Vinamilk: Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN

Tại sự kiện Diễn đàn Thường niên 2020 của Viện thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) diễn ra ngày 10-12, VIOD và Ủy ban chứng khoán Việt Nam đã công bố Vinamilk là công ty đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được vinh danh là “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN” (“ASEAN ASSET CLASS”), đồng thời thuộc Top 3 Doanh nghiệp niêm yết (DNNY) của Việt Nam theo kết quả Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN 2019, thuộc Sáng kiến Quản trị Công ty ASEAN (ASEAN Corporate Governance) của Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF). 

 Kết quả của Vinamilk được công bố trong diễn đàn Thường niên 2020 của Viện thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Kết quả Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN 2019 (“ACGS”) có sự tham gia của gần 600 doanh nghiệp trong khối ASEAN. Trong đó, Việt Nam có 82 doanh nghiệp tham gia và chỉ có 35 doanh nghiệp đạt số điểm cao nhất được lọt qua vòng sơ khảo do các chuyên gia Việt Nam đánh giá. Sau đó, 35 doanh nghiệp Việt Nam sẽ được 5 nước ASEAN còn lại để chấm điểm. Vòng 2 này được tổ chức theo nguyên tác chấm chéo, mỗi quốc gia không chấm điểm cho doanh nghiệp của nước mình nhằm đảm bảo tính minh bạch, độc lập và khách quan. Qua các vòng đánh giá, kết quả cuối cùng cho thấy, Vinamilk là công ty Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt giải thưởng ở hạng mục “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN”.

Trong 5 nội dung đánh giá quản trị cấp độ doanh nghiệp thì trách nhiệm của hội đồng quản trị cùng tính minh bạch và công bố thông tin là hai nội dung có tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 40% và 25%.

Về kết quả này, bà Mai Kiều Liên – Thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết “Phương châm của Vinamilk là luôn chủ động tiếp cận các chuẩn mực quản trị công ty theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Ngoài việc hợp tác tốt với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về quản trị công ty trong nước như UBCK, HOSE, VIOD, IFC, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương,… Vinamilk sẵn sàng trao đổi cởi mở. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp, đề xuất của nhà đầu tư quốc tế, cổ đông nước ngoài như IFC, Mobius Capital Partners, Dragon Capital, Genesis, Arisaig,… để Vinamilk có được thành tích tốt như hôm nay.”

Với những nỗ lực vượt bậc trong năm 2020, một năm nhiều biến động, Vinamilk vẫn liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng trong nước và khu vực. Để đạt được kết quả đó, trong những năm qua, Vinamilk đã cho thấy sự cải tiến liên tục về công tác quản trị công ty và luôn nằm trong Top 5 Doanh nghiệp niêm yết có báo cáo quản trị công ty tốt nhất từ năm 2013 đến nay. Đặc biệt, năm 2020, Vinamilk đã có mùa bội thu giải thưởng trong nước với 3 Giải Nhất trong các hạng mục quan trọng: Doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất (nhóm vốn hóa lớn), Báo cáo thường niên tốt nhất và Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất. Điều này cũng cho thấy sự xứng đáng khi Vinamilk được ghi nhận ở giải thưởng tầm khu vực.

Vinamilk liên tục nhận được giải thưởng về quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững từ các tổ chức trong và ngoài nước

Tính đến ngày 14-12, Vinamilk đã đạt giá trị vốn hóa hơn 10 tỉ USD. Điều đó cho thấy sự ổn định qua các chỉ số hoạt động kinh doanh trong một năm nhiều thách thức do đại dịch COVID-19. Trước đó, Vinamilk đã được nhiều tổ chức uy tín đánh giá thuộc Top doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất Việt Nam. Mới đây, Vinamilk đã tiếp tục được xét chọn là Top 10 Doanh nghiệp Phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất năm thứ 5 liên tiếp.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có nội dung đánh giá về quản trị công ty như sau (*): “Về quản trị doanh nghiệp, UBCK mong muốn các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào hoạt động này. Mục tiêu tăng cường quản trị doanh nghiệp trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đáng chú ý, năm nay, Vinamilk là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 100 doanh nghiệp ASEAN có điểm quản trị công ty tốt nhất, rất tự hào nhưng chỉ mới có một doanh nghiệp.”

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cách doanh nghiệp được xây dựng và quản trị là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Quản trị doanh nghiệp tốt có nghĩa là sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, tiếp cận vốn tốt hơn, cơ hội việc làm tốt hơn, cơ hội phát triển các thị trường vốn của quốc gia và khu vực bền vững hơn.

-----------------------

(*) Trích phát biểu của Chủ tịch UBCKNN trong Báo Đầu Tư Chứng Khoán số 120, phát hành ngày thứ 2, 7/12/2020 (trang 42)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm