Thi tốt nghiệp THPT: Những bài học đã qua sẽ tiếp sức cho hành trình mới

(PLO)- Những thành công và cả những bài học đắt giá từ những kỳ thi tốt nghiệp THPT đã qua sẽ là tiền đề quan trọng cho kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm 2025.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hai ngày với năm bài thi, hơn một triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn tất Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đây là kỳ thi đặc biệt bởi là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Kể từ khi chương trình này được ban hành vào tháng 5-2006 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã trải qua nhiều thay đổi rõ rệt.

Suốt những năm từ 1999 đến 2013, cả nước tồn tại hai kỳ thi lớn. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức với 6 môn chỉ để xét tốt nghiệp THPT, gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và ba môn do Bộ GD&ĐT lựa chọn, công bố theo từng năm. Còn xét tuyển vào ĐH-CĐ có kỳ thi tuyển sinh được tổ chức riêng sau đó.

Đến năm 2014, kỳ thi vẫn để xét tốt nghiệp THPT nhưng được thay đổi giảm xuống còn 4 môn và ngoại ngữ lần đầu tiên trở thành môn tự chọn.

Và năm 2015 được xem là dấu mốc thay đổi lớn nhất khi cả nước chỉ còn duy nhất một kỳ thi là Kỳ thi THPT Quốc gia do các cơ sở giáo dục ĐH và Sở GD&ĐT chủ trì, coi thi, chấm thi. Kỳ thi có 4 môn, đề thi được phân hóa với mục đích để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Nhờ đó, thí sinh được thi ngay tại địa phương, không còn đổ dồn về các thành phố lớn để thi.

Còn từ năm 2017, vẫn là kỳ thi THPT quốc gia. Từ đây, không còn gọi là môn thi mà là bài thi và là năm đầu tiên thực hiện hai bài thi tổ hợp là khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học).

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Thí sinh tại TP.HCM phấn khởi sau khi kết thúc bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: P.ANH

Từ năm 2020 đến năm 2024, xuất phát vì diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và cũng để đáp ứng yêu cầu áp dụng Luật Giáo dục có hiệu lực từ tháng 7-2020, kỳ thi chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh, đánh giá chất lượng dạy và học phổ thông. Còn các trường ĐH thực hiện đa dạng hóa phương thức xét tuyển và đa số các trường vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Khách quan mà nói, những kết quả đạt được trong mỗi lần đổi mới kỳ thi đã có những tác động vào công tác dạy học, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Từ nhiều kỳ thi với nhiều môn thi, kỳ thi ngày càng tinh gọn, đánh giá trung thực, khách quan và toàn diện, giảm áp lực cho người học, tốn kém cho xã hội.

Song song với đó, mỗi đợt đổi mới thi cử luôn có nhiều ý kiến khen, chê từ dư luận xã hội. Nhiều vụ tiêu cực, gian lận xảy ra, ít nhiều khiến kết quả những kỳ thi tốt nghiệp THPT nhận được những đánh giá trái chiều. Trong đó, không thể không kể đến là sai phạm nghiêm trọng ở năm 2018 với tình trạng chỉnh sửa bài thi tốt nghiệp THPT nhằm nâng điểm khống cho hơn 200 thí sinh ở một số tỉnh miền Bắc. Vụ việc gây rúng động dư luận khi liên quan đến hàng chục quan chức của các địa phương, nhiều người trong đó vướng vào lao lý.

Những điều đó cho thấy bất kỳ những đổi mới thi cử nào đều có những thuận lợi, khó khăn, tích cực và hạn chế, có những thành công và cả những bài học đắt giá. Và khi kỳ thi cuối cùng của chương trình cũ chính thức khép lại, những bài học đó sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm 2025.

Bởi để tổ chức được kỳ thi cấp quốc gia theo định hướng an toàn, hiệu quả, nghiêm túc, trung thực, khách quan và công bằng cần cả một sự nỗ lực nghiêm túc không chỉ của ngành giáo dục mà còn cả sự đồng hành, chung tay của các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm