùng.

Cũng theo bạn đọc Nguyễn Văn Nam: “Tôi là người không thông minh, trình độ học vấn cũng không cao và tôi cũng rất ngại chuyện học hành. Thế nhưng khi quyết định lấy bằng lái xe, tôi quyết tâm học hành đàng hoàng chứ không có ý định phải “bao đậu” gì cả. Bởi theo tôi, học là giúp cho mình có kiến thức để áp dụng khi lái xe cho an toàn. Hơn nữa, tôi thấy việc học lý thuyết cũng không quá khó, chỉ cần bỏ ra vài ngày để học là có thể nhớ được những kiến thức cơ bản”.

“Chỉ những người lười học mới chịu bỏ ra một số tiền để được “bao đậu”. Những người không học hành nghiêm túc thì khi lái xe, ý thức tham gia giao thông cũng không cao. Vì thế, muốn an toàn cho mình và cho người khác thì những người đang có ý định học lái xe hãy bỏ ngay cách học “bao đậu” đi” - bạn đọc Nguyễn Hoàng.

Hậu quả khôn lường khi thi lái ô tô “bao đậu”

Tôi cho rằng pháp luật hiện nay đã quy định rất chặt chẽ về việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe.

Do đó, việc gian lận trong đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe trong thời gian qua mà báo Pháp Luật TP.HCM có nêu sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Hậu quả không chỉ riêng ở người được cấp bằng, người điều khiển phương tiện, mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ.

Việc không nắm vững các quy định của pháp luật, cũng như không có kỹ thuật khi học bằng lái, dẫn đến khi được công nhận kết quả sát hạch, được cấp bằng lái xe thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không có kiến thức pháp luật.

Việc nhận đào tạo lái xe là một nghề đặc biệt, các cơ sở đào tạo, sát hạch bằng lái xe phải chú trọng việc này và tránh trường hợp gian lận trong quá trình đào tạo và sát hạch bằng lái xe diễn ra trong thời gian tới.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, từ việc nộp hồ sơ ban đầu để tham gia đào tạo, sát hạch bằng lái xe đã được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Do đó, người nào không thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì hành vi này là phạm pháp.

Dưới góc độ pháp lý, đối với những người thực hiện hành vi tổ chức thi “bao đậu” có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…, quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Theo đó, mức phạt có thể lên đến bảy năm tù.

Đối với một số người phải đi học, nộp hồ sơ thi nhưng đưa hối lộ cho những người có chức vụ, quyền hạn, những người tham gia sát hạch để mong được “bao đậu” thì có thể cấu thành tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp một số đối tượng “cò” hoặc thầy giáo dạy móc nối, môi giới với các cơ sở đào tạo để thực hiện việc tạo điều kiện cho học viên đi thi để đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn, cụ thể ở đây là những người sát hạch bằng lái xe, để “bao đậu”, hành vi này có thể cấu thành tội môi giới hối lộ quy định tại Điều 365 BLHS. Hành vi này có thể bị phạt tù tối đa lên đến 15 năm.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC THẮNG Ý,ĐoànLuật sưTP.HCM

DƯƠNG HOÀNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm