Dùng vỏ tôm xử lý bùn thải công nghiệp

Theo đó, chitin (vỏ tôm qua sơ chế) có khả năng hấp phụ kim loại nặng (KLN) rất tốt.

70.000 tấn phế liệu giáp xác được thải bỏ mỗi năm

Bùn thải công nghiệp là yếu tố gây nguy cơ phá hủy môi trường. Trong khi đó, mỗi năm ngành gia công kim loại thải ra một khối lượng lớn chất thải. Số lượng này sẽ ngày càng nhiều hơn khi Việt Nam đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nói chung, ngành gia công kim loại nói riêng. Các phương pháp xử lý KLN trong bùn thải hiện nay như thiêu đốt, ủ sinh học, chôn lấp trực tiếp… lại cho hiệu quả xử lý không cao. Vì vậy các nhà khoa học đã nghiên cứu, sử dụng phương pháp cố định KLN (tức quá trình bổ sung những chất liệu khác vào chất thải để làm thay đổi tính chất, dạng tồn tại của KLN, giảm độ hòa tan, để khử độc và khống chế sự lan truyền ô nhiễm ra môi trường).

Dùng vỏ tôm xử lý bùn thải công nghiệp ảnh 1

Xử lý bùn thải công nghiệp tại KCN Lê Minh Xuân, TP.HCM. Ảnh: MINH PHONG

Một trong những vật liệu hấp phụ sử dụng hiệu quả là chitin, có khả năng thu giữ các KLN, các cao phân tử linh động và các nhóm amin hoạt tính cao được sử dụng như mạng cố định. Sau khi xử lý bùn thải bằng chitin, KLN có thể được giải hấp bằng các acid để thu hồi. Chitin cũng có khả năng tái hấp phụ các KLN. Khi chế biến những loại hải sản có giáp xác, lượng chất thải (chứa chitin) chiếm tới 50% khối lượng đầu vào. Trong khi đó, giáp xác là nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào chiếm 30%-35% tổng sản lượng nguyên liệu tại Việt Nam. Hằng năm các nhà máy chế biến đã thải khoảng 70.000 tấn giáp xác, riêng ở Khánh Hòa là khoảng 2.300 tấn/năm. Do đó, việc sử dụng chitin có nguồn gốc từ vỏ tôm để khử KLN trong công nghiệp không những giúp giảm lượng chất thải độc hại ra môi trường mà còn giúp giải quyết lượng lớn chất thải thủy sản.

Vỏ tôm có khả năng hấp phụ tốt

Theo kết quả nghiên cứu, trong điều kiện mức pH bùn = 7, tỉ lệ trộn vỏ tôm (sấy khô, nghiền nhỏ) vào bùn là khoảng 5% theo khối lượng, kích thước hạt vỏ tôm 1,5 mm. Sau 15 phút, hiệu quả hấp phụ đạt 100% đối với các kim loại crôm, niken và trên 99% đối với đồng. So sánh về hiệu quả kinh tế cũng như các điều kiện vận hành thì vỏ tôm có khả năng khử KLN cao hơn rất nhiều so với zoelite (chất khoáng muối acid silic chứa kim loại kiềm và kim loại kiềm thổ). Đối với crôm, hiệu quả hấp phụ của zoelite là 61%, của vỏ tôm là 90%. Vì vậy, chitin hay vỏ tôm qua sơ chế đang được đề nghị áp dụng trong công nghệ xử lý bùn thải, đặc biệt bùn thải có hàm lượng KLN cao.

VŨ YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm