Ngày 9-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì một cuộc họp về chính sách quản lý thị trường vàng và sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Vàng thế giới đang biến động mạnh
Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh, trở thành vấn đề lớn của nhiều nước.
Tại Việt Nam, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó từ 23-4 đã kế thừa giải pháp đấu thầu vàng từng triển khai năm 2013. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước, nhất là vàng miếng SJC, với giá vàng thế giới vẫn chưa giảm như kỳ vọng.
Qua phân tích cho thấy giai đoạn này có nhiều khác biệt, nên từ 3-6, NHNN chuyển hướng, quyết định áp dụng bán vàng trực tiếp cho cá nhân có nhu cầu qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá qua một tuần triển khai, bước đầu công tác quản lý thị trường vàng đã đem lại kết quả tích cực, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Xem xét giải pháp thuế
Tại cuộc họp, các chuyên gia đã có một số kiến nghị, trong đó đáng chú ý là PGS Nguyễn Thị Mùi cho rằng Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách thuế mới đối với vàng.
Theo bà Mùi, giải pháp thuế sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một bộ phận nhà đầu tư, nhất là những người đang mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, hoặc thậm chí có động cơ thao túng giá. Giải pháp thuế sẽ tác động tới tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Thuế còn là công cụ quản lý đảm bảo tính công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản... đều đang được điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân, do đó cũng cần tính giải pháp phù hợp cho vàng.
Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng để quản lý thị trường vàng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế. Nếu Nhà nước không khuyến khích thì đánh thuế cao, còn không thì giảm xuống. Chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế. Ngoài ra, cần tính tới các giải pháp như quản lý bằng quota xuất, nhập khẩu, chống độc quyền, chống gian lận thương mại…
TS Trương Văn Phước cho rằng nên hạn chế nhập khẩu vàng nhưng cũng cần tôn trọng nhu cầu của người dân.
“Dĩ nhiên có nhiều quan điểm khác nhau trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ, nhưng đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng” - TS Phước nói.
Đánh giá về chính sách quản lý thị trường vàng 12 năm qua, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Chính phủ và NHNN đã thành công ở mức độ nào đó. Người dân không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán. Các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.
Giá vàng sáng nay 10-6
Giá vàng trong nước hiện chưa có sự liên thông đáng kể với giá vàng thế giới.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ sáu tuần trước, theo giờ New York giảm sâu nhất trong hơn 3 năm, nhưng giá vàng miếng SJC chủ yếu chịu ảnh hưởng từ mức giá định hướng của NHNN nên vẫn đứng yên. Chỉ có giá vàng nhẫn tròn trơn là giảm 1 triệu đồng/lượng.
Ở thời điểm 8h sáng nay, 10-6, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục giữ nguyên, niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng khá cao 2 triệu đồng/lượng trong khi vào tuần trước đã có phiên khoảng cách này chỉ ở mức 1,2 triệu đồng/lượng. Khi chênh lệch mua vào bán ra tăng cao, các nhà kinh doanh vàng đã đẩy thêm rủi ro về phía người mua vàng.
Cũng là vàng 9999, giá nhẫn tròn trơn giao dịch ở mức 73,38 – 74,68 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 1 triệu đồng cả hai chiều, so với mức giá thứ sáu tuần trước.