- Xem xét tính công bằng
Theo phân tích của một số chuyên gia, sử dụng thang điểm 20 sẽ có những mặt được và chưa được. Ưu điểm của thang điểm 20 sẽ cho độ chính xác cao hơn, mức điểm rộng hơn, thí sinh dễ đạt điểm trung bình.
Thang điểm 20 được Bộ GD - ĐT đánh giá là có lợi cho thí sinh
TS Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng đào tạo ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, thang điểm 20 là một phương pháp đổi mới trong kiểm tra đánh giá. Và với thang điểm rộng như vậy, sẽ đánh giá được đầy đủ thí sinh hơn.
Đồng ý với quan điểm tính theo thang điểm 20 giúp phân loại học sinh tốt hơn, PGS TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội phân tích: “Với thang điểm 20, bài thi sẽ được chấm chi tiết nên dễ phân loại được thí sinh, tất nhiên, đề thi cũng phải đảm bảo được yếu tố phân loại này. Đồng thời, với thang điểm này, thí sinh dễ đạt được điểm tốt nghiệp hơn”.
“Tuy nhiên, với thang điểm này Bộ GD - ĐT sẽ gặp những khó khăn, cần phải tính toán kỹ hơn khi áp dụng. Cụ thể, trước đây việc ưu tiên và cộng điểm theo các đối tượng để vào đại học đã được tính toán kỹ theo thang điểm 10. Sau nhiều lần chỉnh sửa mới có được bảng ưu tiên cộng điểm xét tuyển chi li như hiện nay. Tuy nhiên, với thang điểm 20, dự kiến tính theo cơ học sẽ nhân 2 các điểm ưu tiên, như vậy sẽ thiếu tính công bằng”, PGS TS Nguyễn Hữu Tú cho biết.
Dẫn chứng về thực tế này, PGS TS Nguyễn Hữu Tú cho biết, bình thường điểm cộng ưu tiên của một thí sinh là 2 điểm, nhưng với thang điểm 20 sẽ được cộng 4 điểm, khi đó, việc so sánh thí sinh này với một thí sinh không được cộng điểm là cả một vấn đề, nhất là những trường top trên. Mặt khác, với một ý trong bài thi trước đây là được ¼ điểm, điểm 20 sẽ được làm tròn lên 0,5 điểm, như vậy, thí sinh sẽ được lợi hơn, đặc biệt với những thí sinh có sức học trung bình.
Cũng theo một số chuyên gia tuyển sinh, với thang điểm 20, Bộ GD - ĐT sẽ rất vất vả trong khâu ra đề và làm đáp án. Theo PGS TS Lê Hữu Lập- Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, việc lấy thang điểm 20 làm cho cách ra đề phức tạp hơn. Cùng với đó, cách chấm chia nhỏ như vậy sẽ có tác dụng với môn thi tự luận, nhưng với những môn thi trắc nghiệm không thể soạn 100 câu (trước đây là 50 câu).
“Số lượng câu nhiều như vậy sẽ gây hoang mang cho học sinh. Bộ GD - ĐT cần làm rõ ý này để học sinh được biết. Bộ GD - ĐT giải thích, việc đưa thang điểm như vậy sẽ giúp chấm chi tiết, chính xác hơn, nhưng liệu khâu ra đề có đáp ứng được chi tiết không lại phải bàn tới, việc chia nhỏ như vậy với môn toán có thể chấm chính xác nhưng với môn văn thì chưa ổn”, PGS.TS Lê Hữu Lập cho biết.
Một số lãnh đạo các trường đại học cho biết, với đề thi có tính phân loại tốt thì dù thang điểm nào cũng không quan trọng. Nhưng trong thực tế hiện nay, nếu khâu ra đề không đáp ứng được, thì thang điểm 20 có thể sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh.
Thí sinh được lợi
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT cho biết: “Kì thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, do đó yêu cầu phân hóa kết quả thi của thí sinh phải được đặt ra cao hơn so với kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Với thang điểm 20 sẽ đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Do trước đây, sử dụng thang điểm 10, chấm đến 0,25, như vậy thang điểm được chia thành 40 mức.
Vì vậy, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian có thể không được tính điểm do chưa đi đến kết quả cuối cùng, vì vậy thí sinh sẽ bị thiệt. Nay cũng chấm đến 0,25 điểm, lúc đó thang điểm được chia thành 80 mức, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian sẽ được tính điểm, như vậy học sinh có lợi hơn”.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, việc mở rộng thang điểm sẽ không ảnh hưởng đến cach làm bài của thí sinh, cũng như đề thi. “Phần khó sẽ thuộc về khâu ra đề, xây dựng hướng dẫn chấm và công tác chấm thi của giáo viên, nhưng vì lợi ích của thí sinh, Bộ sẽ làm tốt công tác tập huấn chấm thi thì những khó khăn nói trên sẽ được vượt qua”, ông Mai Văn Thắng khẳng định.