Phiên giao dịch ngày thứ Ba (ngày 11-6), giá vàng thế giới tăng dù đồng USD tăng giá.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng thế giới giao ngay tăng rất nhẹ và chốt phiên ở mức và đóng cửa ở mức 2.316,2USD/ounce.
Giá vàng thế giới giao hợp đồng tương lai tháng 8-2024 ở mức 2.326,6USD/ounce, cũng gần như không thay đổi trong phiên.
Nhà đầu tư trên thị trường vàng thế giới giao dịch cầm chừng
Thị trường vàng thế giới giao dịch trong trạng thái cầm chừng, giá không biến động mạnh bởi nhà đầu tư chờ đợi thông tin về lạm phát Mỹ cũng như biên bản cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến công bố vào ngày thứ Tư (ngày 12-6).
Chuyên gia phân tích tại quỹ đầu tư Marex, ông Edward Meir, phân tích: “Người ta lo lắng về kết quả cuộc họp của Fed được công bố ngày mai bởi nếu số lượng lạm phát không diễn biến tích cực, Fed sẽ không còn tiếp tục phát đi thông điệp về hạ lãi suất. Điều đó cũng đồng nghĩa đồng USD và lãi suất tại Mỹ sẽ tăng lên, điều này không tốt cho giá vàng”.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số đồng USD giao dịch ở sát mốc cao nhất trong 1 tháng, chính vì vậy vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ.
Dù số liệu thị trường việc làm Mỹ tháng 5-2024 theo công bố vào cuối tuần trước tốt hơn nhiều so với kỳ vọng làm giảm khả năng Fed hạ lãi suất nhiều lần trong năm nay, vẫn có nhiều chuyên gia tin vào khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng 9-2024 và thêm một lần nữa trong năm nay, theo Reuters công bố trong cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia mới đây.
“Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của giá vàng thế giới chính là mốc 2.300USD/ounce. Nếu giá vàng rơi xuống dưới ngưỡng này, nhiều khả năng sẽ tiếp tục sụt giảm xuống dưới mốc 2.200USD/ounce”, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại quỹ Gainesville Coins – ông Everett Millman nhận định.
Số liệu mới nhất trên thị trường việc làm Mỹ cũng như thông tin Trung Quốc tạm ngừng việc mua vàng đã khiến cho giá vàng thế giới mất hơn 3,5% trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước, đây là phiên hạ mạnh nhất của giá vàng tính từ tháng 11-2020.
Một số chuyên gia ngành cho rằng ở hiện tại, Trung Quốc có thể đã giảm mua vàng, tuy nhiên việc này sẽ nhanh chóng được nối lại ngay khi giá vàng giảm.
Thị trường vàng trong nước “án binh bất động”
Ở thời điểm 7h30 phút sáng nay, 12-6, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục giữ nguyên so với cách đây 24 tiếng, niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng khá cao 2 triệu đồng/lượng, cao hơn khá nhiều so với ngưỡng 1,2 triệu đồng/lượng từng được thiết lập trong một số thời điểm trước đây. Khi chênh lệch mua vào bán ra tăng cao, các nhà kinh doanh vàng đã đẩy thêm rủi ro về phía người mua vàng.
Cùng là vàng 999.9, giá vàng miếng PNJ giao dịch ở mức 72,70 – 74,50 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào bán ra 1,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn 999.9 của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 73,43 – 74,73 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với 24 giờ trước.
Ở mức đóng cửa của giá vàng thế giới phiên ngày 11-6, giá vàng thế giới quy đổi tương đương khoảng 71,8 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC như vậy cao hơn so với giá vàng trong nước khoảng 5 triệu đồng/lượng, thấp hơn rất nhiều so với mức gần 20 triệu đồng/lượng của thời gian trước.
Tỷ giá trung tâm đồng USD theo công bố của Ngân hàng Nhà nước hiện ở mốc 25.250 đồng Việt Nam/USD.
Theo nhận định mới nhất của ngân hàng UOB, tiền đồng Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY trong nửa cuối năm 2024 do nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định rõ ràng hơn. Dự báo tỷ giá USD/VNĐ cập nhật của ngân hàng UOB là 25.200 đồng Việt Nam trong quý III-2024, 25.000 đồng Việt Nam trong quý IV-2024.