Thí sinh 'méo mặt' vì đề thi Hóa quá khó


Hai thí sinh tại điểm thi THPT Phan Đăng Lưu đang xem lại bài làm ngay khi vừa ra khỏi phòng thi. Ảnh: Phước Tĩnh

Thí sinh Ngọc Hân ở điểm thi này cho biết, đề thi 50 câu nhưng em chỉ làm chắc chắn 15 câu. Các câu còn lại thì hên xui thôi.

Bạn Ngô Văn Thành, học sinh trường Huỳnh Văn Nhạn (Đồng Nai) cho hay, đề thi năm nay có nhiều câu khó và dài. Các câu dễ có điểm nằm ở phần kiến thức cơ bản, còn lại là những câu rất khó. Với đề này em chỉ làm được 5 điểm.

Vừa bước ra khỏi cổng trường, thí sinh Trần Mỹ Hạnh chia sẻ, đề Hóa năm nay vừa dài vừa khó nên em chỉ làm được khoảng 60%. Có nhiều câu hơi lạ so với phần kiến thức cơ bản.

Hầu hết các thí sinh ở điểm thi THPT Phan Đăng Lưu đều không tự tin với bài làm của mình. Rất ít thí sinh cho là mình làm được điểm 7 hoặc 8.


Thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng

Theo em Nguyễn Thị Liên, điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), năm nay đề thi Hóa có sự phân hóa rõ ràng. Đề thi có 50 câu trắc nghiệm, 40 câu đầu là cơ bản còn 10 câu cuối là phân loại.

Đồng chung với quan điểm đó, em Nguyễn Thị An ở Hà Nội cho rằng đề cơ bản đánh giá đúng và phân loại hoặc sinh. Nếu làm được 40 câu hỏi đầu thì có thể chỉ dừng lại ở tốt nghiệp THPT. Vượt qua 10 câu cuối thì cơ hội vào đại học sẽ mở toang. An tự tin mình được 7 điểm trong môn cuối khối A này.

Tại điểm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhiều thí sinh nhận định đề thi Hoá khó nhất phần Hoá hữu cơ, các phần còn lại nếu chịu nhìn kỹ sẽ làm được.

Phan Đăng Bình, thí sinh tự do tại TP.HCM cho biết: “Phần Hoá hữu cơ mình không làm được, các phần còn lại thì 50/50. Đề có 60% thuộc phần cơ bản, dễ làm".

Bạn Đỗ Thị Minh Thư, học sinh trường THPT Văn Hiến (Long Khánh, Đồng Nai) chia sẻ: “Em làm được khoảng 60%. Cũng giống như các môn trước, đề môn Hoá khá bám sát sách giáo khoa, sắp xếp từ dễ đến khó. 20 câu cuối cực khó. Em ấn tượng nhất câu 39, mã đề 357 - nhìn hiện tượng để tìm ra hợp chấp, vì nó mang tính tổng hợp kiến thức. Nói chung em tự tin với bài làm của mình.”

Đặc biệt tại điểm thi này có rất nhiều tăng ni từ các tỉnh lẻ “lai kinh ứng thí”. Như Ni sư Đỗ Thị Lan (pháp danh An Viên, chùa Phổ Diệu) một mình lặn lội từ Vũng Tàu lên Sài Gòn dự thi. Ni cho biết vì quá ham học, trước kỳ thi cố gắng nhín thời gian tu tập tự ôn luyện để không làm ảnh hưởng đến chùa. Ni nói: “Học hơi yếu, nên thấy đề này rất khó. Cô chỉ làm được 23 câu, 27 câu còn lại đánh lụi. Mà lụi đáp án D hết luôn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới