Làm sao cho hệ tiêu hóa, gan, mật “chạy” tốt?

Chuyên trang Sức khỏe & Dinh dưỡng (trang Nhịp sống đô thị) sẽ dành góc tư vấn để BS Nguyễn Vĩnh Tường (M.D, M.ACG, M.ASGE hội viên Hội Tiêu hóa - Gan mật Hoa Kỳ kiêm Tổng Giám đốc Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ) nhằm tăng cường kiến thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Ăn kiêng như thế nào là đúng trong bệnh lý đau dạ dày

. Mới đây tôi đi khám viêm dạ dày, bác sĩ khuyên tôi không nên ăn chua, thức ăn dầu mỡ, đồ cay, không được uống nước có gas, nước cam, chanh… Đây có phải là một “lệnh cấm vận” ăn uống? (Nguyễn Minh Thuyên, quận 6, TP.HCM)

+ BS Nguyễn Vĩnh Tường: Trong các bệnh lý đường tiêu hóa thì đau (viêm) dạ dày luôn là một bệnh lý khiến cả bác sĩ và bệnh nhân “trăn trở” nhất vì vấn đề kiêng khem các món ăn. Chúng ta đều hiểu rõ tâm lý món gì càng nhịn ăn lại càng thèm. Có thể nói vui bệnh lý đau dạ dày như một trận cân não giữa bao tử và các giác quan còn lại.

Bệnh nhân cần phải hiểu rõ dạ dày là một cơ quan tiết acid theo định kỳ. Khi chúng ta ăn vào, dạ dày sẽ tiết dịch acid và dịch này có nồng độ acid rất mạnh. Do đó, các chất chua, cay nếu ăn vào thời điểm dạ dày đang có acid tiết ra thì ảnh hưởng không đáng kể. Ăn kiêng trong viêm dạ dày là cần lưu ý ba điểm:

Thứ nhất: Ăn đúng giờ để thức ăn giúp trung hòa nồng độ acid được tiết ra vào lúc đó. Trong thời gian này bệnh nhân vẫn có thể ăn chút ít chất chua, chút ít cay hoặc thêm chút ít gia vị để bữa ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, không nên quá “nuông chiều” bản thân bằng việc dùng quá liều lượng các chất này.

Thứ hai: Không nên ăn quá nhanh hoặc quá nhiều trong thời điểm ngắn sẽ làm quá tải dạ dày, là nguyên do dẫn đến hiện tượng trào ngược.

Thứ ba: Ăn kiêng quá đáng trong bệnh đau dạ dày sẽ tạo áp lực căng thẳng trong bữa ăn, ảnh hưởng đến cảm giác ăn. Cần một tâm lý thoải mái, tinh thần lạc quan để bệnh nhân dạ dày có một bữa ăn ngon đầy đủ gia vị và vừa đủ no.

Làm sao cho hệ tiêu hóa, gan, mật “chạy” tốt? ảnh 1

Nội soi để kiểm tra “lục phủ ngũ tạng” của bệnh nhân tại Victoria.

Có nên hạn chế uống rượu bia?

. Tôi thấy đa phần các bệnh nhân nam khi đến khám về bệnh gan luôn được các bác sĩ nhắc nhở hạn chế uống rượu bia và thậm chí là cấm uống rượu bia. Trong khi với công việc kinh doanh, uống rượu bia là một văn hóa giao tiếp. Khi nhận được “lệnh” phải hạn chế uống rượu bia thật sự là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với chúng tôi. Bác sĩ có thể cho biết các dấu hiệu nào cho thấy đã uống rượu bia quá mức cho phép so với thể chất không?”(Trần Tâm, quận 2, TP.HCM)

+ Tôi rất hiểu tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” này bởi việc uống rượu bia nó đồng hành với ta trong các quan hệ, giao tiếp... Đôi lúc chính nhờ nó mà chúng ta “sáng tạo” hơn trong ý tưởng, cảm thấy thư thái sau một ngày căng thẳng, hoặc tạo cảm giác ngon miệng trong bữa ăn.

Uống rượu bia quá mức sẽ dẫn đến ngộ độc rượu với các triệu chứng: buồn nôn, chóng mặt, ói mửa. Việc sử dụng rượu với lượng vừa phải nhưng kéo dài sẽ gây ra hậu quả gọi là viêm dạ dày do rượu/bia. Các triệu chứng đối với bệnh lý này là chán ăn, hay bị ợ hơi, ợ chua, đường ruột dễ bị kích thích, tăng co thắt do các chất kích thích khiến bệnh nhân dễ bị tiêu chảy.

Uống rượu bia nhiều quá mức cũng sẽ dễ dẫn đến bệnh viêm gan. Lúc này các chức năng gan sẽ giảm tiết các kích thích tiêu hóa khiến cho việc ăn không còn ngon miệng.

Theo câu hỏi của bạn, uống bao nhiêu là nhiều thì thật sự ra không có cơ sở dữ liệu nào chắc chắn. Liều lượng dung nạp rượu/bia còn thay đổi tùy thuộc từng thể lực, sức chịu đựng và thể tạng của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được bộ máy bên trong của chúng ta có những nguy cơ gì đang tiềm ẩn. Do đó, về mặt khoa học, việc khuyên bệnh nhân không được uống rượu là hoàn toàn hợp lý.

Độc giả có thể vào www.victoriavn.com, chuyên mục “Hỏi đáp” để tham khảo các bài viết chuyên đề y khoa. Hotline: (84 8).3910.4545.

Bệnh viêm gan do rượu có thể phục hồi được nếu ngưng sử dụng rượu. Nhưng bệnh lý xơ gan do rượu lại không hồi phục được dù ngưng rượu, bạn vẫn tiếp tục suy chức năng gan và phải điều trị suốt đời. Để biết được rằng đang ở giai đoạn nào giữa viêm gan và xơ gan thì nên đến bác sĩ tư vấn và làm xét nghiệm chức năng gan để đánh giá hoạt động của gan. Nếu là giai đoạn mới xơ gan thì sẽ khó phát hiện các triệu chứng điển hình và chỉ thông qua các triệu chứng như mệt mỏi, ăn không ngon miệng, nặng ở vùng gan. Còn các triệu chứng vàng da, báng bụng, phù chân là đã ở giai đoạn xơ gan nặng. Chúng ta nên đi kiểm tra chức năng gan định kỳ để phát hiện bệnh viêm gan đang đi tới đâu, có thể chặn đứng được hay không.

Tôi xin nhấn mạnh cách chặn đứng viêm gan, xơ gan duy nhất là phải ngưng uống rượu bia. Các loại thuốc bổ gan được các đấng nam nhi “lưu truyền” như thập bổ gan, mật gấu, thuốc bổ gan-thận sẽ hoàn toàn không có công dụng nếu bạn cứ uống “kèm” với bia rượu.

PHI YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm