Bộ GD&ĐT còn “ôm rơm nặng bụng”
Bên cạnh đó, tôi thấy có một số điểm còn băn khoăn. Thứ nhất, một số nơi tập huấn giám thị chưa kỹ lưỡng dẫn đến sai sót không đáng có, khiến 25 thí sinh ở cụm thi ĐH Đà Lạt phải thi lại là một dẫn chứng. Thứ hai, an ninh kỳ thi một số nơi chưa đảm bảo, một số điểm thi có tình trạng thí sinh tự do gây rối khiến giám thị chưa thật yên tâm. Đáng nói hơn, Bộ GD&ĐT “vất vả” quá khi phải tập hợp tất cả điểm thi và độc quyền công bố điểm thi khiến phụ huynh, học sinh (HS) chờ đợi căng thẳng, thông tin nhiều lúc bị nghẽn mạch. Đây là cái “vất vả” tự tạo, Bộ “ôm rơm nặng bụng” nhưng không đáng lo ngại vì có thể khắc phục được.
Vì vừa rồi là kỳ thi “hai trong một” nên đề thi rõ ràng phải chiếu cố để đáp ứng cả hai yêu cầu là công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH-CĐ. Theo tôi, những người ra đề đã rất cố gắng nhưng độ phân hóa vẫn chưa cao nên có thể các trường sẽ khá phân vân trong tuyển sinh.
Qua kết quả tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của cả nước, tôi thấy so với năm ngoái thì kết quả năm nay có sự tiến triển hợp lý hơn. Kết quả năm ngoái khá “lý tưởng”, nếu cứ tổ chức như năm ngoái thì tôi đang lo năm nay sẽ vượt trần 100% và chuyện thi cử sẽ thành trò đùa. Nên năm nay, tỉ lệ đậu tốt nghiệp có giảm đi. Tuy vẫn còn hơi cao so với chất lượng thực nhưng nhìn chung có thể chấp nhận được vì mục đích chủ yếu của kỳ thi này là chứng nhận kết quả học tập 12 năm của các em. Tuy nhiên, dùng kết quả này để xét vào ĐH thì sẽ không ít khó khăn. Nhiều trường có thể phải cần thêm phương án khác để đảm bảo chất lượng đầu vào. Bản thân các thí sinh cũng sẽ lúng túng trong việc chọn trường, ngành học cho phù hợp.
Theo tôi, điều cơ bản còn cân nhắc nhất mà dư luận chưa thấy nhẹ lòng khi kỳ thi kết thúc là có cần thiết phải có một kỳ thi hai trong một như vậy không? Riêng khâu kiểm tra để công nhận tốt nghiệp cho các HS sau 12 năm học, chúng ta có thể làm khác đi và nhẹ nhàng hơn mà vẫn nghiêm túc. Tại sao Bộ phải ôm khâu này trong khi có thể giao cho các địa phương. Các địa phương có thể căn cứ vào kết quả của năm học kỳ (hai học kỳ lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12) và kỳ thi có phần quan trọng hơn là kỳ thi học kỳ II của lớp 12. Nếu các sở GD&ĐT tổ chức và quản lý tốt công việc này, cộng với công tác thanh tra, kiểm tra nghiêm túc từ Bộ thì các địa phương thừa sức làm tốt để các em được công nhận và có được bằng tốt nghiệp xứng đáng.
Để từ đây chúng ta tập trung sức lực tổ chức một kỳ thi đáp ứng cho một yêu cầu, đó là thi ĐH-CĐ. Khâu này giao cho các trường ĐH tổ chức cũng như chịu trách nhiệm vì họ có kinh nghiệm. Phụ huynh, HS có thể chủ động đăng ký thi và việc thi cũng không nhất thiết tổ chức trong cùng một ngày mà có thể rải rác trong thời gian hè, tùy theo từng trường. Cứ thế việc thi cử nhẹ nhàng hơn. Vai trò của Bộ lúc này là ra chủ trương, tiến hành kiểm tra trước, trong và sau khi thi.
Theo tôi, Bộ phải mạnh dạn đổi mới vì những việc Bộ làm trong thời gian qua mới chỉ là đổi mới phần ngọn thôi.
PHẠM ANH ghi
GS-TSKH Đào Trọng Thi:
Quá chú trọng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT
Cũng qua kỳ thi này dư luận vẫn còn băn khoăn về một đề thi có thực hiện được hai mục tiêu hay không. Chúng ta biết thi tốt nghiệp THPT có mức độ, yêu cầu khác thi ĐH. Thi ĐH chủ yếu nhắm vào các em học lực trung bình-khá trở lên. Như vậy để phân loại HS từ trung bình đến xuất sắc thì cần đề thi có đủ câu hỏi phân loại. Bây giờ đề thi chỉ dành 1/3 (30%) thì không thể phân loại được HS để làm cơ sở xét tuyển ĐH. Đề thi năm nay thực chất là ghép chung hai đề thi vào làm một; và thực chất ghép hai cuộc thi làm một, do đó không cuộc thi nào làm tròn nhiệm vụ của mình.
Thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ đậu 90%-95% cao như vậy thì có cần một kỳ thi hay không? Cá nhân tôi vẫn chưa đồng tình bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì một số nhà giáo dục còn băn khoăn học mà không thi thì các em không có động lực học tập. Nhưng chúng ta vẫn tổ chức một kỳ thi mà kỳ thi ấy không cần đến quy mô quốc gia. Kỳ thi ấy có thể làm ở quy mô địa phương, còn trong tương lai phải giao cho các trường THPT tự làm. Như vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT làm một cách nhẹ nhàng và dành toàn bộ kỳ thi như hiện nay chỉ cho mục tiêu xét tuyển vào ĐH-CĐ.
Hiện nay Luật Giáo dục ĐH giao cho các trường được tự chủ, tự tổ chức tuyển sinh. Các trường tự ra đề thi vì mỗi trường đều có đặc thù đào tạo riêng, đầu vào riêng. Còn kỳ thi của Bộ GD&ĐT vẫn có thể tổ chức chung để dành cho các trường không có nhu cầu tuyển sinh riêng, không có đặc thù riêng và họ chấp nhận tuyển HS có mức điểm sàn sàn từ trung bình đến khá.
Điều quan trọng là việc tuyển sinh không tạo ra áp lực, tốn kém, bức xúc trong xã hội như hiện nay.
PHONG ĐIỀN ghi
Thí sinh 60 tuổi xin phúc khảo ba môn Ông Lê Tuấn Anh, thí sinh 60 tuổi (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết không riêng ông mà bà con chòm xóm đều thấy buồn khi điểm thi ba môn chỉ đạt 10 điểm (văn 3,75 điểm, sử 4 điểm, địa 2,25 điểm). Sáng nay, 27-7, ông sẽ đến Cơ quan đại diện Bộ GD&&ĐT tại TP.HCM để xin phúc khảo cả ba môn. Tin, ảnh: PHONG ĐIỀN |
Vẫn còn nặng nề Báo cáo nói kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm là không đúng, nó vẫn còn nặng nề vì có đến tám buổi thi. Một kỳ thi như thế này ở các nước người ta làm một buổi. Bộ GD&ĐT đã chọn phương án thi lạc hậu, dùng một nửa số môn là tự luận. Đáng lẽ nên chọn phương án với tất cả môn thi trắc nghiệm thì sẽ chính xác hơn và gọn nhẹ hơn. Đặc biệt, phương án này có thể áp dụng đề thi tổng hợp của các môn sẽ làm cho kỳ thi gọn nhẹ và tiết kiệm hơn như của ĐH Quốc gia Hà Nội đang làm. Ví dụ đề thi có 60 câu thì có 20 câu vật lý, 20 câu hóa học, 20 câu sinh học thì hoàn toàn có thể làm một buổi. Cho nên nhận định kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm là không đúng. Phương án thi chưa khoa học. GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, Cần xem lại cách dạy môn ngoại ngữ Phổ điểm thi năm nay đẹp nhất thuộc về các môn xã hội: ngữ văn, lịch sử, địa lý. Trong khi đó, phổ điểm môn toán cho thấy có nhiều thí sinh bị điểm liệt, rất ít điểm cao; môn ngoại ngữ cũng có phổ điểm rất kém. Phổ điểm môn toán, ngoại ngữ đã phần nào phản ánh đúng trình độ của thí sinh hoặc cách ra đề thi chưa có sự phân hóa. Đối với môn ngoại ngữ, phổ điểm thấp là mối lo của toàn xã hội, chứng tỏ cách dạy và cách học cần phải xem lại. GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Mục tiêu nhẹ nhàng chưa đạt Kỳ thi vừa qua vẫn còn nhiều tồn tại mà Bộ GD&ĐT cần phải khắc phục, đặc biệt mục tiêu nhẹ nhàng chưa đạt được. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên giao kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương tự tổ chức, còn việc tuyển sinh ĐH-CĐ thì giao cho các trường tự đưa ra phương án xét tuyển riêng. Có vậy kỳ thi mới nhẹ nhàng. Còn như cách làm hiện nay, các địa phương không được tự tổ chức thi để kiểm tra xem công tác giảng dạy của mình như thế nào. Trong khi các trường ĐH không trực tiếp giảng dạy HS phổ thông được đưa về làm những việc thay cho địa phương. Những việc như thế đã là không đúng. PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT HUY HÀ ghi |