Năm đội châu Á gồm chủ nhà Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Iran và Saudi Arabia đều đá vòng loại giải này cũng là vòng chung kết U-19 châu Á hồi tháng 10-2016. Như vậy từ đấy tính đến ngày khai mạc World Cup U-20 thì phải trải qua tám tháng “treo” và chờ. Trong khi đó khu vực châu Phi, CONCACAF và Nam Mỹ thì vừa mới kết thúc chưa đầy một tháng. Điều này có nghĩa điểm rơi phong độ và sự ăn ý trong sinh hoạt và thi đấu của các đội trẻ tham dự vòng chung kết U-20 có sự khác biệt rất lớn. Chẳng hạn ở bảng E có U-20 Việt Nam (chờ tám tháng mới tới vòng chung kết) thì ở đó cũng có U-20 Honduras (vừa dự trận chung kết U-20 CONCACAF với U-20 Mỹ cách đây hai tuần).
Trong khi các khu vực khác mới kết thúc vòng loại thì U-20 Việt Nam và bốn đội châu Á còn lại đã kết thúc từ năm ngoái. Ảnh: VFF
Tương tự là vòng chung kết World Cup U-17 diễn ra vào tháng 9 tới tại Ấn Độ, các khu vực khác cũng vừa mới xác định đội qua giải vô địch khu vực. Như Nam Mỹ vừa xác định ba đội Brazil, Paraguay và Chile cách đây vài ngày, trong khi châu Á kết thúc vòng loại và xác định đội tham dự cách đây… gần một năm (thời điểm U-16 Việt Nam do HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt đá vòng chung kết U-16 châu Á hồi tháng 7 năm ngoái tại Ấn Độ).
Lịch thi đấu các vòng chung kết trẻ châu Á cũng là vòng loại World Cup trẻ “vênh” nhau rất lớn giữa châu Á và các khu vực khác dẫn đến điều vô cùng bất lợi cho các đội châu Á. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao giám đốc kỹ thuật của bóng đá Việt Nam Juergen Gede, người từng “ăn nằm” cùng ban huấn luyện U-19 Việt Nam tại Bahrain đá vòng chung kết châu Á năm ngoái khi quay trở lại Việt Nam công tác và ông ngạc nhiên phong độ rớt thảm của nhiều tuyển thủ trẻ.
Ông nhìn nhận ra chỉ có vài ba gương mặt được lên đội 1 đá thường xuyên ở V-League như Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), Nguyễn Quang Hải (Hà Nội), còn lại thì quá ít cơ hội ra sân. Điều này dẫn đến phong độ sụt giảm, ít có cơ hội cọ xát đối kháng và đặc biệt là mất hẳn cảm giác bóng cùng sự ăn ý với tập thể…