TS Lê Xuân Nghĩa: Không nên thành kiến với 'vàng trong dân'

(PLO)-  "Vàng ở trong dự trữ của ngân hàng trung ương được gọi là vàng dự trữ tập trung còn vàng trong dân là vàng phân tán trong dự trữ quốc gia. Vì vậy không nên thành kiến với việc đó"- TS Lê Xuân Nghĩa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thị trường vàng hơn một tuần qua đã có những biến chuyển tích cực nhờ vào loạt động thái mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước. Dù vậy, đưa thị trường vàng trong nước vào thế ổn định vẫn là bài toán lớn, mà Ngân hàng Nhà nước đang lắng nghe chuyên gia để tìm kiếm giải pháp phù hợp.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia đã dành thời gian chia sẻ với PLO về vấn đề thời sự này.

Đánh thuế giao dịch vàng: Chi phí bỏ ra để thu thuế quá lớn thì việc thu thuế không có ý nghĩa
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia - Ảnh: Ngọc Diệp

Người dân thiệt thòi hàng hàng chục ngàn tỷ đồng

. Phóng viên: Thưa ông, từ 23-4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có một số biện pháp mạnh tay với thị trường vàng. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các biện pháp này?

+ TS Lê Xuân Nghĩa: Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý thị trường vàng, và nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 24 ban hành 12 năm trước, với mục tiêu cơ bản là giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, làm cho thị trường vàng trở nên minh bạch hơn, chống đầu cơ chống lũng đoạn thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành một số biện pháp.

Biện pháp hữu hiệu nhất có thể kể đến là Ngân hàng Nhà nước đã giao bốn ngân hàng thương mại quốc doanh cùng với Công ty SJC bán vàng miếng trực tiếp cho người dân, không bán cho tổ chức. Riêng SJC vừa bán vừa mua, còn các ngân hàng thương mại khác chỉ bán. Đây là một giải pháp theo Pháp lệnh Quản lý ngoại hối trước đây. Nhờ đó mà giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế đã thu hẹp chênh lệch khá nhanh.

Ở thời điểm cao nhất, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh đến 26%. Hiện tại, chênh lệch chỉ còn 4,5%. Mức chênh lệch này cần phải được khống chế, dưới 5% là có thể chấp nhận được. Mức này là phù hợp để còn áp dụng các chính sách khác, ví dụ thuế.

Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan còn tiến hành thanh tra thị trường vàng, kiểm tra các công ty kinh doanh vàng. Mục tiêu của việc kiểm tra là làm cho thị trường vàng minh bạch, chống độc quyền, hạn chế cạnh tranh.

Trong quan sát của tôi, có hiện tượng một số doanh nghiệp vàng lớn gần như thống lĩnh thị trường. Đây là điều mà Chính phủ rất là quan ngại, bởi có thể dẫn đến việc thao túng thị trường vàng, vốn là thị trường có tính đầu cơ khá lớn. Nếu để bị thao túng, thiệt hại cho dân chúng rất lớn. Những người gửi tiền sẽ bị thiệt thòi.

Sơ bộ nếu giá vàng trong nước, kể cả SJC và thương hiệu khác, mà chênh lệch cao hơn 10 triệu đồng/lượng với giá vàng thế giới, thì thiệt hại cho người dân rất lớn. Tạm tính nhu cầu của dân khoảng 50 tấn/năm, mà Chính phủ không quản lý được, thì hàng ngàn tỷ đồng chênh lệch này là rơi vào tay hệ thống buôn lậu vàng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Chỉ tính từ năm 2020 đến bây giờ, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu, đưa vàng chính ngạch vào thị trường, thì có thể thấy mức độ thiệt thòi của khu vực dân cư do chênh lệch giá vàng lớn là hàng chục ngàn tỷ đồng.

vang-trang-suc-11.jpg

Ở thời điểm cao nhất, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh đến 26%. Hiện tại, chênh lệch chỉ còn 4,5%. Ảnh: THÙY LINH

. Tuần trước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã mời các chuyên gia họp, góp ý về chính sách quản lý thị trường vàng. Tại đó có những ý kiến đề nghị giải pháp đánh thuế với vàng. Cũng tham dự cuộc họp, ông cảm nhận thế nào?

+ Tôi nghĩ rằng không nên đánh thuế đối với giao dịch vàng. Việc đánh thuế như vậy nó vô cùng tản mát, chi phí phải bỏ ra để đi thu thuế thậm chí còn cao hơn nhiều so với số tiền thuế thu được về. Mà thuế thì chắc chắn ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý của người dân.

Thực ra người ta mua vàng đa phần để tích lũy, chứ đa số người dân không mua - bán vàng vì mục đích kiếm lời.

Ta nên có giải pháp phù hợp để vàng để dành trong nhà dân cũng là dự trữ vàng quốc gia. Vàng ở trong dự trữ của ngân hàng trung ương được gọi là vàng dự trữ tập trung còn vàng trong dân là vàng phân tán trong dự trữ quốc gia. Vì vậy không nên thành kiến với việc đó.

Cũng có ý kiến so sánh vàng với chứng khoán. Ta có đánh thuế với hoạt động chứng khoán, vậy tại sao không áp dụng giải pháp này với vàng? Tôi cho rằng ngay cả thuế với đầu tư chứng khoán cũng đang vô cùng thấp, có lẽ mang tính tượng trưng thôi.

Nhưng hoạt động chứng khoán về cơ bản là công khai, minh bạch, thực hiện trên sàn điện tử, với dòng tiền, tài khoản quản lý rõ ràng, dễ quản lý, dễ đánh thuế. Còn mua, bán vàng của ta là mua bán vàng vật chất, phân tán, thanh toán còn bằng tiền mặt. Như tôi nói là tiền thuế thu về có khi không bằng chi phí quản lý thuế bỏ ra...

Tất nhiên, do vấn đề độc quyền vàng SJC, nên việc dập vàng SJC đáp ứng cho nhu cầu dân chúng có một số khó khăn, nhưng đấy là về mặt kỹ thuật chứ không nên lo thiếu vàng hay tiền để nhập vàng.

Muốn giảm chênh lệch giá vàng thì phải tăng cung

. Chính phủ lưu ý rằng mục tiêu quản lý thị trường vàng không chỉ là thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, mà còn phải đảm bảo mục tiêu chung, lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy làm thế nào để người dân bớt quan tâm tới vàng, và làm thế nào để bảo vệ được dự trữ ngoại hối, khỏi phung phí cho việc nhập khẩu vàng?

+ Giảm chênh lệch giá vàng thì về nguyên tắc là phải tăng cung. Việc tăng cung vàng về bản chất cũng không có gì khó khăn với Ngân hàng Nhà nước. Khối lượng tiêu thụ vàng tại Việt Nam theo dự báo của chúng tôi ước tính khoảng 50,60 tấn/năm. Tính ra giá trị theo USD tương đương khoảng 3 tỷ USD.

So với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta thực ra chẳng đáng bao nhiêu.

3 tỷ USD là con số không lớn so với nhập khẩu rượu lậu, rượu ngoại vào Việt Nam. Giá trị nhập khẩu của rượu ngoại, rồi xì gà, cả chính ngạch, cả buôn lậu, ước tính cũng lên đến 4,5 tỷ USD/năm. Còn nếu so với nhập khẩu mỹ phẩm, cả chính thức và phi chính thức, cũng đã vượt quá 3 tỷ USD, theo tính toán của chuyên gia.

Chính vì vậy nhập khẩu vàng thực ra không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá hối đoái như người ta vẫn nghĩ. So sánh tương đương, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của nhập khẩu vàng còn không bằng thuốc lá ngoại với rượu ngoại.

Nhập khẩu vàng về thủ tục cũng rất đơn giản, các nước cũng đã có tiêu chuẩn về việc mua bán vàng bằng hóa đơn điện tử rất chuẩn xác cả về mặt chất lượng lẫn kế toán, hạch toán, chính vì vậy, việc nhập cũng không khó khăn gì.

Ngoài ra cũng cần phải nhìn lại câu chuyện từ năm 2019 trở về trước năm 2012, Việt Nam không nhập khẩu vàng. Giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế vẫn cân bằng nhau. Nhưng từ năm 2020 trở đi, chênh lệch giá vàng quốc tế và trong nước lớn dần.

Tại sao? Chúng tôi cho rằng là do từ năm 2020, chúng ta đã kiểm soát tốt hơn vấn đề buôn lậu vàng. Hàng loạt vụ buôn lậu vàng từ Lào, Campuchia về Việt Nam đã bị bắt giữ. Có vụ giá trị vàng thu giữ được cả vài trăm tỷ. Vàng lậu bị chặn đột ngột, trong khi đó vàng nhập chính ngạch lại chưa có, nên chênh lệch giá vàng thế giới trong nước vì vậy bắt đầu doãng ra, là tất yếu.

Ngoài ra, cũng phải xét đến là thị trường bất động sản khó khăn, dân chúng dể dành tiền bằng cách mua vàng cho an toàn. Yếu tố xung đột Nga – Ukraine hay Israel – Palestine cũng gây ra những ảnh hưởng tâm lý nhất định. Nhưng theo tôi, tác động trực tiếp nhất chính là nguồn cung giảm do buôn lậu bị chặn lại.

vang-trang-suc-13.jpg

Giảm chênh lệch giá vàng thì về nguyên tắc là phải tăng cung. Việc tăng cung vàng về bản chất cũng không có gì khó khăn với Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: THÙY LINH

Đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt là đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.

Bên cạnh đó, việc áp thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

PGS. TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia

Vậy làm thế nào người dân bớt yêu vàng?

Mấy ngày qua, tôi đi quan sát một vài nơi, thấy hiện tượng bà con xếp hàng mua vàng có gì đó không bình thường. Có lẽ nó thể hiện cho tâm lý lo ngại về việc liệu giá vàng có tăng tiếp hay không!

Ngoài ra, cũng phải băn khoăn khi mà giá vàng trong nước đã hạ sâu, gần hơn rất nhiều giá vàng thế giới, mà người ta vẫn mua. Vậy phải chăng có tâm lý chưa tin Ngân hàng Nhà nước có đủ vàng để bán?

Tôi cho rằng, khi đo đếm được nhu cầu tự nhiên của thị trường, khi tính toán được sự ổn định vĩ mô đã hình thành thế nào ngay cả khi buôn lậu vàng là kênh chính đáp ứng nhu cầu trong nước, thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng là Ngân hàng Nhà nước đủ nguồn lực để nhập vàng phục vụ bà con. Như tôi nói, thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm soát xuất nhập khẩu cho đến ngoại tệ không có gì khó khăn cả.

Tất nhiên, do vấn đề độc quyền vàng SJC, nên việc dập vàng SJC đáp ứng cho nhu cầu dân chúng có một số khó khăn, nhưng đấy là về mặt kỹ thuật chứ không nên lo thiếu vàng hay tiền để nhập vàng.

Vang-trang-suc-1.jpg

Về dài hạn, cần phải tính đến làm sao để thị trường vàng trong nước và quốc tế liên thông với nhau.Ảnh: THÙY LINH

Thị trường vàng trong nước và quốc tế cần liên thông với nhau

. Nếu quả thật nhu cầu lâu nay của thị trường được đáp ứng, cân bằng nhờ vàng buôn lậu, thì hẳn là không lo thiếu ngoại tệ. Nhưng làm thế nào để nắn dòng ngoại tệ vốn đang theo kênh buôn lậu ấy sang hướng chính ngạch nhập khẩu vàng, cũng như cần những giải pháp căn cơ, lâu dài nào để ổn định thị trường vàng, theo ông ?

+ Các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho đến nay nhìn chung vẫn mang tính tình huống. Còn về dài hạn, theo tôi cần phải tính đến làm sao để thị trường vàng trong nước và quốc tế liên thông với nhau.

Theo hướng này, Ngân hàng Nhà nước cần phải cho phép các ngân hàng thương mại hoặc công ty kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhập khẩu và kinh doanh bình thường. Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp như thuế, hải quan, thuế VAT hay thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc để giám sát được thị trường này.

