Câu chuyện rùng rợn này của nước Mỹ là bài học cho các quốc gia đang phát triển chấp nhận tìm nguồn thu từ khai thác tài nguyên bằng mọi giá.
Tại thị trấn Treece, bang Kansas (Mỹ) đất liên tục lún sụp. Suốt thế kỷ trước, chuyện này xảy ra hơn một trăm lần. Ban đầu, hiện tượng lún sụp xảy ra không lớn, chỉ như cái miệng núi lửa có kích thước bằng một cái ghế dài toác hoác trên đường. Nhưng sau đó tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Năm 1966, cái miệng ấy là một vực thẳm rộng 15-20 m nuốt chửng con đường ven thị trấn. Như có phép lạ, không ai bị thiệt mạng trong vụ đó.
Một thế kỷ tồn vong
Từ sân bay của TP Kansas, mất nửa ngày lái xe đến quốc lộ 69, tại đây sự mở mang công nghiệp đã tạo ra con đường chạy dài đến những vùng mọc đầy hoa hướng dương và thứ cỏ đặc thù của vùng thảo nguyên. Sau đó sẽ đến khu vực hạn hán kinh niên và bão bụi, vùng đất phẳng như một chiếc bánh. Gần thị trấn Treece có nhiều cửa hàng đồng nát, những ngôi nhà thờ Tin Lành với tấm biển có dòng chữ “Gần đến địa ngục”.
Tại cổng chào dẫn vào thị trấn, một hình ảnh kỳ lạ đập vào mắt người ta: những dãy núi. Đó là những đống đất đá, chất thải độc hại xám xịt, không cây cối, chứng tích của thời kỳ đuổi theo lợi nhuận của thị trấn trong quá khứ.
Những đống chất thải độc hại đã đầu độc sức khỏe người dân các thị trấn Picher, Treece bao năm qua. Ảnh: NYT
Theo lịch sử địa phương, thị trấn Treece được thành lập một cách ngẫu nhiên. Năm 1914, trên đường chở thiết bị đến bang Oklahoma, xe tải của nhóm công nhân Công ty Picher Lead của Joplin, bang Missouri bị mắc kẹt trong đám bùn giữa hai vùng đất mà sau này trở thành hai thị trấn. Công ty này đã lệnh cho công nhân khoan thủng một cái lỗ để vượt qua. Và nhóm công nhân bất ngờ phát hiện một lớp chì và kẽm nằm dày dưới mặt đất. Sau đó công ty này đã ký hợp đồng khai thác mỏ tại khu vực này, tạo ra thị trấn Picher, bang Oklahoma. Và vùng đất còn lại biến thành thị trấn Treece, bang Kansas, theo một sự phân giới cũng ngẫu nhiên như việc phát hiện ra chì và kẽm.
Thế là hàng ngàn người từ khu vực quanh đó, nhất là từ hạt Ozarks, bang Missouri, đổ xô đến hai thị trấn để làm nghề khai mỏ. Họ chuyển đá lên mặt đất bằng xô, rồi đập và nghiền để lọc ra khoáng chất, đổ chất thải thành những đống nằm ngang dọc thị trấn. Đến năm 1920, khu vực này là của nhà sản xuất kẽm và chì số một nước Mỹ, cung cấp kim loại để sản xuất hầu hết đạn dược trong hai cuộc thế chiến.
Đến những năm 1960, khi các loại khoáng chất bắt đầu cạn kiệt, các công ty khai thác mỏ hàng đầu bị phá sản hoặc bỏ đi khỏi vùng này, công nhân của họ cũng cuốn gói rời đi nơi khác. Năm 1981, khi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ xếp khu vực hai thị trấn Treece và Picher là khu vực thuộc hạng ô nhiễm nhất nước Mỹ, cả hai thị trấn này chỉ còn vài trăm người cư ngụ. Năm 2010, thị trấn Picher, bang Oklahoma hầu như không còn người ở, thị trấn Treece chỉ còn 170 người sống trong những “núi” đá độc hại và đến thời điểm này, hai thị trấn trở thành những miền đất bị quên lãng.
Nét mặt buồn bã của Thị trưởng Bill Blunk trước tòa thị chính Treece. Ảnh: NYT
Kế hoạch tái sinh vùng đất chết
Trước hết những đống đá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề cho người dân thị trấn. Nhiều đống cao trên 60 m, mỗi khi có gió bụi bay tứ tung, mang theo một lượng kim loại đủ để làm cho máu trẻ em ở đây có hàm lượng chì cao gấp ba lần so với người bình thường.
Không chỉ thế, nước ở khu vực này có màu cam và mùi giống như giấm. Đó là vì khi bỏ đi, các công ty khai thác mỏ đã ngắt những cái máy bơm để lại những đường ống thông tới nước ngầm. Một khi nước ngập các đường hầm, nó mang theo tất cả khoáng chất còn lại dưới lòng đất như sắt, chì và kẽm chảy xả vào sông suối. Hầu như không con gì còn sống được ở đây, cá càng không có.
Như đã nói, thị trấn Picher, bang Oklahoma trở thành bãi hoang không người ở từ mấy năm trước. Giờ người anh em của nó, thị trấn Treece, bang Kansas, cũng chỉ còn vài người.
