Sôi động thị trường số livestream

(PLO)- Những câu chuyện đổi đời nhờ khả năng livestream bán hàng đang kéo theo làn sóng kinh doanh mới xuất hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một thống kê cách đây không lâu của Công ty Gostream, trung bình mỗi ngày có khoảng 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là con số không quá bất ngờ khi sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng dần coi việc mua hàng online là thói quen hằng ngày. Những số liệu về tỉ lệ tăng lên của người dùng Internet cũng cho thấy sức nóng của hình thức mua sắm trực tuyến.

Đào tạo livestream chờ bùng nổ

Bà Phạm Thị Ngọc Trúc, người sáng lập và Giám đốc điều hành Học viện Livestream S-On, cho biết từ những năm 2016-2018 đã có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp nắm bắt được thuật toán trên các nền tảng mạng xã hội và kiếm được rất nhiều tiền từ đó. Mô hình livestream bùng nổ từ khi dịch COVID-19 gây ra nhiều trở ngại trong việc mua bán hàng trực tiếp.

Có những nhà bán hàng thông qua livestream, chỉ trong 15 phút đã chốt được 500 đơn, doanh thu một tháng lên đến tiền tỉ.

“Thị trường livestream đang phát triển như vũ bão. Cùng với sự hỗ trợ từ các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT) và phần mềm hỗ trợ bán hàng, việc livestream đã trở nên dễ dàng hơn. Livestream là mảnh đất màu mỡ và nhiều tiềm năng bởi chưa có nhiều ông lớn tham gia” - bà Trúc nhìn nhận.

Một buổi học livestream tại Học viện S-On. Ảnh: THU HÀ

Một buổi học livestream tại Học viện S-On. Ảnh: THU HÀ

Thực tế, ở một số quốc gia như Trung Quốc đã coi livestream là một nghề và có nhiều trường đào tạo chuyên nghiệp. Trong khi đó tại Việt Nam, các cơ sở đào tạo và cung cấp dịch vụ livestream đang ở mức sơ cấp. Thị trường đào tạo chỉ xuất hiện vài học viện với giáo trình bài bản như NextOn, S-On, Starena hay các đơn vị tổ chức các khóa huấn luyện livestream như IMGroup, các sàn TMĐT.

Ở thời điểm ra mắt Học viện NextOn, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group, nhìn nhận livestream bán hàng sẽ là một công việc phổ biến trong thời gian tới.

“Sau khóa học, học viên được giới thiệu việc làm hoặc trở thành cộng tác viên bán hàng của hệ sinh thái hơn 80.000 doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh kỹ thuật số của NextTech Group” - ông Bình kỳ vọng.

Đầu năm 2021, VinaCapital Ventures đã quyết định đầu tư vào GoStream - ứng dụng livestream nội địa với số tiền trong vòng gọi vốn đầu tiên là 1 triệu USD. Điều này cho thấy livestream đang được các quỹ đầu tư đặc biệt quan tâm.

Có lẽ vì điều này mà các sàn TMĐT cũng nhanh chóng triển khai hình thức bán hàng và đào tạo livestream. Đại diện Lazada Việt Nam cho biết các nhà bán hàng của họ khi tham gia kinh doanh trên sàn dễ dàng tham gia các nội dung đào tạo livestream từ cơ bản đến nâng cao.

Hiện nay, các hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Sulwhasoo, Vichy, Laeige, L’Oreal cũng đã chọn cách livestream để tiếp cận khách hàng Việt Nam thông qua kênh riêng trên sàn TMĐT. Đáng chú ý, ngay cả nông dân cũng được các sàn TMĐT, đơn vị công nghệ hỗ trợ tiếp cận hình thức bán hàng livestream để mở rộng đầu ra nông sản.

Bà Phạm Thị Ngọc Trúc nhận định công việc này cũng giống như việc chạy quảng cáo, digital marketing… phải có kiến thức, thời gian và tiền bạc mới đạt hiệu quả.

“Do đó, việc mở các lớp đào tạo chuyên nghiệp là rất cần thiết. Tôi chắc chắn livestream sẽ bùng nổ vì hiện nay công nghệ và các nền tảng của chúng ta không thua gì nước bạn. Điều này có nghĩa là khi sản phẩm tốt, đội ngũ livestream uy tín, chất lượng thì mới tạo tiền đề cho lĩnh vực này đạt đỉnh” - bà Trúc phân tích.

Cần nhiều lực đẩy hơn để phát triển

Tham gia nền tảng livestream nhiều năm nay, ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty Natural House, cho biết livestream đang là xu hướng bán hàng thịnh hành bởi nó giải quyết một số vấn đề như sự trực quan và tăng khả năng tương tác.

Theo dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm đến 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo, đẩy mạnh tiềm năng để các nền tảng livestream phát triển mạnh trong thời gian gần đây, nhất là khi TMĐT bùng nổ.

Tuy vậy, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lâm cho rằng cần có nhiều lực đẩy để livestream trở thành mỏ vàng kiếm tiền như ở Trung Quốc. Theo đó, cần có nhiều đơn vị đào tạo livestream một cách bài bản, phải có lối dẫn dắt, mang đến thông tin giá trị cho khách hàng chứ không đơn giản là bật máy lên và nói.

“Thực tế, mỗi phiên livestream chúng tôi vẫn sử dụng cây nhà lá vườn, ít người trải qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp. Chính vì thế, hiện tại kênh bán hàng này vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng” - ông Lâm nói.

Ở góc độ nhà đào tạo, bà Phạm Thị Ngọc Trúc cũng đồng tình thị trường livestream còn nhiều dư địa để phát triển bởi thực tại còn khá sơ sài. Nhiều người livestream theo bản năng, cảm tính, học theo người đi trước mà chưa thực sự hiểu được thuật toán của livestream.

“Điều này khiến cho doanh số của mỗi phiên sẽ rất thấp, thậm chí mắt xem gần như bằng 0” - bà Trúc nói.

Thêm vào đó, các mặt hàng kinh doanh trên lĩnh vực này chưa nhiều, chủ yếu tập trung các sản phẩm rẻ tiền.

“Nếu như nước ta tận dụng các loại nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay sản phẩm đặc trưng của vùng miền, đồng bào… thì chính là mỏ vàng” - bà Trúc tư vấn.

Hàng loạt nhà bán hàng livestream mỗi ngày trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: THU HÀ

Hàng loạt nhà bán hàng livestream mỗi ngày trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: THU HÀ

Tuy vậy, vị giám đốc của Học viện Livestream S-On cho rằng một lực đẩy khá quan trọng để tạo ra môi trường livestream bền vững là tránh xa truyền thông bẩn và sản phẩm bẩn. Sản phẩm khi livestream phải mang đến cho người dùng giá trị thực và sản phẩm chất lượng thực sự.

Ở một khía cạnh khác, một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cho rằng muốn livestream phát triển thì nội dung, hình ảnh tiếp thị rất quan trọng.

“Một số người thắc mắc rằng tại sao đơn vị này lại có ngàn đơn mỗi phiên livestream, còn mình thì không. Thực tế, nếu các bạn xây dựng được nội dung tốt, bài bản, thu hút lượng theo dõi cao thì gần như bạn đã thành công 70%-80% rồi. Phần còn lại chính là chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh và chăm sóc sau bán hàng” - vị này nói.

Cần tạo hành lang pháp lý

Để hình thức livestream trở nên chuyên nghiệp trong tương lai, rất cần có hành lang pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của người bán lẫn người mua. Người bán phải chịu trách nhiệm về nội dung và các sản phẩm khi livestream. Điều này sẽ tránh được các rủi ro về phát ngôn sai lệch hay truyền bán thông tin fake new trong quá trình phát trực tiếp.

Ông NGUYỄN BÌNH MINH, Hiệp hội TMĐT Việt Nam

Vẫn cần chờ tín hiệu từ người dùng

Đối với việc livestream, việc bùng nổ là xu hướng tất yếu nhưng khi bùng nổ càng nhiều thì đi kèm nhiều rủi ro như chất lượng sản phẩm kém, khách hàng hủy đơn hoặc “bùng hàng” càng cao. Livestream tuy về mặt thực tế là lĩnh vực riêng nhưng chỉ là ngắn hạn, muốn phát triển cần có chính sách và trách nhiệm để việc quản lý tốt hơn.

Thêm vào đó, việc mở các lớp livestream dù chuyên nghiệp thì cũng là giai đoạn ngắn, bởi về lâu dài người dùng có thể sẽ thay đổi phương thức, quan điểm mua hàng, lúc đó có thể việc livestream sẽ không phát triển mạnh nữa vì có nhiều hình thức khác thay thế.

Ông NGUYỄN PHẠM HOÀNG HUY, Chủ nhiệm bộ môn TMĐT Trường CĐ Thực hành FPT Polytechnic

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm