Thí sinh được đặc cách tốt nghiệp sốt sắng tìm suất vào đại học

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có khoảng 10.000 thí sinh (TS) được đặc cách tốt nghiệp vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là giải pháp phù hợp nhưng đồng nghĩa với cơ hội xét tuyển đại học (ĐH) của các em bị thu hẹp khi hầu hết trường ĐH đã gần như hoàn tất xét tuyển theo các phương thức riêng, chỉ còn chờ xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 vừa qua tại TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Được đặc cách, vừa mừng vừa lo

Là một trong hơn 3.200 TS được đặc cách tốt nghiệp ở TP.HCM, Nguyễn Ngọc Yến Vy (Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận 6) cảm thấy yên tâm khi không phải đi thi trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, nhà em cũng đang bị phong tỏa và thuộc diện F2.

Vy cho hay em đã đăng ký xét học bạ và nhận kết quả trúng tuyển của hai trường ĐH. Tuy nhiên, mong muốn của em là dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ngành sư phạm địa lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. “Em hy vọng các trường ĐH có thể mở rộng thêm phương thức xét tuyển để tạo điều kiện cho TS đặc cách cũng như phù hơp với tình hình dịch bệnh hiện nay” - Vy nói.

Tương tự, em Lê Huỳnh Bảo Ngọc (Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4) cũng không thể dự thi đợt 1 vì nhà bị phong tỏa. Theo Bảo Ngọc, em đã trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ vào một trường ĐH tư thục. Nhưng đây là phương án dự trù bởi nguyện vọng của em là dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ngành quan hệ công chúng của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM).

“Em mong dịch ổn để ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 2. Khi đó, em sẽ tham dự để tăng thêm cơ hội vào học tại ngôi trường ĐH mà mình mơ ước” - Ngọc cho biết.

Trong khi đó, NT - học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) lại vừa mừng vừa lo vì trước giờ chưa đăng ký bất kỳ phương án xét tuyển nào. Em chỉ tập trung ôn tập với mục tiêu dùng điểm thi tốt nghiệp để xét vào trường ĐH mình yêu thích.

“Với tình hình hiện nay, em hy vọng các trường ĐH sẽ có thêm phương thức xét tuyển mới dành riêng cho các TS đặc cách. Hơn nữa, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức thi ĐGNL đợt 2 để tạo thêm cơ hội trúng tuyển ĐH cho chúng em” - T. chia sẻ thêm.

Trường mở cơ hội, trường lúng túng

Thực ra, để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh ĐH-CĐ với TS được đặc cách, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị hai trường ĐH Quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi ĐGNL nhằm tạo thuận lợi để TS có nguyện vọng tham gia.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cơ sở đào tạo điều chỉnh đề án tuyển sinh để xét tuyển đối tượng TS đặc cách này.

Tuy nhiên, đến nay nhiều TS vẫn thấp thỏm lo lắng vì nhiều trường ĐH đã hoàn tất các đợt xét tuyển theo phương thức riêng. Hai trường ĐH quốc gia cũng chưa công bố kế hoạch tổ chức thi ĐGNL đợt 2.

Phía ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết ĐH này vẫn đang xây dựng phương án tổ chức thi ĐGNL đợt 2 và sẽ công bố sau khi kết thúc thi tốt nghiệp đợt 2. Được biết ĐH này sẽ giữ nguyên kế hoạch tổ chức thi ĐGNL đợt 2 nhưng thời gian tổ chức sẽ được thông báo khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát.

Ngoài gần 30.000 TS đã đăng ký dự thi, ĐH này cũng sẽ bổ sung đối tượng là những TS không thể dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, 2 và có nguyện vọng thi ĐGNL.

Đồng thời ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ dành tối thiểu 5% tổng chỉ tiêu để xét tuyển những TS có kết quả ĐGNL đợt 2 và TS chưa trúng tuyển hoặc chưa xác nhận nhập học đợt 1.

Đây cũng là lý do khiến các đơn vị ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn chưa có phương án xét tuyển đối với TS được đặc cách.

Cán bộ tuyển sinh tại một trường thành viên cho biết trường cũng đang nóng ruột chờ phương án chính thức của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài thi ĐGNL đợt 2, các em được đặc cách có thể sẽ được miễn ngưỡng đảm bảo đầu vào cho phương thức 2 là ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM đối với TS được đặc cách.

Còn tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, cũng cho biết với những em được đặc cách tốt nghiệp, trường sẽ dành 4%-5% chỉ tiêu theo các phương thức xét học bạ, ưu tiên xét tuyển và ĐGNL. Thời gian trường nhận hồ sơ đến ngày 15-8.

Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nếu thuộc diện đặc cách tốt nghiệp mà chưa nộp hồ sơ nhập học vì những lý do khách quan, trường sẽ gia hạn đến ngày 5-9. Còn với TS được đặc cách và thi tốt nghiệp đợt 2 mà chưa xét tuyển, trường sẽ tiếp tục nhận hồ sơ đến ngày 30-8 theo phương thức xét học bạ với chỉ tiêu 3%-5%.

Trước đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã quyết định bổ sung thêm 200 chỉ tiêu dành riêng cho TS đặc cách. Cơ sở tuyển sinh sẽ dựa vào kết quả quá trình học tập từng năm lớp 10, 11 và 12.•

Cảnh giác với những khảo sát tuyển sinh sai lệch

Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa đưa ra những cảnh báo đến phụ huynh, TS về những thông tin tuyển sinh sai lệch gây ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, cho biết thời gian gần đây, một số cá nhân đã lập nhóm với tên, logo các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM trên mạng xã hội Facebook, với hàng chục ngàn người theo dõi. Nhóm tự ý đăng tải nhiều thông tin tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh hay nhận định chủ quan về các trường.

Đáng chú ý, mới đây, các nhóm này công bố một kết quả khảo sát điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của TS đăng ký xét tuyển vào các trường kèm các số liệu không được kiểm chứng, không thực hiện đúng các thao tác trong thống kê.

Đại diện quản lý nhóm này cho rằng khảo sát này chỉ để “cho vui”, mang tính tham khảo cho các em. Tuy nhiên, theo ThS Nam, sau khi có công bố khảo sát này, trường đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh, hoang mang từ phụ huynh, TS.

“Nhà trường khẳng định đây là những thống kê hoàn toàn không phản ánh đúng các số liệu về tuyển sinh vốn được quy định rất chặt chẽ về tính bảo mật. Các số liệu sai lệch khi được công bố có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến quá trình tuyển sinh, quá trình chọn nguyện vọng của TS” - ThS Nam nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới