Thiết bị y tế tài trợ về tới Việt Nam phải trả lại vì Bộ Y tế không trả lời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện các Nghị quyết 42, 154, 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Tại buổi giám sát, ĐBQH Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới đều thiếu thiết bị y tế.

Hiện nay MTTQ TP gặp lúng túng trong việc tiếp nhận các viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Việc này ngành y tế, ngành hải quan biết rất rõ nhưng không ai giúp được.

nhap-thiet-bi-y te-qua-du-dung

ĐBQH Tô Thị Bích Châu nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Theo bà Châu, có nhiều cá nhân, tổ chức với sự thiện nguyện đã vận động máy móc, trang thiết bị y tế qua sử dụng ở nước ngoài về Việt Nam; trong đó có máy móc Mỹ mới sản xuất, chắc chắn đã qua sử dụng nhưng còn tốt. Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý cho nhập thiết bị y tế qua sử dụng về Việt Nam, còn trước đó thì cấm nhập dù là từ thiện.

“Chính phủ đã đồng ý nhưng ngành y tế có quan điểm ra sao thì không có trả lời nên dẫn đến kết quả đau lòng là hàng về tới Việt Nam rồi phải tái xuất trở lại vì không ai hướng dẫn, không ai trả lời” – bà Châu nêu và cho biết Uỷ ban MTTQ TP đã có văn bản tiếp nhận, phân phối, chỉ chờ một văn bản của Bộ Y tế đồng ý, giao cho Sở Y tế  TP thẩm định thì phân bổ liền.

Hay vừa qua một tổ chức Hàn Quốc cho TP 20 chiếc xe cứu thương được sản xuất từ năm 2015 nhưng theo quy định thì chỉ nhận được xe sản xuất từ năm 2019 trong khi trong nước vẫn đang thiếu.

“Các bệnh viện (BV) ngày đêm trông chờ nhưng phải trả về nơi xuất, đó là điều đau lòng” – bà Châu nói và đề nghị ngành y tế cần có kiến nghị để có chính sách chung về việc này.

Cũng liên quan đến trang thiết bị y tế chống dịch, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM, đề nghị Sở Y tế có báo cáo về việc các BV tại TP có thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị mới hay không?

Vì trên thực tế khi ông đi thăm ba BV thì nhận thấy những nơi này ‘không dám’ làm; trong khi đó càng chống dịch thì nguồn máy móc thiết bị càng khó khăn hơn và cần khẩn cấp giải quyết.

Theo ĐB Nhân, việc đấu thầu này trước đây Chính phủ đã giao cho địa phương rồi địa phương giao cho các BV nhưng BV "có dám làm đâu".

Tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị Sở Y tế TP có rà soát lại khó khăn về mua sắm trang thiết bị ở các BV dã chiến cấp quận, huyện để tháo gỡ.

Bà Lệ cho rằng nên thống nhất giao các BV dã chiến này cho quận, huyện quản lý để chủ động mua sắm, trang bị.

Đề nghị xây dựng tượng đài vinh danh ngành y tế

Tại buổi giám sát, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận trong bốn tháng qua, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát thì đến nay dịch bệnh tăng rất nhanh.

xay-tuong-dai-nganh-y
ĐBQH Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến xây dựng tượng đài vinh danh ngành y. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Ngân, vừa qua nỗ lực của ngành y tế là rất lớn, trong đó ghi nhận nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng của ngành y tế cả nước cùng với TP.HCM.

“Sau khi kiểm soát được dịch, tôi đề nghị Trung ương và TP xây dựng tượng đài vinh quang, vinh danh ngành y tế” – ĐB Ngân đề xuất và cho biết trong các cuộc chiến có vinh danh bộ đội cụ Hồ, chiến sĩ giải phóng quân thì trong cuộc chiến với dịch COVID-19 cũng nên vinh danh ngành y. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm