Bài 2: Lợi ích kinh tế và tiết kiệm năng lượng từ tái chế giấy

Tại hội thảo quốc tế về “Tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng”, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành giấy tích cực hơn trong việc thu hồi và tái chế giấy đã qua sử dụng. Bởi lẽ hoạt động này không chỉ tận dụng được tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm điện năng, nước và tăng thêm việc làm.

Tiết kiệm năng lượng

Về mặt năng lượng thuần túy, sản xuất giấy tái chế (từ giấy đã qua sử dụng làm từ bột hóa) dùng năng lượng mua ngoài (ở dạng nhiên liệu hoặc điện) nhiều hơn một chút so với sản xuất giấy từ gỗ. Các chất thải trong quá trình sản xuất bột sẽ được đốt thu hồi hóa chất và nhiệt, nhiệt này dùng lại cho quá trình sản xuất bột và giấy. Trong khi đó, sản xuất giấy tái chế (từ giấy đã qua sử dụng làm từ bột cơ) dùng năng lượng mua ngoài ít hơn nhiều so với sản xuất giấy nguyên thủy. Quá trình sản xuất bột cơ không thể thu hồi được nhiệt.

Bài 2: Lợi ích kinh tế và tiết kiệm năng lượng từ tái chế giấy ảnh 1

Tận thu giấy đã qua sử dụng để tái chế thành những vật dụng hữu ích sẽ giúp bảo vệ môi trường.

Về mặt nguồn gốc năng lượng cần dùng trong sản xuất giấy nguyên thủy thì bản chất vẫn là gỗ. Việc đốt gỗ hay nhiên liệu khác như than đá, dầu mỏ... để lấy năng lượng đều tạo ra khí gây ô nhiễm. Trong khi các nhiên liệu khác không thể tái sinh thì gỗ có thể trồng lại. Phân tích này cho thấy dù sản xuất giấy tái chế dùng nhiều nhiên liệu hơn sản xuất giấy nguyên thủy thì sản xuất giấy tái chế vẫn tạo ra ít khí nhà kính hơn sản xuất giấy nguyên thủy.

Thông thường, vị trí các nhà máy giấy là gần rừng và xa nguồn giấy thải. Tuy nhiên, sản xuất giấy tái chế vẫn dùng ít năng lượng hơn sản xuất giấy nguyên thủy, tính cả năng lượng dùng để thu gom, vận chuyển và tái chế giấy. Bởi lẽ năng lượng cần để thu lại giấy đã qua sử dụng và đưa trở lại nhà máy là quá nhỏ so với năng lượng tiết kiệm được khi dùng giấy thải thay cho việc dùng gỗ để sản xuất tờ giấy mới. Sản xuất giấy nguyên thủy cũng cần năng lượng để chặt, thu gom và vận chuyển cây gỗ đến nhà máy. So sánh việc chặt và vận chuyển 2,2-4,4 tấn gỗ cho mỗi tấn bột giấy so với vận chuyển 1,4 tấn giấy thải cho sản xuất một tấn bột tái chế, có thể thấy tái chế giấy có khả năng tiết kiệm hơn nhiều.

Nhìn chung, sản xuất giấy bằng tái chế giấy hiệu quả hơn sản xuất giấy từ gỗ, vì việc tách xơ sợi và tẩy trắng đã được làm trước đó. Sản xuất giấy bằng tái chế giấy sử dụng ít năng lượng, nước và hóa chất hơn, đồng thời thải ra không khí và nước ít chất độc hại hơn.

Lợi ích bài toán kinh tế

Theo tính toán, một tấn giấy tái chế tiết kiệm được 32 m3 nước (đủ để dội 3.000 toilet công cộng), tiết kiệm được 4.200 kWh năng lượng điện (đủ dùng cho một hộ gia đình có bốn người trong một năm). Để sản xuất một tấn bột giấy cần đến 5 m3 gỗ và 100 m3 nước. Vì vậy, tái chế giấy sẽ góp phần bảo vệ lâu dài tài nguyên rừng và nước.

Giấy có thể tái chế tới sáu lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ nên mang lại lợi ích kinh tế lớn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Khi công nghệ sản xuất giấy tái chế được cải tiến và hoàn thiện, lợi ích kinh tế do việc tái chế giấy mang lại sẽ ngày càng tăng.

Chẳng hạn, xơ sợi tái chế không chỉ dùng để sản xuất giấy làm bao bì, giấy in báo, giấy tissue mà còn dùng để pha trộn với bột nguyên thủy trong sản xuất các loại giấy cao cấp. Ngày nay, xơ sợi tái chế có trong hầu hết các loại giấy thương mại. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chi phí sản xuất giấy tái chế ngày một giảm và chất lượng xơ sợi tái chế ngày càng tăng. Chất lượng bề mặt giấy, độ bền giấy... ngày càng đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường.

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nhu cầu giấy trong nước hiện đạt hơn 1,8 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, sản xuất trong nước mới chỉ cung cấp được 1,13 triệu tấn, phần còn thiếu phải nhập khẩu. Trong tổng số giấy sản xuất trong nước, có tới 70% là nguyên liệu từ nguồn giấy tái chế. Tuy nhiên, hiện chỉ có 25% giấy đã qua sử dụng được thu hồi. Tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam hiện thuộc loại thấp nhất trong khu vực. Các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc có tỉ lệ thu hồi giấy lần lượt là 65%, 31%, 61,4%, 88%, 67%.

Quả là nghịch lý khi một lượng lớn giấy có thể tái chế lại bị tiêu hủy một cách lãng phí trong khi Việt Nam phải nhập khẩu một lượng giấy phế liệu, giấy tái chế khổng lồ từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất giấy.

(Còn tiếp)

P.NGUYỄN - HOÀNG LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm