Thị trường vàng trang sức: Lấp lánh ngàn cơ hội

(PLO)- Thị trường vàng trang sức ở Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong một nghiên cứu của Vietnam Direct, ở Việt Nam hiện có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý. Tuy vậy, lĩnh vực trang sức hiện chưa có thương hiệu nào chiếm lĩnh thị trường dù có nhiều tên tuổi lớn như PNJ, SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu. So với dư địa thị trường thì thị phần của các hãng trên chưa phải là lớn. Các chuyên gia cho rằng thị trường vàng trang sức Việt Nam thực sự rất tiềm năng.

Sức tiêu thụ nữ trang ngày càng tăng

Theo ước tính của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có thể tăng thêm 37 triệu người, trải rộng về mặt địa lý.

Sự gia tăng của tầng lớp này cùng với thay đổi trong xu hướng tiêu dùng từ tích trữ sang tích trữ và làm đẹp sẽ góp phần nới rộng dư địa tăng trưởng của thị trường trang sức. Nhóm khách trung lưu đang hướng đến các sản phẩm nữ trang hợp thời, cao cấp, thiết kế tinh xảo hơn và mang thương hiệu lớn trong nước lẫn quốc tế.

Tại đại hội cổ đông tháng 4-2022, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, cho biết trong 10 năm tới xu hướng trang sức trung cao cấp vẫn còn dư địa để tăng trưởng.

Thị trường trang sức Việt đang ngày càng tăng trưởng nhờ nhóm khách hàng trung lưu tăng mạnh những năm qua. Ảnh: THU HÀ
Thị trường trang sức Việt đang ngày càng tăng trưởng nhờ nhóm khách hàng trung lưu tăng mạnh những năm qua. Ảnh: THU HÀ

Ở các TP lớn, sức mua nữ trang vẫn tiếp tục tăng, còn ở khu vực nông thôn khách hàng cũng bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì mua vàng với mục đích tích trữ, người dân bắt đầu có nhu cầu mua trang sức phân khúc trung và cao cấp. Báo cáo kết quả doanh thu từ các đơn vị kinh doanh trang sức cho thấy sức tiêu thụ đang có nhiều dấu hiệu tích cực.

Hiện nay PNJ được coi là thương hiệu lớn trong ngành. Nhà bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam hiện sở hữu hơn 350 cửa hàng, chiếm hơn 30% tổng thị phần. Đơn vị này cũng có độ nhận diện rất cao cùng đội ngũ 1.000 thợ kim hoàn, đặc biệt có 160 thợ được xếp vào nhóm nghệ nhân, chiếm tới 70% lượng nghệ nhân cả nước.

Bên cạnh PNJ thì DOJI cũng là cái tên quen thuộc, nhất là khi đơn vị này mua lại Thế Giới Kim Cương. Thương vụ ghi dấu ấn về sự tăng tốc của DOJI trong lĩnh vực vàng bạc, đá quý và trang sức, nâng tầm ảnh hưởng và khả năng dẫn dắt thị trường.

Nhiều nhân tố mới vào cuộc

Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường trang sức của Việt Nam được đánh giá có sự gia tăng nhanh và mạnh. Những năm qua, tốc độ phát triển đạt 7%-11%/năm, con số này rõ ràng đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vàng nói chung và trang sức nói riêng khi tham gia sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II-2021 lên 14 tấn trong quý II-2022, mức tăng 11% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tổng nhu cầu về vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn lên 9,6 tấn và nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn lên đến 4,5 tấn.

Về mức tăng trưởng lợi nhuận của các nhãn hàng, việc thâu tóm ông lớn trong ngành trang sức giúp Tập đoàn DOJI nâng mức lợi nhuận sau thuế năm 2021 lên 132 tỉ đồng.

Đối với PNJ, tính lũy kế chín tháng qua công ty ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 25.574 tỉ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ và 1.340 tỉ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu đến từ kênh bán lẻ với mức tăng trưởng 113%.

Năm nay, PNJ đặt mục tiêu doanh số lên gần 25.835 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.320 tỉ đồng, một mức cao kỷ lục. Kênh bán sỉ của thương hiệu này cũng phục hồi với chiến lược phát triển tệp khách hàng sỉ tốt hơn, doanh số tăng 85%.

Có lẽ chính vì thế mà tháng 5-2022, ông lớn trong làng trang sức Pandora (Đan Mạch) đã chính thức có mặt tại Việt Nam với khoản đầu tư 100 triệu USD để xây nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP III Bình Dương. Dự án sẽ bắt đầu vào đầu năm 2023 và đi vào sản xuất vào cuối năm 2024. Năm 2021, Pandora đã bán ra 102 triệu sản phẩm trang sức.

“Việc mở rộng khả năng sản xuất của Pandora là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu dự kiến. Chúng tôi đã sẵn sàng và hào hứng cho một trang mới ở Việt Nam” - ông Jeerasage Pruranasamriddhi, Giám đốc cung ứng Pandora, nói.