“Mọi thứ xuống dốc khá lâu rồi” - Thị trưởng Bill Blunk nói vào hai năm trước. Ông Blunk nói suốt mấy năm qua ông tự tay cắt cỏ cả thị trấn và do cảnh sát không đến đây nữa nên có những đêm ông phải đi tuần tra trên các con phố. “Nhưng bây giờ mọi chuyện không còn giá trị gì nữa, bởi đã đến lúc phải chuồn khỏi chỗ này” - ông nói.
Mới đây, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cùng Cục Y tế và Môi trường bang Kansas đã phê duyệt kế hoạch mua lại thị trấn Treece. Hai cơ quan này sẽ sử dụng số tiền 3,5 triệu USD để đưa toàn bộ người dân ở đây ra khỏi thị trấn. Sau đó, họ sẽ phá hủy toàn bộ nhà cửa, lấp tất cả hang hố, trồng lại loại cỏ địa phương và biến Treece trở thành một khu bảo tồn về động vật hoang dã, ban đầu sẽ thu hút gà tây và chim cút, nai, gà gô đồng cỏ hoang, giống như những gì từng có trước khi các công ty khai thác mỏ tìm đến.
Người dân địa phương tin đây là một kế hoạch cần thiết bởi tương lai của người dân nơi đây phụ thuộc vào việc làm sạch thị trấn của họ.
Hầu hết các nguồn nước ở thị trấn ma đều bị nhiễm độc. Ảnh: geospectra.net
Hai người còn lại của “bộ lạc Treece”
Đến năm 2012 này, Thị trưởng Blunk và những người hàng xóm của ông đã thực hiện nghiêm lời hứa ra đi. Thị trấn trông thật khủng khiếp. Những cái lều hình nón (theo kiểu da đỏ) bằng ván tồi được dựng lên ở những chỗ mà 12 tháng trước đó là ngôi nhà hai phòng; mái của một nhà xe bằng thiếc đã bị lột gần hết, giống như nắp của một cái hộp cá mòi bị xé rách toạc ra. Tại tòa thị chính, miếng gỗ dán trên mấy cửa sổ hồi hai năm trước đã bị ai lấy cắp và phần kính còn lại cũng bị đập vỡ nát.
Cách đó vài khối nhà có một nhà xe có kích thước to gấp đôi bình thường nằm ở trên một lô đất bên lối rẽ đầy hoa. Chủ nhân cái nhà xe đó - hai vợ chồng Tim và Della Busby từ chối mức giá đền bù nhà đất của ban giải tỏa. Họ là hai người duy nhất còn ở lại thị trấn Treece. Della nói những lần ngã giá ban đầu, chị không thể tin người ta mua trọn gói nhà và đất của chị với giá rẻ mạt. Chị đọc cho nhà báo nghe lá thư chị nhận được hồi tháng 2-2011: “Kính gửi ông bà Busby… Chúng tôi cần mua nhà đất của hai vợ chồng ông”. Người ta đưa ra giá 28.000 USD. Hai vợ chồng có ba tháng để chấp nhận hoặc từ chối. Thế là hai vợ chồng bám trụ ở thị trấn ma vì không chấp nhận giá đền bù của chính quyền bang.
Rốt cuộc ở thị trấn Treece giờ chỉ còn hai vợ chồng Busby bám trụ. “Ở đây chưa bao giờ yên tĩnh như vậy” - Della nói. Nhìn ở một góc độ nào đó, thị trấn vẫn đẹp theo cái cách của nó: cây cối, các gò cát nhấp nhô, những mô đất bí hiểm và những đồng cỏ bị hủy hoại, tất cả ánh lên một màu hồng trong bóng chiều tà.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, nước Mỹ hiện có 112 địa điểm bị ô nhiễm nặng, trong đó có thị trấn Treece. Chúng cần được khắc phục ở những mức độ khác nhau nhưng tất cả đều bị hủy hoại bởi hoạt động khai thác mỏ hoặc chiết xuất chất. Gần hạt Jefferson, bang North Carolina, một con đập ngăn chất thải từ các mỏ đồng bị bỏ hoang đang đứng trước tình trạng cực kỳ nguy hiểm của việc bị xói mòn hoặc sụp đổ. Những con sông gần đó đã bị nhiễm độc. Tại khu mỏ Midnite Mine nằm trên khu bảo tồn Spokane Indian ở bang Washington, việc đào bới uranium trong nhiều năm đã để lại “di sản” là những đống chất thải độc hại. Người dân địa phương sống được ở đó trong phạm vi an toàn nếu họ không ăn các loại quả dại bị nhiễm phóng xạ hay thịt những con nai ăn cỏ trong khu vực đó. Nhưng khu vực quanh nhà máy điện Three Mile Island ở hạt Dauphin (bang Pennsylvania) mới thật nguy hiểm, nơi sự sống bị đe dọa bởi một tai nạn phóng xạ thảm khốc. Đối với những nơi này, người ta không biết rõ cơ quan chức năng sẽ làm sạch hay bỏ luôn hoặc có một giải pháp nào đó. |
KHIẾT ĐAM