CHIẾN DỊCH LÀM CHO THẾ GIỚI SẠCH HƠN - BÀI 1

Vì Trái đất xanh

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (Clean Up the World) được khởi xướng bởi một nhà xây dựng, vận động viên đua thuyền buồm người Úc là Ian Kiernan. Sau cuộc đua vòng quanh thế giới, ông rất kinh ngạc vì sự ô nhiễm trên các đại dương nơi mình đi qua. Khi trở về Sydney, ông quyết định phải làm một điều gì đó cho thành phố của mình. Năm 1989, Ian Kiernan tuyên truyền, vận động và thu hút khoảng 40.000 tình nguyện viên tham gia vào phong trào Ngày làm sạch cảng Sydney. Ngay sau đó, sáng kiến của ông trở thành sự kiện quốc gia. Hằng năm, chương trình này thu hút hàng trăm ngàn người cùng nhau thu gom và dọn rác. Sau đó, tính mạnh mẽ của nó được nhân rộng trên khắp hành tinh.

Sáng kiến nhỏ, ý nghĩa lớn

Bằng cách tiếp cận từ cơ sở, chiến dịch được các tổ chức môi trường quốc tế, trong đó có UNEP công nhận là sáng kiến mang lại hiệu quả cao. Đó cũng là dịp để người dân tự giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến môi trường sống của chính mình. Kể từ lần đầu tiên được phát động trên quy mô toàn cầu, chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng. Mục tiêu là hướng cộng đồng trên khắp hành tinh cùng thực hiện những hành động thiết thực góp phần bảo vệ, chăm sóc môi trường của chính quê hương mình, từ đó đóng góp vào những nỗ lực toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để quy tụ các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân cùng tham gia các hoạt động cải thiện, bảo vệ môi trường.

Việt Nam là một trong những đất nước tích cực hưởng ứng các hoạt động của chiến dịch. Hằng năm, Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể lễ phát động quốc gia trên phạm vi cả nước. Đến nay, chiến dịch được phổ biến rộng rãi, đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Điều đó chứng tỏ nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường gia tăng rõ rệt.

Vì Trái đất xanh ảnh 1

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn đã trở thành sự kiện mang tính toàn cầu

Cùng nhau làm sạch môi trường

Năm 2010, lễ phát động được tổ chức tại TP Bắc Ninh với chủ đề “Cộng đồng quan tâm bảo vệ thiên nhiên”. Chương trình đã thu hút sự tham gia của 41 tỉnh, TP trong cả nước với những hoạt động cụ thể, thiết thực như tham gia thu gom chất thải, khơi thông dòng chảy, tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tới các cộng đồng dân cư… Chủ đề năm nay là “Nơi sinh sống của chúng ta… Hành tinh của chúng ta… Trách nhiệm của chúng ta”. Nội dung nhấn mạnh vào các hành động địa phương được thực hiện bởi mỗi cá nhân sẽ mang lại những tác động mang tính toàn cầu. Đồng thời, đó cũng là dịp để chúng ta xem lại trách nhiệm đối với môi trường ở mức độ cá nhân, cộng đồng. Đó cũng là sự đóng góp vào những nỗ lực vì môi trường.

Năm 2011, Bộ TN&MT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM và UBND TP.HCM tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2011 tại TP.HCM. Đây là địa bàn trọng điểm kinh tế của cả nước, tập trung đông dân cư, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ lớn. Do vậy, vấn đề môi trường đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm.

Theo Báo cáo Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2010, nhiều quốc gia đã tổ chức các hoạt động có ý nghĩa to lớn, chẳng hạn như:

Brazil: Chương trình nhấn mạnh vào những sai lầm mà con người phạm phải khi họ ném rác ra kênh, mương; chú trọng các hoạt động nâng cao nhận thức về môi trường giữa giới trẻ và xã hội. Năm 2010, có khoảng 10.000 tình nguyện viên góp sức vào chiến dịch, loại bỏ hơn 12 tấn rác thải.

Cameroon: Chiến dịch thu hút hơn 2.000 học sinh và phụ huynh tham gia. Các hoạt động diễn ra như trồng cây ăn quả, dược liệu, cây cảnh và các loài nông lâm kết hợp. Đồng thời, tập trung vào việc giáo dục học sinh về quản lý tài nguyên thiên nhiên. Qua đó, các em chia sẻ những hiểu biết với bố mẹ, hàng xóm, chính quyền địa phương.

Colombia: Sáng kiến tái chế và thay đổi thói quen hướng tới các hoạt động về môi trường như lắp đặt nguồn năng lượng tái tạo, vườn sinh thái, ủ phân hữu cơ, tái sử dụng chất thải và giáo dục về sự bền vững.

Philippines: Các hoạt động được tổ chức như làm sạch môi trường, trồng cây. Theo đó, người dân có ý thức hơn trong việc giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Mỹ: Bãi biển nhựa là bộ sưu tập của các nghệ sĩ. Họ đã thu dọn các chất thải nhựa từ bãi biển, sau đó chế tạo thành những tác phẩm nghệ thuật.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm