Ra tay can thiệp vào thị trường từ ngày 23-4 với hình thức đấu thầu không hạn chế vàng miếng SJC ở mức giá rất cao, cao hơn cả giá vàng trong nước thời điểm ấy.
Đến 3-6 bất ngờ điều chỉnh phương thức cung vàng vào thị trường, không bán vàng cho tổ chức, mà chỉ định 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cùng Công ty SJC bán vàng trực tiếp cho cá nhân có nhu cầu với thủ tục chặt chẽ bao gồm cả chống rửa tiền. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các nhà vàng...
Những giải pháp như vậy của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan khác đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Đến sáng sớm nay, 7-6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ còn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng, so với mức gần 20 triệu đồng một lượng ở thời điểm bất thường trước đó.
Tại họp báo kinh tế - xã hội chiều 6-6, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng thông tin về việc bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC bán vàng trực tiếp cho người dân những ngày qua và khả năng cung ứng vàng miếng SJC của doanh nghiệp này.
Giải pháp này nhằm tác động bình ổn thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thực tế triển khai cho thấy, giá vàng trong nước đã giảm mạnh trong những ngày qua và tiệm cận dần với giá vàng thế giới.
"Đây là kết quả quan trọng và phản ánh chủ trương trúng, đúng của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương"- đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết.
Ở góc độ địa phương, với trách nhiệm thực thi chính sách và tổ chức triển khai thực hiện, NHNN chi nhánh TP.HCM đã chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác bán vàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương. Đồng thời phối hợp với các sở ngành thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ liên quan như về hướng dẫn, tư vấn cho người dân nắm bắt để giao dịch mua bán vàng thuận lợi, công khai và minh bạch…
Phía NHNN chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng Công ty SJC là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vàng với hơn 35 năm kinh nghiệm. Vì vậy, việc giao thực hiện nhiệm vụ trong phương án bình ổn thị trường của Ngân hàng Trung ương theo chỉ đạo của Chính phủ, về mặt nghiệp vụ, kỹ thuật và cơ sở vật chất, doanh nghiệp sẽ đảm bảo khả năng đáp ứng tốt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, các chuyên gia cho rằng cần đến thêm nhiều biện pháp khác, thậm chí cả giải pháp chưa có tiền lệ, để giúp cho thị trường vàng có những biến chuyển ổn định và có lợi hơn cho tất cả các thành viên thị trường.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, NHNN nên tính đến việc cho phép các doanh nghiệp chủ động nhập khẩu vàng miếng, đồng thời xuất khẩu vàng trang sức sang các thị trường mà họ có thể xuất được. Trong kịch bản đó, NHNN chỉ định riêng một đơn vị đứng ra giám sát hoạt động nhập khẩu vàng nhằm đảm bảo chất lượng vàng nhập khẩu.
Vàng luôn là vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam, khiến các nhà đầu tư, đầu cơ vào, ra, gây cơn sốt nóng, lạnh nhất định. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, xét đến bối cảnh hiện tại khi mà lạm phát ở mức khá thấp, đồng nội tệ khá ổn định, một số thị trường tài sản đang phục hồi khá thì vàng không phải lựa chọn đầu tư duy nhất.
Tình hình đang trong xu hướng cải thiện khi thị trường chứng khoán, bất động sản đang được hỗ trợ bởi các luật về nhà ở, bất động sản, kinh doanh bất động sản, đất đai đều đang được đẩy thời gian hiệu lực sớm hơn vào 1-8 tới, thay vì 1-1-2025.
Còn theo chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, TS Cấn Văn Lực, về mặt tổng thể phải là giảm sự quan tâm quá mức, bất thường của người dân đối với vàng trong nền kinh tế.
Nhưng để giải quyết được bài toán tâm lý đó sẽ cần đến những biện pháp quyết liệt hơn nữa, như tăng nguồn cung, bỏ độc quyền. Ngoài ra, có thể tính đến việc khu trú thị trường vàng để quản lý tốt hơn.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, Nhà nước quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng, còn thị trường vàng trang sức nên để cho thị trường tự điều tiết theo đúng các quy luật của nó.