Về doanh nghiệp nội địa, thị trường cũng đón nhận những nhân tố mới như FJC, một thương hiệu vàng, trang sức cao cấp của Tập đoàn FLC. Ở thời điểm ra mắt, FLC cho biết công ty có thế mạnh trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, sở hữu lợi thế về mặt nguyên liệu sẵn có và dư địa thị trường còn rộng lớn. Hiện FJC vẫn ở bước thăm dò với duy nhất showroom tại Hà Nội.

Xu hướng tiêu dùng nhiều thay đổi

Trên thực tế, dẫu cho dư địa lớn songthị trường trang sức nội địa vẫn đang gặp nhiều thách thức. Một số doanh nghiệp sản xuất nữ trang không có nguyên liệu vàng, phải thu gom trên thị trường, vô tình tạo điều kiện cho vàng nhập lậu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định tỉ giá.

Nữ trang Việt được chế tác tỉ mỉ, công phu, có giá trị thẩm mỹ và ứng dụng cao. Ảnh: THU HÀ
Nữ trang Việt được chế tác tỉ mỉ, công phu, có giá trị thẩm mỹ và ứng dụng cao. Ảnh: THU HÀ
Nữ trang Việt được chế tác tỉ mỉ, công phu, có giá trị thẩm mỹ và ứng dụng cao. Ảnh: THU HÀ

Nữ trang Việt được chế tác tỉ mỉ, công phu, có giá trị thẩm mỹ và ứng dụng cao. Ảnh: THU HÀ

Ở góc độ này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh thông tin việc quản lý vàng ngoại nhập đang được quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, việc quản lý này vô tình gây hạn chế cho thị trường trang sức bởi theo quy định hiện hành đối với vàng trang sức, việc nhập khẩu vàng chỉ phục vụ cho mục tiêu sản xuất vàng trang sức xuất khẩu để thu ngoại tệ cho quốc gia. Trong khi đó, nhu cầu trong nước lại đang tăng cao. “Tôi cho rằng nên xem xét việc tăng lượng vàng nhập khẩu để sản xuất cho thị trường nội địa, phục vụ nhu cầu trang sức của người dân” - TS Thịnh nói.

Ở khía cạnh bán lẻ, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh,các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực trang sức cần nắm bắt thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để có những thay đổi đột phá trong mẫu mã. Hiện nay, hàng ngoại nhập trên thị trường đang có lợi thế về mẫu mã đa dạng, thu hút rất nhiều khách hàng quan tâm dù chất lượng khó kiểm soát.

Người tiêu dùng sẵn sàng mua sắm

Theo Công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG), thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng từ 1.400 USD/năm lên 3.400 USD/năm vào năm 2021. Số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu cũng tăng lên, đồng nghĩa với việc nhu cầu về vàng bạc, nữ trang cũng sẽ tăng theo cấp số nhân. Ngoài nhu cầu làm đẹp, nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ còn có nhu cầu trang sức, phụ kiện để thể hiện gu thời trang và cá tính của mình. Vì vậy, họ sẵn sàng mua sắm và không ngừng đổi mới, đặt yêu cầu cao về sự đa dạng, phong phú, biến đổi về mẫu mã, chất liệu, chủng loại sản phẩm.

Công ty nghiên cứu thị trườngVietnam Credit cũng thông tin trong một cuộc khảo sát về thị trường trang sức, người dùng cho biết độ bền của sản phẩm là yếu tố họ quan tâm hàng đầu. “Khách hàng rất cẩn trọng khi lựa chọn chất liệu trang sức cũng như sẵn sàng trả giá cao nếu tin tưởng vào giá trị độ bền mà món đồ đó mang lại” - Vietnam Credit nêu.

Bên cạnh đó, người sử dụng trang sức có xu hướng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng, được khách hàng nhận biết và có độ tin cậy cao.

Lĩnh vực không dễ “ăn”

Mặc dù sân chơi trang sức nhiều dư địa phát triển nhưng không phải lúc nào ngành trang sức bán lẻ cũng mang lại quả ngọt. Đơn cử như giữa tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Thế Giới Di Động chính thức thông báo đóng mảng trang sức AVAJi sau sáu tháng ra mắt thị trường.

Trước đó, đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán phụ kiện trang sức chính hãng như đồng hồ, dây chuyền, nhẫn, mắt kính, bông tai… trong phân khúc sản phẩm từ bình dân tới trung cấp. Việc định hướng phân khúc này tránh được sự cạnh tranh với những ông lớn kỳ cựu như PNJ, vốn đã có vị thế vững chắc ở phân khúc cao cấp.

Trao đổi bên lề một cuộc họp báo, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động thừa nhận trang sức và thể thao là mảng kinh doanh khó nhằn của doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm