Những người vay vàng đang trải qua cảm xúc khó tả, bởi mới cách đây một tháng, họ còn khóc ròng vì mức bù lỗ cho khoản vay vàng quá lớn thì nay khối nợ đã "dễ thở" hơn.
"Trâu chậm uống nước trong"
Chị Thu Thủy, quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ chuyện vay vàng mua căn hộ hồi năm 2020. "Tôi cần tiền mua nhà nên chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền để mua một căn hộ nhỏ. Khi đó, có người cho vay tiền mặt, nhưng cũng có người cho vay bằng vàng miếng SJC.
Theo chị Thủy, thời điểm đó, giá vàng không mấy biến động mà bán ra vẫn được giá tốt nên quyết định vay năm lượng vàng miếng của người thân. Nhận vàng xong, chị mang đi bán với giá 48 triệu đồng/lượng, tương đương 240 triệu.
Đến tháng 5 vừa qua, khi thấy giá vàng bật lên 90 triệu đồng/lượng, thậm chí có tin giá vàng miếng có thể vọt lên 100 triệu đồng/lượng. Chị Thủy choáng với khoản nợ của mình sau bốn năm đã phình to gần gấp đôi.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tháng sau, nhờ giải pháp tăng cung vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một lượng vàng miếng trên thị trường đã “lỗ” ngay 12 triệu đồng, còn khoản vay của chị Thủy tự nhiên “xẹp” xuống.
Bởi tính theo thời điểm giá vàng đầu tháng 5, chị Thủy dự tính phải chi đến 450 triệu đồng mới mua được năm lượng. Còn nếu tính theo thời điểm hiện tại, năm lượng chỉ tương đương 384,9 triệu đồng (giá vàng miếng ngày 6-6 đang là 76,98 triệu đồng/lượng). Như vậy, “ngồi không” khoản vay vàng dần “bốc hơi” khoản kha khá.
Chị Thủy nhẩm tính, so với số vàng vay ban đầu, đến nay vẫn cần chi 145 triệu đồng, nhưng sợ vàng miếng khó giảm thêm nên chị vét sạch tiền trong nhà để mua hai lượng, tích góp dần trả nợ. Song hành trình đi mua vàng trả nợ cũng vô cùng trần ai.
“Ngay trong phiên đầu tiên (3-6), tôi ghé một chi nhánh ngân hàng được bán vàng miếng lúc 3 giờ 30 thì được thông báo là hết hàng. Sáng hôm sau, tôi quay lại nhưng trong phiên sáng, phía ngân hàng chỉ ghi số thứ tự và số lượng, tiếp tục ngồi chờ đến chiều mới đến lượt thanh toán tiền và giao vàng. Phải đi lại vất vả nhưng nhờ chậm lại một ngày mà tôi “lời” một triệu đồng mỗi lượng”, chị Thủy chia sẻ.
Trường hợp như chị Thủy không phải hiếm. Chị Phương Khanh chia sẻ: Đầu năm ngoái, tôi vay lượng vàng miếng của người thân rồi đem bán chỉ có 67 triệu đồng (tương đương 469 triệu đồng). Nếu so với mức giá vàng miếng đạt đỉnh ở mức 92,4 triệu đồng vào ngày 10-5, thì tôi phải chi gần 647 triệu đồng mới đủ mua lượng vàng trên. Tính ra, mỗi lượng vàng tăng 25,4 triệu đồng, còn số tiền bỏ ra tăng thêm gần 28%.
Chị Khanh nói thêm, giá vàng miếng liên tục lao dốc trong mấy ngày gần đây và so với mức giá vàng miếng ở vùng đỉnh, đến nay mỗi lượng vàng miếng đã giảm khoảng 18% giá trị. Đây là mức giá quá tốt, nên dù phải chạy đi chạy lại hết điểm bán này đến điểm bán khác rất vất vả, chị vẫn chấp nhận.
"Có nơi, tôi vừa đến thì chi nhánh ngân hàng thông báo đã hết số thứ tự mua vàng trong ngày. Có nơi, vẫn cho lấy số thứ tự, yêu cầu ngồi xếp hàng gần 3 tiếng nhưng cuối cùng vẫn không thể mua được, vì ngân hàng chỉ làm việc đến 16 giờ là ngưng. Những ai đã bốc số mà chưa đến lượt, sẽ được ưu tiên thực hiện giao dịch vào ngày làm việc tiếp theo", chị Khanh thông tin.
Giá vàng miếng tiếp tục giảm
Theo ghi nhận của PV, đầu giờ sáng nay, 6-6, khi NHNN chưa công bố giá bán, các doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá mua vàng miếng như SJC, PNJ, Phú Quý, DOJI, Eximbank…
Theo đó, giá vàng miếng tại PNJ giảm 500.000 đồng/lượng, Phú Quý giảm 500.000 đồng/lượng, Eximbank giảm 800.000 đồng/lượng, SJC giảm 800.000 đồng/lượng, DOJI giảm 900.000 đồng/lượng… neo giá mua vàng miếng dao động từ 75,98 – 76,5 triệu đồng/lượng.
Đến 9 giờ 30, thời điểm NHNN công bố giá bán vàng miếng cho doanh nghiệp và ngân hàng ở mức 75,98 triệu đồng/lượng thì giá vàng miếng trên toàn thị trường đồng loạt lao dốc thêm 1 triệu đồng so với hôm qua. Như vậy, NHNN đang có phiên giảm giá thứ tư liên tiếp, bất chấp giá vàng thế giới đang có phiên thứ hai leo dốc.
Theo đó, tại bốn ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) và SJC niêm yết giá bán vàng miếng cho phiên giao dịch hôm nay ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Khi thông tin giá bán vàng của NHNN, hôm nay tiếp tục giảm, giá mua vào cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh hơn. Cụ thể, SJC giảm 1,8 triệu đồng/lượng, PNJ giảm 1,5 đồng/lượng, TPBank Gold giảm tới 1,9 triệu đồng/lượng... ở chiều mua so với cuối phiên hôm qua, niêm yết giá mua ở mức 74,98 triệu đồng/lượng.
Qua đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng và thế giới tiếp tục giảm. So với giá vàng thế giới quy đổi đang ở mức 72,7 triệu đồng mỗi lượng, khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng SJC và thế giới hiện chỉ có khoảng 4,3 triệu đồng. Đây đã là độ vênh thấp nhất giữa hai thị trường trong nhiều năm trở lại đây.
Đối với các loại vàng nhẫn 9999, đang giao dịch ở mức 73,5 triệu đồng/lượng mua vào và 75,1 triệu đồng/lượng bán ra, đắt hơn hôm qua 300.000 đồng ở cả hai chiều.
Nhận định về việc giá vàng bán ra từ NHNN tiếp tục giảm phiên thứ tư liên tiếp, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “NHNN không thể kéo giảm giá vàng miếng mãi được trong khi giá vàng thế giới đang tăng. Theo tôi, trong thời gian tới, nhà điều hành có thể sẽ thực hiện các bước điều chỉnh tăng giảm đan xen nhằm duy trì chênh lệch giữa vàng miếng và thế giới với biên độ phù hợp một cách bền vững”.
Nhấn mạnh về giải pháp tăng nguồn cung vàng miếng ra thị trường bằng cách bán trực tiếp cho bốn ngân hàng thương mại và SJC, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối thuộc NHNN – ông Đào Xuân Tuấn khẳng định: Mục tiêu của phương án này là nhằm thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp.
Theo ông Tuấn, việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và SJC, có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.
Giá vàng thế giới đang có phiên tăng thứ hai, giao dịch ở mức 2.370 USD/ounce, tăng 45 USD/ounce so với hai ngày trước. Giá vàng ngoại đi lên sau khi báo cáo việc làm quốc gia tháng 5 của ADP vừa công bố cho thấy, nước Mỹ đã tạo ra 152.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 5, thấp hơn đáng kể so với mức 188.000 của tháng 4 và đồng thời thấp hơn mức 175.000 theo kỳ vọng. Dữ liệu này trở thành yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường vàng thế giới.