Nhưng cũng cần lưu ý là nếu thuế cao quá thì sẽ kích thích buôn lậu vàng trở lại. Muốn vậy thì phải có giải pháp quản lý tổng thể để thị trường vàng hoạt động một cách minh bạch, với hệ thống hóa đơn, chứng từ chặt chẽ.

Minh bạch, thông suốt một mặt để chống trốn thuế, chống thẩm lậu vàng, quản lý được nhu cầu thật của thị trường, mặt khác còn để đảm bảo chất lượng vàng vật chất. Vàng là mặt hàng đặc biệt, giá trị cao, mà với người dân bình thường kiểm soát chất lượng là rất khó. Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần phải giám sát một cách chặt chẽ, đặc biệt chất lượng vàng, tuổi vàng đảm bảo thị trường.

. Cám ơn những chia sẻ của ông!

. Phóng viên: Có kinh nghiệm quốc tế tốt nào cho Việt Nam ta trong lĩnh vực này?

+ Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Nhìn chung, các nước đang quản lý vàng theo một mô hình chung là Bộ Tài chính đánh thuế xuất nhập khẩu vàng, quản lý toàn bộ kinh doanh vàng. Họ không phân biệt vàng miếng, vàng trang sức mà quản lý hàng hóa theo hàm lượng vàng, từ 2 số 9 đến 4 số 9.

Còn tương đồng với ta về thị trường thì có thể so sánh Trung Quốc. Bộ Tài chính đánh thuế xuất nhập khẩu vàng. Bộ Công thương đánh thuế kinh doanh vàng bao gồm cả việc đăng ký nhãn hiệu, chất lượng, bản quyền, thương quyền. Bộ Công thương có loạt công cụ trong tay bao gồm luật chống độc quyền, luật bảo vệ người tiêu dùng, luật chống gian lận thương mại.

Trung Quốc cho phép 13 đơn vị nhập khẩu vàng, gồm 4 công ty kinh doanh vàng bạc, 5 ngân hàng quốc doanh và 4 ngân hàng nước ngoài có chi nhánh ở Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc không quan tâm quá nhiều đến việc đối tượng nhập khẩu vàng là tư nhân hay quốc doanh, trong nước hay ngoài nước mà chú trọng ở năng lực thực thi nhiệm vụ nhập khẩu vàng có tốt không. Bởi giá vàng biến động rất mạnh trên thị trường quốc tế, chất lượng vàng cũng cần phải được giám sát.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ có nhiệm vụ giám sát xuất nhập khẩu vàng, bởi liên quan nhất định đến tỷ giá hối đoái.

vang-trang-suc-9.jpg

Người dân cứ bình tĩnh, thận trọng trong việc mua vàng ở thời điểm giá thế giới đang biến động ở mức rất cao này, thì rồi mọi nhu cầu sẽ được đáp ứng. Ảnh: THÙY LLINH

Từ kinh nghiệm Trung Quốc, tôi thấy Ngân hàng Nhà nước thay vì nhập trực tiếp thì có thể giao các ngân hàng quốc doanh nhập. Họ bán sỉ cho doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc rồi nhóm doanh nghiệp này bán lẻ cho dân. Còn sâu rộng hơn nữa, có thể cấp phép cho ngân hàng thương mại tự do kinh doanh.

Tôi nhấn mạnh rằng với Việt Nam, ở quy mô nhu cầu thị trường khoảng 3 tỷ USD/năm cho nhập khẩu vàng là không quá lớn. Nhưng quản trị tâm lý thị trường lúc này là rất quan trọng, vì nếu nóng lên trong thời gian ngắn sẽ tạo ra cú sốc về tỷ giá không cần thiết.

Cho nên, các giải pháp lúc này phải chú ý đến khía cạnh tâm lý, không để lo lắng quá mức. Một sự cam kết rõ ràng và người dân cứ bình tĩnh, thận trọng trong việc mua vàng ở thời điểm giá thế giới đang biến động ở mức rất cao này, thì rồi mọi nhu cầu sẽ được đáp ứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm