Vụ lừa đảo 2.700 tỉ đồng: Cựu Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng khai cách làm giả giấy tờ

(PLO)- Cựu Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng khai có nhiều người đã được trả tiền gốc và nhận số tiền lãi nhiều hơn số tiền gốc nhưng do không lập sổ sách theo dõi nên bị cáo không nhớ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong vụ án lừa đảo 2.700 tỉ đồng, bị cáo Vũ Thị Thu Nhung, cựu phó giám đốc chi nhánh ngân hàng Eximbank bị cáo buộc có hành vi làm giả 57 tài liệu của chi nhánh ngân hàng nơi Nhung làm việc.

Quá trình điều tra, Vũ Thị Thu Nhung khai, khoảng năm 2020, do cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, bị cáo lợi dụng chức vụ tại ngân hàng để giới thiệu với người quen những chương trình gửi tiền ưu đãi, lãi suất cao 12-32%/năm. Thực tế các chương trình này không có thật.

Ngoài ra, bị cáo còn đề nghị những người có nhu cầu gửi tiền hoặc tham gia đầu tư mua bán đấu giá thanh lý tài sản nợ xấu thì chuyển tiền ký quỹ đầu tư với lợi nhuận 10-14% số tiền gửi.

Giám đốc ngân hàng Exim.jpeg
Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung.

Để các bị hại tin tưởng chuyển tiền, Vũ Thị Thu Nhung đã làm giả các tài liệu của Ngân hàng Eximbank gồm các chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn rút gốc linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên, chứng chỉ gửi giữ hộ tiền mặt cùng các giấy tờ liên quan. Sau đó, bị cáo đưa cho họ.

Tại CQĐT, Vũ Thị Thu Nhung đã khai ra phương thức, cách thức bị cáo thực hiện việc làm giả. Nhung chụp ảnh mẫu các chứng chỉ, chứng nhận tiền gửi của Eximbank, hình dấu tròn màu đỏ “Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình” và chuyển vào máy tính cá nhân của mình.

Tiếp đó, bị cáo scan in màu hình dấu đỏ phía dưới của mẫu chứng chỉ, logo phiên hiệu kèm theo tên của Ngân hàng Eximbank. Bị cáo tự tạo ra mẫu giả chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn rút gốc linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên”, “giấy chứng nhận tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân”, “trái phiếu có kỳ hạn”, chứng chỉ gửi giữ hộ tiền mặt” của Ngân hàng Eximbank.

Sau đó, Nhung đánh máy điền các thông tin cá nhân của khách hàng như họ tên, địa chỉ, mã tiền gửi, số tiền gửi, thời hạn, phương thức trả lãi, tiền gốc, ngày tất toán… rồi in ra, ký tên Vũ Thị Thu Nhung – Phó giám đốc chi nhánh.

Trên các chứng chỉ này, bị cáo còn ký giả tên trưởng phòng khách hàng ưu tiên, trưởng phòng khách hàng nguồn vốn để đưa cho các bị hại.

Nhung khai việc làm giả các tài liệu này là để bị hại tin tưởng mình thực sự gửi tiền vào ngân hàng và sau đó tiếp tục chuyển tiền. Các nội dung thông tin mà Nhung giới thiệu, nội dung in trên các tài liệu giả đều do bản thân tự nghĩ ra và tự thực hiện một mình.

Một số người là trung gian đã nhận tiền của người thân, người quen rồi chuyển cho Nhung để nhờ Nhung gửi tiền tiết kiệm, ký quỹ thanh lý tài sản tại Ngân hàng Eximbank.

Nhung khai những người này họ cũng tham gia nộp tiền gửi, nộp tiền ký quỹ đầu tư cho Nhung để được hưởng tiền lãi và lợi nhuận. Họ không biết việc Nhung gian dối để chiếm đoạt tiền, cũng không thỏa thuận, bàn bạc trao đổi, ăn chia tiền chiếm đoạt được với họ.

Sau khi nhận tiền của bị hại, Nhung sử dụng phần lớn để trả một phần tiền gốc, tiền lãi, tiền lợi nhuận, chăm sóc khách hàng do Nhung nại ra. Nhưng thực tế, bị cáo lấy tiền của người sau trả cho người trước.

Số tiền còn lại, bị cáo kinh doanh mua bất động sản, mua bán vàng, đồng USD, đầu tư ngắn hạn nhưng bị thua lỗ. Ngoài ra, bị cáo còn dùng tiền để trả nợ, tiêu xài cá nhân. Đến cuối tháng 5-2022, bị cáo không còn khả năng thanh toán.

Theo bị cáo khai, bị cáo nhận tiền của nhiều người, nhiều lần, số lượng lớn, thời gian dài, có nhiều trường hợp đã được tất toán tiền gốc và nhận số tiền lãi thậm chí nhiều hơn số tiền gốc.

Tuy nhiên, Nhung không lập sổ sách theo dõi, không lưu giữ giấy tờ tài liệu nên không thể nhớ đầy đủ chính xác số lượng, thông tin họ tên, địa chỉ những người đã chuyển tiền cũng như số tiền bị cáo đã nhận, đã trả cho họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm